Năm 2009, Bộ TN&MT phê duyệt chương trình Nhãn xanh Việt Nam nhằm tăng cường sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường thông qua khuyến khích các mẫu hình sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường được Nhà nước đánh giá, chứng nhận. Sau hơn 5 năm thực hiện, dù đã có kết quả bước đầu song thách thức không hề nhỏ.
Bà Nguyễn Thu Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế - Văn phòng nhãn xanh Việt Nam thuộc Tổng cục Môi trường cho biết:
- Qua thời gian triển khai, Chương trình Nhãn xanh Việt Nam đã ban hành với mục đích nhằm khuyến khích các sáng kiến về môi trường cũng như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề môi trường. Đây cũng là phương pháp giúp người tiêu dùng đưa ra các quyết định mua sắm từ đó so sánh lợi ích của sản phẩm được gắn nhãn sinh thái với sản phẩm cạnh tranh cùng loại góp phần không nhỏ cho việc tăng cường sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Với những mục tiêu đó thì từ khi triển khai đến nay chương trình đã xây dựng được 14 tiêu chí cho 14 nhóm sản phẩm và đã đánh giá được chứng nhận cho hơn 50 sản phẩm của 4 công ty.
* Sau hơn 5 năm triển khai, hiện Chương trình còn đang gặp những khó khăn, thách thức nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thu Hà: - Thách thức đầu tiên là bộ phận thực hiện chương trình chưa có một nguồn kinh phí ổn định để duy trì, phát triển. Hiện doanh nghiệp chưa phải nộp loại phí nào để đăng ký dán nhãn xanh. Ở các nước, doanh nghiệp phải nộp phí hồ sơ, phí sử dụng nhãn. Khó khăn lớn nhất là nhận thức và sự quan tâm của người tiêu dùng chưa cao vào sản phẩm có chứng nhận thân thiện với môi trường nên số doanh nghiệp tham gia chương trình còn ít. Ngoài ra, trình độ kỹ thuật, nhân lực của doanh nghiệp chưa cao khiến cho nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được các tiêu chí khi xét duyệt.
* Đó là vấn đề của doanh nghiệp, còn đối với người tiêu dùng, theo bà vì sao họ lại chưa thực sự quan tâm đến những mặt hàng có dán nhãn sinh thái cho dù ai cũng có ý tưởng mong muốn môi trường tốt đẹp hơn?
Bà Nguyễn Thu Hà: Theo tôi, nguyên nhân chính là người dân chưa có thông tin đầy đủ. Người dân cần được tuyên truyền những lợi ích khi mua hàng hóa được dán nhãn xanh. Đó là một chứng nhận về chất lượng của sản phẩm, đồng thời người tiêu dùng đã tự mình tham gia vào việc bảo vệ môi trường. Khi xem xét cấp nhãn sinh thái cho một sản phẩm, chúng tôi quan tâm đến chất lượng cũng như độ bền của sản phẩm. Bởi độ bền của sản phẩm sẽ tiết kiệm hơn cho người tiêu dùng đồng thời giảm thiểu việc thải bỏ ra ngoài môi trường.
* Để sản phẩm dán nhãn xanh sinh thái thực sự có chỗ đứng trên thị trường, xin bà cho biết thời gian tới, chúng ta cần phải làm gì để thúc đẩy việc phát triển chương trình Nhãn xanh Việt Nam?
Bà Nguyễn Thu Hà: Để chương trình Nhãn xanh Việt Nam phát triển trong thời gian tới trước hết theo tôi cần xây dựng tiêu chí cho các sản phẩm ưu tiên trên thị trường cũng như nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời thúc đẩy việc gia nhập Hệ thống hợp tác quốc tế về nhãn sinh thái GENICES của Mạng lưới Nhãn sinh thái toàn cầu. Thúc đẩy việc công nhận lẫn nhau giữa Nhãn xanh Việt Nam và chương trình nhãn sinh thái của các nước khác. Ngoài ra cũng cần phải phát triển chính sách về mua sắm công xanh cũng như lồng ghép quy định về nhãn sinh thái trong mua sắm công.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Nguyễn Cường (thực hiện)