Chuyển đến nội dung
Thứ 7, ngày 10/05/2025
|
English
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • /
  • Tin tức, sự kiện
  • /
  • Triển vọng mô hình du lịch nông nghiệp ở Cần Thơ

Triển vọng mô hình du lịch nông nghiệp ở Cần Thơ

Cập nhật: 25/10/2023

Ðược tham quan vườn cây ăn trái, tự tay chế biến món bánh hỏi, thưởng thức đặc sản địa phương... là những trải nghiệm khiến du khách thú vị khi đến cơ sở làm bánh hỏi mặt võng Út Dzách của anh Trần Thiện Cảnh, ấp Nhơn Bình A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ. Hiện nay, không riêng anh Cảnh mà nhiều nông dân trên địa bàn thành phố đã nhạy bén chuyển đổi mô hình kinh tế bằng cách kết hợp nông nghiệp với dịch vụ du lịch, vươn lên làm ăn khấm khá.

Vợ chồng anh Trần Thiện Cảnh, chủ cơ sở làm bánh hỏi mặt võng Út Dzách chuẩn bị phục vụ khách tham quan.

Nhiều tiềm năng phát triển

Chúng tôi đến cơ sở làm bánh hỏi mặt võng Út Dzách đúng lúc vợ chồng anh Cảnh tất bật làm những mẻ bánh hỏi đẹp mắt. Ngoài vườn trái cây, từng nhóm du khách tham quan, hái và thưởng thức trái chín tại vườn. Nhớ lại thời điểm “bén duyên” với mô hình du lịch vào tháng 12/2014, anh Cảnh bộc bạch: “Tôi làm tới đâu, học nghề tới đó, chủ yếu sử dụng “cây nhà lá vườn” và nghề làm bánh hỏi mặt võng truyền thống của gia đình để quảng bá và thu hút du khách”. Mùa hè - cao điểm mùa du lịch, trung bình mỗi ngày, cơ sở của anh tiếp đón khoảng 20-30 lượt khách tham quan, trải nghiệm. Theo anh Cảnh, trước đây, khi làm vườn, trồng dâu Hạ Châu, bòn bon, măng cụt... anh thu về khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Nhưng từ khi làm du lịch, thu nhập gia đình được cải thiện rất nhiều. Khoản thu nhập từ việc đón khách đủ xoay xở chi phí sinh hoạt gia đình; phần huê lợi vườn tược trở thành số tiền tiết kiệm, đầu tư cho con cái học hành.

Vườn du lịch sinh thái Giáo Dương, ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Ðiền, thu hút khá đông du khách đến vui chơi, trải nghiệm. Cách đây 37 năm, vườn du lịch sinh thái Giáo Dương là điểm du lịch đầu tiên trên địa bàn huyện Phong Ðiền, do ông Nguyễn Thừa Dương (Giáo Dương) gây dựng. Tiếp nối mô hình của gia đình, anh Nguyễn Tấn Quang - con trai ông Giáo Dương, không ngừng phát triển, mở rộng mô hình; xây dựng các phòng lưu trú, tổ chức thêm các hoạt động trải nghiệm để du khách tham quan. Vào cao điểm mùa hè, mỗi ngày, vườn du lịch sinh thái Giáo Dương đón khoảng 300-400 lượt khách tham quan, mang về cho gia đình nguồn thu nhập ổn định trên 30 triệu đồng/tháng.

Nhiều năm nay, một số hộ dân trồng cây ăn trái ở huyện Phong Ðiền chuyển hẳn từ mục tiêu trồng cây hái trái bán cho thương lái sang phục vụ khách du lịch. Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 52 điểm du lịch sinh thái của các hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Ðiển hình như điểm nhà vườn làm du lịch của nông dân Võ Hoài Thanh ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Khánh, với diện tích 0,6ha vườn cam, bưởi; 3 phòng nghỉ homestay; 8 tum phục vụ ăn uống... tiếp đón bình quân 40-50 lượt khách mỗi ngày. Hay như hộ ông Lâm Thế Cương ngụ ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, với mô hình trồng, chế biến ca cao kết hợp với du lịch sinh thái có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm…

