(TITC) - Sơn Dương là huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang. Những năm qua, huyện luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của địa phương.
Du khách trải nghiệm bơi mảng, nghe hát then trên hồ Nà Nưa
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sơn Dương lần thứ XXI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, khai thác tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện. Do vậy, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa.
Sơn Dương có tài nguyên văn hóa đặc sắc và phong phú nhờ có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống như Kinh, Cao Lan, Tày, Dao, Sán Dìu, Mông… mỗi dân tộc là một sắc màu văn hóa riêng biệt, độc đáo.
Hiện nay, Tuyên Quang có 16 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó Sơn Dương đã sở hữu 5 di sản, gồm: hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu, hát Sình ca của người Cao Lan, nghệ thuật trang trí trang phục truyền thống của người Dao đỏ, Lễ hội Đình Thọ Vực xã Hồng Lạc và Lễ hội Đình Hồng Thái xã Tân Trào.
Với nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, lại được chính quyền các cấp rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các hoạt động văn nghệ quần chúng ở Sơn Dương phát triển mạnh mẽ, hình thành các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa ở khắp các xã.
Điển hình như xã Ninh Lai có 6 câu lạc bộ hát Soọng cô sinh hoạt đều đặn vào ngày 20 hằng tháng để luyện tập các bài hát Soọng cô, các điệu múa… Người đi trước chỉ dẫn cho người đi sau để có thể biểu diễn tại các buổi giao lưu văn hoá, văn nghệ, trong các hoạt động du lịch ở trong và ngoài huyện.
Huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang nghiên cứu, kiểm kê di sản văn hóa, tổ chức chương trình trình diễn trang phục dân tộc và thành lập được 32 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ cho các dân tộc thiểu số. Phong trào văn nghệ quần chúng ở Sơn Dương ngày càng phát triển đa dạng, phong phú mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh Sơn Dương đến với du khách gần xa.
Hơn hết, Sơn Dương có Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Di tích là môi trường lý tưởng giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Làng Văn hóa Du lịch Tân Lập nằm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào là nơi bảo tồn văn hóa dân tộc Tày và phát triển du lịch cộng đồng. Đến đây du khách được trải nghiệm nướng cơm lam, thưởng thức các món ăn truyền thống của bà con, giao lưu đốt lửa trại… nghe những làn điệu then, cọi mê đắm lòng người…
Được biết Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang đang khẩn trương phục dựng đám cưới truyền thống của đồng bào Tày nhằm tái hiện những nét đẹp về phong tục trong lễ rước dâu của đồng bào Tày với các điệu Quan làng mộc mạc nhưng mang tính giáo dục cao, chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc… Đây là điểm nhấn trong phát triển du lịch, nhằm bảo tồn sức sống, nét đẹp của văn hóa truyền thống trong nhịp sống đương đại.
Xem văn hoá là nguồn lực phát triển du lịch và nhờ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, lượng khách du lịch đến với Sơn Dương chiếm gần 50% tổng số khách du lịch của tỉnh Tuyên Quang. Bảo tồn văn hoá gắn với phát triển du lịch đang là hướng đi mới tại Sơn Dương, góp phần tạo sinh kế ổn định cho người dân, nhất là giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững.
Trung tâm Thông tin du lịch