"Du lịch đang làm hại môi trường" là nhận định của một chuyên gia nhân sự kiện Tổng cục du lịch tổ chức tập huấn cho các cán bộ quản lý du lịch của trung ương và các địa về công tác bảo vệ môi trường vừa diễn ra tại TPHCM.
Du lịch hủy hoại môi trường
Theo thạc sỹ Nguyễn Văn Thanh, Trưởng bộ môn Địa lý - Du lịch, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, làn sóng xây dựng sân gôn, khu nghỉ dưỡng và khu du lịch sinh thái đang góp phần tàn phá rừng, tài nguyên.
Ông Thanh cho rằng nhiều thảm thực vật, động vật bị bê tông hóa đã làm biến dạng hệ sinh thái, hệ thống nước ngầm bị thiếu hụt, đất đai cằn cỗi. Bên cạnh đó, các cơ sở du lịch sử dụng nhiều loại hóa chất tẩy rửa, cùng các loại rác thực phẩm được thải ra môi trường không qua xử lý khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm, cùng với ô nhiễm không khí, tiếng ồn và bụi bặm.
Việt Nam có bờ biển dài cùng một hệ thống vịnh, đảo, san hô và rừng ngập mặn phong phú, nhưng theo đánh giá của phó giáo sư Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện môi trường và tài nguyên, Đại học quốc gia TPHCM, thì hệ sinh thái biển đảo của Việt Nam đang dần bị suy thoái vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phát triển không theo quy hoạch và xả nước thải trực tiếp ra môi trường, không qua xử lý.
Theo ông Phước, mỗi ngày có khoảng 10 tấn rác thải du lịch, cộng với rác thải sinh hoạt của cư dân đổ xuống biển Nha Trang; còn nước biển các bãi tắm ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã có dấu hiệu ô nhiễm.
Môi trường làm giảm sức cạnh tranh của du lịch
Ông Nguyễn Văn Thanh nói rằng môi trường và du lịch có tác động qua lại lẫn nhau, và môi trường ô nhiễm đang làm giảm đi sức cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam, vì khách du lịch quốc tế rất quan tâm đến vấn đề môi trường.
Ông dẫn chứng khí hậu Đà Lạt đã thay đổi nhiều so với trước đây một phần cũng do nạn tàn phá môi trường, một phần là do việc xây dựng các cơ sở du lịch. Du lịch ở TPHCM cũng chịu các tác động xấu từ môi trường, với mức ô nhiễm về nguồn nước, không khí, khói bụi và tiếng ồn vượt mức cho phép.
Sống tại TPHCM đã 7 năm, Camilla Parker, 35 tuổi, người Anh, cho biết cô đang dự định thành lập một văn phòng nghiên cứu du lịch để tìm hiểu nguyên nhân vì sao đa số khách du lịch quốc tế "một đi không trở lại" Việt Nam. Theo cô, bên cạnh sự yếu kém về dịch vụ, ô nhiễm môi trường là một trong những lý do khiến du khách nản lòng. “Rác thải, khói bụi là những thứ người phương Tây rất sợ, nhưng có đầy ở TPHCM”, Camilla nói.