Hướng đến sự chuyên nghiệp

Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ cho biết, những năm qua, du lịch nông nghiệp ở Cần Thơ được khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều mô hình, sản phẩm, như du lịch cộng đồng, sản xuất nông hộ kết hợp du lịch, nông dân tham gia duy trì mua bán trên các chợ nổi truyền thống, trồng hoa kiểng kết hợp du lịch… mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách. Nhiều nông dân đã xây dựng thành công các điểm nhà vườn làm du lịch, mang thu nhập cao hơn sản xuất đơn thuần từ 30% trở lên. Nổi bật tại Cồn Sơn, quận Bình Thủy, tận dụng thế mạnh nông nghiệp vườn rau, ao cá sẵn có, nông dân miệt vườn đã phát triển thêm những ý tưởng, sản phẩm du lịch hay, như cá lóc bay, xiếc ếch, làm bánh dân gian... Ðiển hình là ông Lý Văn Bon với mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp du lịch. Ngoài phục vụ cho du khách tham quan, ông Bon còn mạnh dạn đầu tư nhà xưởng để chế biến các sản phẩm chả cá rút xương, cá thát lát muối sả... bán cho du khách. Nhờ kết hợp thành công mô hình du lịch nông nghiệp, mỗi năm, ông Bon có nguồn lợi nhuận ổn định khoảng 9-10 tỉ đồng, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động địa phương.

Theo bà Trần Thị Thiên Thư, nhìn tổng thể, thành phố có tiềm năng, lợi thế lớn nhưng thực trạng hoạt động của các mô hình du lịch nông nghiệp vẫn còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp... Các cấp Hội Nông dân thành phố đã và đang tăng cường tổ chức các khóa tập huấn giới thiệu đến các nông hộ những kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển mô hình, quản trị kinh doanh và liên kết phát triển; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội kết nối chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các hộ phát triển mô hình du lịch nông nghiệp. Qua đó, góp phần gia tăng lợi nhuận cho nông hộ, quảng bá các sản phẩm đặc trưng địa phương đến du khách thập phương.

Bài, ảnh: Kiến Quốc

Báo Cần Thơ – baocantho.com.vn – Đăng ngày 15/10/2023
Từ khóa: bánh hỏi mặt võng, du lịch nông nghiệp, Út Dzách

Tin liên quan

“Đánh thức” tiềm năng du lịch phố cổ Hà Nội

Không gian phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) không chỉ lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô mà còn chứa đựng những tiềm năng về du lịch. Làm sao để khai thác du lịch xứng tầm, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp

Hương ước của buôn du lịch cộng đồng Akŏ Dhông (Đắk Lắk)

Trong quá trình đô thị hóa, hương ước phát huy vai trò vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, vừa cân bằng nhịp sống của buôn du lịch cộng đồng Akŏ Dhông (phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Du lịch “về nguồn” qua di tích thời kháng chiến chống Pháp

Nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam từ dòng khách cao cấp

Bắc Kạn gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

Xem tiếp

Tin nổi bật

“Đánh thức” tiềm năng du lịch phố cổ Hà Nội

Du lịch “về nguồn” qua di tích thời kháng chiến chống Pháp

Bắc Kạn gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

Lộc An khởi điểm cho du lịch cộng đồng

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2025: Công nghệ xanh để đại dương bền vững

Xem nhiều nhất

Enchanting journey to Binh Chau Beach
Bình Định: Triển khai các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học
Kiên Giang: Bảo tồn động vật hoang dã ở Vườn quốc gia U Minh Thượng
Bình Định: Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam
No posts found

Cơ quan chủ quản: CỤC DU LỊCH QUỐC GIA VIỆT NAM

Đơn vị thực hiện: TRUNG TÂM THÔNG TIN DU LỊCH

Địa chỉ: Số 33, ngõ 294/2 đường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin du lịch

Giấy phép số: 78/GP-TTĐT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2020

Lượt truy cập:

79033339

DANH MỤC CHÍNH

  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
nentangso
ic-dulichvn-org
ic-vietnam-travel
ic-moitruogndulich-vn
© TITC