(TITC) - Thời gian qua tỉnh Trà Vinh luôn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc qua các sự kiện, hoạt động lễ hội, gắn với mời gọi, xúc tiến đầu tư, liên kết hợp tác phát triển du lịch.
Du khách và người dân hòa cùng điệu múa dân tộc Khmer - Ảnh: TITC
Thời gian qua, địa phương đã triển khai hiệu quả Dự án bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh, và mang lại kết quả thiết thực.
Trong đó, Trà Vinh đã tập trung vào vận động đồng bào dân tộc cùng với chính quyền xã hội hóa việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Khmer gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Huy động nguồn lực xã hội vào việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di sản văn hóa thuộc thẩm quyền quản lý, biến di sản văn hóa thành điểm nhấn của địa phương thu hút du khách đến tham quan du lịch, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, du lịch trải nghiệm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho đồng bào Khmer. Xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer tạo ra những sản phẩm và dịch vụ du lịch phát triển ngày càng chất lượng hơn, tạo nền móng cho hoạt động du lịch phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập dựa vào sức dân và điều kiện sẵn có của địa phương là chính. Ví dụ như di tích Ao Bà Om có khách đến nhiều, Sở VHTTDL hỗ trợ người dân học múa Rô băm và nhạc truyền thống là có thể làm du lịch. Trà Vinh vẫn tìm hướng phát triển sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái - cộng đồng gắn với văn hóa bản địa nhằm phát triển nền kinh tế du lịch “xanh” một cách bền vững…
Bên cạnh đó là đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ vào việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di sản văn hóa thuộc thẩm quyền quản lý, biến di sản văn hóa thành điểm nhấn của địa phương thu hút du khách đến tham quan du lịch. Nhờ đó mà tới nay Làng Văn hóa du lịch Khmer gần như còn giữ nguyên bản về tập quán sinh sống của người dân tộc Khmer.
Một góc khu Danh thắng cảnh Quốc gia Ao Bà Om - Ảnh: TITC
Điểm nhấn nổi bật của người dân nơi đây là thật thà, mến khách và vẫn giữ tính cách đặc trưng của người dân Tây Nam Bộ. Tỉnh Trà Vinh quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, đáng chú ý nhất là di tích danh thắng cảnh Quốc gia Ao Bà Om và Làng Văn hóa du lịch Khmer xã Lương Hòa, huyện Châu Thành; bảo dưỡng, sửa chữa đường bích họa "Không gian ký ức" trong Làng Văn hóa du lịch Khmer xã Lương Hòa.
Du khách tham quan đường bích họa - Ảnh: TITC
Trong Làng Văn hóa du lịch Khmer xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, con đường bích họa được chú ý bởi 78 bức bích họa thể hiện cảnh làng quê truyền thống, các trò chơi dân gian, lễ hội, những câu chuyện truyền thuyết, trích đoạn sân khấu dù kê, các vũ điệu múa dân gian và các hoạt động lao động, sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới của đồng bào dân tộc Khmer.
Một cách rất thiết thực trong việc bảo tồn cảnh quan không gian văn hóa truyền thống, gắn với đời sống tín ngưỡng, tâm linh, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đó là khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền. Đồng thời cũng là một cách giúp du khách gần xa có cái nhìn bao quát về nét đẹp của văn hóa dân tộc Khmer vô cùng độc đáo, góp phần lan tỏa, giới thiệu văn hóa tỉnh Trà Vinh nói chung đến với du khách.
Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh còn tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch đối với đối tượng là cộng đồng dân tộc thiểu số tại các điểm đến du lịch. Hướng dẫn tạo điều kiện để đồng bào Khmer gắn kết việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với hoạt động du lịch để vừa tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo, vừa tạo ý thức cho chính cộng đồng trong phát huy, trao truyền và thực hành các giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của dân tộc mình. Hỗ trợ xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái nhằm bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, hướng tới phát triển cộng đồng và phát triển du lịch xanh, thân thiện môi trường.
Thực tế hiện nay, du lịch của tỉnh Trà Vinh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lượng khách và doanh thu du lịch còn khiêm tốn so với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Các nguồn lực đầu tư vào hạ tầng du lịch và công tác bảo tồn vẫn còn những mặt hạn chế nhất định, đòi hỏi sự hỗ trợ và hợp tác từ các tổ chức trong và ngoài tỉnh.
Hợp tác để phát triển du lịch văn hóa đồng bào Khmer dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, lợi ích hài hòa, trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh đặc thù của từng địa phương và toàn vùng, đặt lợi ích địa phương trong lợi ích tổng thể của cả vùng, thực hiện nhất quán theo định hướng phát triển du lịch chung của vùng.
Du khách thưởng thức nhạc cổ truyền dân tộc khmer - Ảnh: TITC
Hiện nay Trà Vinh đã và đang đẩy mạnh công tác quảng bá di sản văn hóa và các điểm du lịch của tỉnh qua việc liên kết với các tỉnh lân cận tạo ra các tour, tuyến du lịch mới lạ, hấp dẫn dựa trên giá trị di sản văn hóa đặc thù của tỉnh. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương trong các hoạt động du lịch, từ đó tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống.
Việc duy trì và phát huy các giá trị di sản trong quá trình phát triển du lịch không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là của cả cộng đồng, góp phần tạo nên một Trà Vinh phát triển bền vững.
Trung tâm Thông tin du lịch