Hiện nhiều địa phương đã chú trọng phát triển, sáng tạo các sản phẩm lưu niệm mang đậm bản sắc văn hóa, tạo dấu ấn riêng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thị trường quà tặng và đồ lưu niệm tại Việt Nam vẫn chưa phát triển xứng tầm, nhiều sản phẩm còn thiếu sự hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như thị hiếu của du khách.
Sản phẩm dệt lụa của các nghệ nhân Việt Nam thu hút du khách quốc tế tại Chương trình “Quà tặng của nhân gian” diễn ra ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: P. Sỹ.
Khi du khách trở thành “đại sứ” quảng bá văn hóa
Hà Nội từ lâu đã xác định phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống là thế mạnh, thành phố đã dần đưa các làng nghề trở thành trung tâm bán hàng lưu niệm thủ công truyền thống đặc trưng hấp dẫn khách du lịch, kết hợp cung ứng trải nghiệm hoạt động sản xuất trực tiếp. Trong 2 năm liên tiếp, Hà Nội tổ chức lễ hội quà tặng để vừa quảng bá, vừa định hình sản phẩm quà tặng chính. Đặc biệt, câu chuyện văn hóa cho các sản phẩm quà tặng du lịch luôn được chú trọng. Đây chính là yếu tố giúp tăng giá trị, tạo sự khác biệt cho sản phẩm lưu niệm của địa phương.
Cùng với Hà Nội, nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đang quan tâm phát triển sản phẩm quà tặng du lịch. Như tỉnh Ninh Bình coi các sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống, với giá trị văn hóa đặc sắc và tài năng của nghệ nhân là nền tảng để phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là du lịch văn hóa.
Cao Bằng thời gian qua cũng đã phát triển du lịch gắn liền với việc thúc đẩy sản xuất và kinh doanh các sản phẩm lưu niệm thủ công, góp phần không nhỏ vào việc quảng bá văn hóa địa phương và phát triển kinh tế cộng đồng. Các sản phẩm lưu niệm tại Cao Bằng không chỉ là những món quà xinh xắn mà còn là đại diện cho bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc Tày, Nùng, Dao…
Theo một số chuyên gia, đây là nguồn thu rất lớn nếu chúng ta biết tận dụng. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, quà lưu niệm còn góp phần lưu giữ những nét tinh hoa, giá trị văn hóa truyền thống và quảng bá hình ảnh của địa phương.
TS Vũ Hương Lan, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Sản phẩm lưu niệm kích thích chi tiêu của du khách và góp phần không nhỏ vào tổng doanh thu du lịch. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, quà lưu niệm còn góp phần lưu giữ những nét tinh hoa, giá trị văn hóa truyền thống và quảng bá hình ảnh của địa phương. Khi du khách mua những món đồ lưu niệm để tặng bạn bè, người thân họ đã trở thành các "đại sứ” quảng bá văn hóa, danh lam thắng cảnh cho điểm đến”.
Cùng quan điểm, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á cho rằng, sản phẩm quà lưu niệm du lịch không chỉ đơn thuần là những món đồ được mua về để lưu lại kỷ niệm của chuyến đi mà còn là những công cụ trong việc quảng bá hình ảnh địa phương.
“Những món quà này thường mang trong mình nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền, như gốm sứ Bát Tràng, tranh thêu tay ở Hội An hay sản phẩm từ tre nứa ở miền Tây… Khi du khách mang những sản phẩm này về, họ không chỉ mang theo kỷ niệm mà còn trở thành những “đại sứ” quảng bá cho địa phương, giới thiệu văn hóa vùng đất và con người nơi họ đã ghé thăm” - ông Quỳnh nói.
Du khách nước ngoài thích thú với các sản phẩm lưu niệm của các làng nghề Hà Nội. Ảnh: P. Sỹ.
Tạo bản sắc riêng hấp dẫn du khách
Thực tế dù nhu cầu mua đồ lưu niệm của du khách rất lớn, cùng với làm đồ lưu niệm xuất khẩu, hiện nhiều địa phương đã chú trọng đến thị trường này.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, thị trường quà tặng du lịch ở Việt Nam đang trên đà phát triển. Nhiều cơ sở sản xuất và nghệ nhân ở một số làng nghề đã chú trọng đến việc thiết kế và sản xuất quà lưu niệm chất lượng, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương. Tuy nhiên, nó cũng chỉ là sự khởi đầu nhỏ lẻ, chưa có nhiều cái “bắt tay” giữa các đơn vị du lịch và cơ sở làng nghề.
