Với chiều dài đường bờ biển 102 km, vùng lãnh hải rộng hơn 17.000 km2, có 5 cửa sông lớn đổ ra biển với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, Thanh Hoá có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển dựa trên nguồn tài nguyên biển phong phú. Tuy nhiên, môi trường biển bị ô nhiễm đã khiến hệ sinh thái biển đang có chiều hướng xuống cấp.
Bãi biển Sầm Sơn (Nguồn ảnh: vietnamtourism.com)
Suy thoái môi trường biển
Theo khảo sát của các ngành chức năng, tình trạng ô nhiễm môi trường biển Thanh Hóa chủ yếu do các cơ sở hậu cần dịch vụ tại các cảng biển, cảng cá, bến cá còn lạc hậu, thiếu đồng bộ và vệ sinh công nghiệp kém. Sự gia tăng số lượng tàu thuyền khai thác hải sản, lượng tàu neo đậu thường xuyên càng làm tăng lượng chất thải sinh hoạt, dầu mỡ…đổ ra biển. Mặt khác, hầu hết các cảng cá, bến cá đều tập trung số lượng lớn những cơ sở sơ chế, các vựa cá, tôm để trao đổi mua bán, các khu dịch vụ hậu cần nghề cá như: cung cấp các dịch vụ sinh hoạt, nước đá, xăng dầu, sửa chữa , đóng mới tàu cá…,khiến tình trạng ô nhiễm chất hữu cơ, chất thải rắn và ô nhiễm dầu, kim loại nặng…trở thành vấn đề bức xúc tại hầu hết các cảng biển, cảng cá, bến cá hiện nay.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cảng cá, bến cá ven biển không chỉ tác động trực tiếp tới đời sống và sản xuất trong khu vực, các chất thải theo dòng nước đưa ra vùng ven bờ còn là nguyên nhân quan trọng tác động đến các hệ sinh thái biển, những vùng nuôi hải sản biển tập trung, những bãi tắm du lịch và một số ngành kinh tế khác…Bên cạnh đó, vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa chưa thiết lập mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường vùng biển, ven biển nhằm cung cấp thông tin, số liệu làm cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch, quản lý, bảo vệ môi trường, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên biển, phục vụ phát triển bền vững vùng ven biển của tỉnh.
Thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
Trước nguy cơ suy thoái môi trường vùng biển, ven biển, thời gian qua, các cấp, ban, ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, nhất là cư dân ven biển về tầm quan trọng của môi trường tự nhiên đối với phát triển kinh tế biển, nâng cao chất lượng sống, nghiêm cấm khai thác bừa bãi các vùng ven sông, biển... Nhờ đẩy mạnh giáo dục truyền thông, nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, phát triển hệ sinh thái ven biển cùng với việc thu hút đầu tư phát triển du lịch nên nhiều địa phương như Thị xã Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia đã xây dựng được vùng biển sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch trong lành và sạch đẹp. Nhiều huyện lấy phát triển kinh tế biển làm mũi nhọn, theo đó, đã xây dựng chiến lược đúng đắn trong nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên biển và hạn chế đến mức thấp nhất sự ô nhiễm dải ven biển, bảo đảm sự phát triển kinh tế trong đa dạng sinh thái biển, đảo.
Được biết, từ năm 2013 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã xây dựng và thực hiện chương trình quan trắc tổng hợp môi trường biển. Việc làm này đã đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường vùng biển, ven biển của tỉnh; xác định được xu thế diễn biến chất lượng môi trường vùng biển, ven biển; kịp thời phát hiện và cảnh báo các trường hợp ô nhiễm môi trường và các sự cố ô nhiễm môi trường vùng biển, ven biển, trên cơ sở đó đề xuất phương án phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, bảo đảm cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng biển, ven biển của tỉnh.
Hiện nay, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016. Đây sẽ là tiền đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực biển, hải đảo góp phần khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển Thanh Hóa.
T. Bình