Thực hiện kế hoạch công tác năm 2016, ngày 21/01, đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Vương Duy Biên dẫn đầu đã kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại hai tỉnh Thái Bình và Nam Định.
Thứ trưởng Vương Duy Biển kiểm tra tại Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, Nam Định (Ảnh: Thu Trang)
Tại Thái Bình, Thứ trưởng Vương Duy Biên đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở VHTTDL Thái Bình và các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Vũ Thư về công tác quản lý và tổ chức lễ hội mùa 2016.
Báo cáo đoàn công tác, đại diện UBND các huyện Hưng Hà, Vũ Thư, Quỳnh Phụ cho biết, bám sát tinh thần các văn bản chỉ đạo, đặc biệt là Thông tư quy định về tổ chức lễ hội vừa được Bộ VHTTDL ban hành, các địa phương đã chủ động triển khai, xây dựng các kế hoạch, kịch bản, thành lập các tiểu ban và phân công nhiệm vụ chuẩn bị cho mùa lễ hội 2016. Sở VHTTDL Thái Bình đã chỉ đạo Phòng VH-TT phối hợp các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý và tổ chức lễ hội cho đội ngũ làm công tác văn hóa ở cơ sở để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, bất cập. Chỉ đạo các BQL di tích, BTC lễ hội thực hiện đặt hòm công đức đúng nơi quy định, quản lý và sử dụng tiền giọt dầu, tiền công đức công khai, minh bạch, đúng mục đích. Nghiêm cấm việc đổi tiền lẻ tại di tích, lễ hội trái với quy định của pháp luật. Đặc biệt, chú trọng hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng; hạn chế đốt nhiều đồ vàng mã trong lễ hội...
Tại Nam Định, đoàn công tác đã kiểm tra công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội năm 2016 tại các di tích trọng điểm: Đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc); Đền Trần (TP Nam Định) và Phủ Dầy (huyện Vụ Bản). Sở VHTTDL Nam Định cho biết, chuẩn bị cho mùa lễ hội năm 2016, Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và tổ chức các lễ hội trên địa bàn. Đặc biệt tăng cường chỉ đạo đối với các lễ hội thu hút đông người, chú trọng ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm... Đối với lễ hội vốn là “điểm nóng” của truyền thông và dư luận xã hội là lễ khai ấn Đền Trần, năm nay Nam Định tiếp tục xây dựng kế hoạch tổ chức chặt chẽ, bài bản, chi tiết, cố gắng cao nhất để lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống...
Đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong công tác chuẩn bị cho quản lý, tổ chức lễ hội mùa 2016, Thứ trưởng Vương Duy Biên lưu ý, hệ thống văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Bộ VHTTDL về công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã được ban hành đầy đủ, toàn diện. Đây là hành lang pháp lý quan trọng, toàn diện để các địa phương bám sát khi triển khai công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn. Các lễ hội cần được tổ chức đảm bảo ý nghĩa linh thiêng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, là lễ hội của nhân dân. Cần kiên quyết loại bỏ những hủ tục, yếu tố phản cảm nảy sinh. Đối với việc tiếp nhận các hiện vật cung tiến, Thứ trưởng lưu ý, các di tích đã được xếp hạng cần được bảo vệ nghiêm ngặt theo Luật Di sản Văn hóa, vì vậy đồ cung tiến cần được cân nhắc, thận trọng khi tiếp nhận, tránh tùy tiện làm sai lệch các yếu tố nguyên gốc của di tích. Các địa phương và BQL các di tích, BTC lễ hội cũng cần lường trước những vấn đề tiêu cực có thể nảy sinh trên thực tế để có phương án xử lý kịp thời, đặc biệt đối với các lễ hội lớn, thu hút đông người như Đền Trần (Nam Định), Đền Trần (Thái Bình), Phủ Dầy... Kiên quyết không để xảy ra những hiện tượng lộn xộn, phản cảm gây bức xúc dư luận xã hội như tranh, cướp lộc, ném tiền lên kiệu ấn hay lợi dụng lễ hội để trục lợi...