Vì vậy ông Quỳnh cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức du lịch cần có những chính sách hỗ trợ để phát triển bền vững ngành quà lưu niệm, đồng thời khuyến khích việc tham gia của cộng đồng địa phương. Kết hợp bản sắc văn hóa với xu hướng tiêu dùng hiện đại để tạo ra các sản phẩm lưu niệm độc đáo và hấp dẫn. Các sản phẩm cần phải mang lại giá trị cảm xúc và ý nghĩa sâu sắc cho du khách. Ví dụ, có thể thiết kế những món đồ lưu niệm mang hình ảnh biểu tượng của địa phương kết hợp với công nghệ hiện đại như in 3D hay các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Theo TS Hoàng Thị Điệp - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), phát triển sản phẩm quà lưu niệm không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là cầu nối hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy các sản phẩm quà lưu niệm vẫn còn thiếu sự đồng bộ, thiếu bản sắc và chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cũng như thẩm mỹ của khách hàng.
“Cần chú trọng nâng cao chất lượng, sáng tạo trong thiết kế và đưa yếu tố văn hóa bản địa vào sản phẩm quà lưu niệm, đồng thời khuyến khích địa phương sản xuất thân thiện với môi trường. Ngoài ra, việc xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu, hỗ trợ các làng nghề và nghệ nhân thông qua các chương trình xúc tiến cũng là hướng đi quan trọng” - TS Điệp cho biết.
Những món quà tặng mang “hồn xứ sở”Đến làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), du khách không chỉ thích thú với không gian làng Việt mang đậm dấu ấn Bắc Bộ mà còn có dịp gặp gỡ, trò chuyện với những nghệ nhân với đôi tay tài hoa làm ra nhiều món quà tặng du lịch độc đáo.Thuộc thế hệ 8X, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát có 22 năm gắn bó với nghệ thuật sơn mài. Những sản phẩm quà tặng do nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát và xưởng của anh làm ra, được đánh giá là thấm đẫm nét văn hóa bản địa của vùng đá ong xứ Đoài. Là người chịu khó tìm hiểu, Nguyễn Tấn Phát đã biến các chất liệu truyền thống thành những sản phẩm quà tặng du lịch độc đáo.Bộ sản phẩm “thạch ong xà” của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát.Chào đón năm mới Ất Tỵ 2025, nghệ nhân sơn mài Nguyễn Tấn Phát đã cho ra mắt bộ sản phẩm “thạch ong xà” được chế tác rất công phu, tỉ mỉ. Bộ sản phầm "thạch ong xà" gồm 45 bức tượng có chủ đề về rắn (đại diện cho năm Ất Tỵ 2025). Trong 12 con giáp, rắn là con vật xếp vị trí thứ 6 đại diện cho sự thông minh, sinh sôi mãnh liệt và sức sống dẻo dai, linh hoạt. Ngoài ý nghĩa đó, rắn còn gắn liền với đời sống nông nghiệp của người dân Việt Nam - biểu trưng cho yếu tố thủy tính, nguồn cội của sự ấm no, trù phú. "Tượng rắn được chế tác từ gỗ mít, một loại gỗ quen thuộc ở phần lớn vùng nông thôn Việt Nam. Loại vật liệu này thường được người thợ mộc sử dụng để đóng, giường, tủ, bàn ghế…" - nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ, đồng thời cho biết, chế tác tượng rắn từ gỗ mít khoảng một ngày thì ra hình sản phẩm. Tiếp sau đó là đến công đoạn sơn mài kéo dài khoảng hơn một tuần. Lớp sơn mài bao phủ rắn tạo nên sự rực rỡ, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Tiếp đó là phần chế tác đá ong, mất khoảng hơn một ngày. Đá ong, chất liệu đặc trưng của làng cổ Việt Nam, với màu sắc nâu vàng tự nhiên gợi lên sự mộc mạc, gần gũi nhưng vẫn đầy sức sống. Như vậy để hoàn thành 1 sản phẩm, anh phải mất gần 2 tuần.Những năm trước, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cũng đã ra mắt bộ tượng rồng, tượng mèo… hết sức độc đáo. Nghệ nhân Tấn Phát cho biết thời gian tới anh sẽ cho ra nhiều bộ sản phẩm mới đều có chủ đề hướng về văn hóa truyền thống, nguồn cội của người Việt Nam. T.H |
Phạm Sỹ