Dự báo đầu tư vào bất động sản du lịch hiện định hình và sẽ nở rộ tại Việt Nam trong thời gian tới. Đây là những thông tin đáng mừng, song quá trình khai thác du lịch biển thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến biển Việt Nam, khiến biển đang bị đục hóa.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên TP.Hồ Chí Minh, vùng biển phía Bắc (từ Cửa Lục đến Cửa Lò), hàm lượng bùn đã vượt quá giới hạn cho phép đối với nước biển ven bờ; bãi tắm Đồ Sơn, Cát Bà, hàm lượng bùn từ 20g/m3 lên 340g/m3 làm cho nước đục và ô nhiễm gây chết các rạn san hô. Ở Cà Mau, hàm lượng bùn cũng vượt quá giới hạn.
Được công nhận đẹp nhất thế giới, với diện tích hơn 500km2, vịnh Nha Trang có 19 hòn đảo tạo ra những "lá chắn" sóng gió để vùng vịnh bốn mùa êm ả, trong đó lớn nhất là đảo Hòn Tre gồm 3.250ha, nhỏ nhất là Hòn Nọc ước chừng 4ha. Ngoài ra nơi đây còn có tiềm năng du lịch sinh thái biển tuyệt vời.
Song Vịnh biển Nha Trang đang phải gánh chịu không ít tác động xấu về môi trường và hiện trạng khai thác tiềm năng dẫn đến mất cân bằng sinh thái trong vùng nước. Theo ông Trương Kỉnh, Giám đốc Ban quản lý khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang, nguy cơ ô nhiễm môi trường vùng vịnh phát sinh từ nhiều nguồn. Chất thải từ các ruộng đồng, khu dân cư và các cơ sở công nghiệp, chế biến thủy sản và chất thải sinh hoạt ở các khu dân cư theo nguồn nước đổ vào vịnh biển từ cửa sông Cái ở phường Xương Huân, sông Tắc ở phường Vĩnh Trường và 5 cống thoát nước thải...
Đặc biệt, thống kê của Ban quản lý vịnh Nha Trang, mỗi ngày có khoảng 10 tấn rác thải du lịch, cộng với rác thải sinh hoạt của dân cư trên 6 khóm đảo đổ xuống biển; nhà vệ sinh trên các tàu du lịch được thải thẳng xuống biển; tàu thuyền du lịch, phương tiện vui chơi giải trí tấp nập khiến nước biển ven bờ bị ô nhiễm dầu. Tình trạng này cũng xảy ra ở một số vùng biển Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu. Giám sát môi trường gần đây ở Long Hải, Hồ Cốc, Bãi Sau, Bãi Trước, Bãi Dâu của Viện Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho thấy, chất lượng nước biển ở các bãi biển này đều có dấu hiệu ô nhiễm. Đặc biệt là ô nhiễm từ việc du khách và người dân buôn bán xả rác bừa bãi.
Nghịch lý xảy ra ở chỗ đầu tư bất động sản khu du lịch cao cấp dễ sinh lời, nhưng cũng dễ làm tăng ô nhiễm biển. Các chuyên gia địa ốc cho rằng điểm lợi của các nhà đầu tư vào bất động sản du lịch là nếu khu nghỉ dưỡng kinh doanh tốt, thu hút được nhiều khách du lịch lưu lại thì lợi nhuận và giá trị của căn hộ, biệt thự sẽ ngày càng tăng lên. Không những thế, nhà đầu tư dễ dàng bán lại căn hộ, biệt thự cho những người giàu có và thích đi du lịch khác.
Còn các chuyên gia môi trường không ngừng cảnh báo ở các vùng biển Bình Định, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, ở nhiều khu vực, nước thải của các khu dân cư, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch thường không qua xử lý, thải trực tiếp xuống biển, gây ô nhiễm hữu cơ nước biển ven bờ. Nước thải, bùn, chất rắn xả thẳng xuống biển sẽ giết chết hệ san hô, giết chết động thực vật biển, rừng ngập mặn, gây bệnh cho người, ảnh hưởng đến kinh doanh du lịch… Đó là những mất mát không thể tính toán hết.
Bởi vậy, các nhà đầu tư bất động sản du lịch ven biển để nghỉ dưỡng và cho thuê hãy tuân thủ khẩu hiệu “Nói không với ô nhiễm biển”... Có làm được như thế mới có thể duy trì cảnh quan và nét đẹp hoang sơ vốn có từ ngàn đời của các bãi biển Việt Nam, lợi nhuận thu được từ các khu du lịch biển mới có tính bền vững.