Giữa nhịp sống hối hả, nhóm "Thanh âm xanh" âm thầm thổi hồn vào nhạc cụ dân tộc. Bằng tiếng đàn, tiếng sáo, họ kể câu chuyện về cội nguồn, thiên nhiên và con người, tạo nên một bản giao hưởng độc đáo giữa nghệ thuật và đời sống.
Nhóm "Thanh âm xanh" gồm 8 nữ nghệ sĩ: Thanh Tâm, Diệu My, Quỳnh Ngọc, Tú Anh, Khánh Chung, Phan Thủy, Hồng Duyên, Ngọc Trần. Họ không chỉ mang đến những thanh âm trong trẻo mà còn lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường thông qua việc đồng hành với chiến dịch “Vì 1 triệu cây tre Việt” suốt 4 năm qua.

Chương trình "Thanh âm núi rừng" do nhóm "Thanh âm xanh" biểu diễn tại sân vận động Mù Cang Chải (Yên Bái).
Những ngày đầu năm 2025, "Thanh âm xanh" ra mắt MV “Mộng thượng ngàn” với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đàn bầu, đàn tranh, tỳ bà, sáo trúc, tam thập lục, trống dân tộc... Trước đó, nhóm "Thanh âm xanh" đã trình làng nhiều MV ấn tượng như: “Tiếng đàn ta lư”, “Liên khúc Hà Nội”, “Mưa rừng”... Nhóm cũng đã giành giải nhì trong Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023 với tác phẩm “Tổ khúc Tây Nguyên” và góp mặt trong nhiều chương trình nghệ thuật lớn, như: Liveshow “Chân trời rực rỡ” của ca sĩ Hà Anh Tuấn, "Show của Đen" đến từ rapper Đen Vâu, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, Ngày Việt Nam tại Brazil năm 2024, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội năm 2024...
Đặc biệt, năm 2021, nhóm "Thanh âm xanh" đã tham gia biểu diễn trong Chương trình “Thanh âm núi rừng” gây quỹ và kết quả đã có 10.000 cây tre Mạy Khao Lam được trồng trên diện tích 25ha tại hai bản Mý Háng Tủa Chử và Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Bên cạnh đó, nhóm cũng tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật kết nối thanh âm “Nghe trẻ-Nghe tre” và tổ chức lớp dạy cách chơi nhạc cụ làm bằng tre nứa cho 120 em học sinh người Mông thuộc hai điểm trường xã Dế Xu Phình và xã Púng Luông (huyện Mù Cang Chải).
Nghệ sĩ Phan Thủy, giảng viên Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trưởng nhóm "Thanh âm xanh" chia sẻ: "Thông điệp “xanh” trong tên nhóm bao hàm rất nhiều ý nghĩa như: Sự tươi mới trong âm nhạc, sự lành mạnh trong lối sống và hy vọng về tương lai của những thanh âm truyền thống, tương lai của môi trường xanh cho Việt Nam... Mỗi nghệ sĩ đều mang trong mình sứ mệnh âm nhạc để truyền tải thông điệp về môi trường, từ đó khơi gợi tình yêu với những gì mà tạo hóa ban tặng. Mỗi hoạt động của chúng tôi đều mong muốn giúp người dân đến gần hơn với tre từ âm nhạc nhằm mục tiêu: Âm nhạc dẫn lối rừng xanh”.
Là người đồng hành với nhóm "Thanh âm xanh", NSƯT đàn bầu Kim Anh, nguyên biên tập viên Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định: “Những sản phẩm âm nhạc của nhóm đã và đang có tác động tích cực đến đời sống xã hội, nhất là các bạn trẻ. Bằng chứng là các đêm nhạc đã có đông đảo người đến xem, gây quỹ ủng hộ chiến dịch “Vì 1 triệu cây tre Việt”; những tác phẩm phát trên kênh YouTube đã có lượng lớn khán giả chia sẻ, bình luận. Tám nghệ sĩ đều là những cô gái trẻ, tài năng, tâm huyết, trách nhiệm với âm nhạc dân tộc và cộng đồng”.
Còn NSƯT Hoàng Anh, Phó trưởng khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhận xét: “Với những hình ảnh và âm thanh ngập tràn về thế giới tự nhiên, các chương trình ca nhạc và MV của nhóm "Thanh âm xanh" đã đánh thức trong mỗi khán giả những xúc cảm trong lành về sự sống. Đây là hướng đi mới, đầy sáng tạo, thể hiện bản lĩnh, khát vọng của các nghệ sĩ trong việc hướng con người đến những giá trị nhân văn, cao đẹp”.
Bài và ảnh: Ngô Khiêm