Với tầm nhìn dài hạn, chiến lược, thành phố Hải Phòng đang nổi lên là một trong những địa phương tiên phong trong chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Chuyển đổi xanh đang được thành phố hiện thực hóa qua hàng loạt chương trình với hành động cụ thể, quyết liệt.

Di chuyển bằng cáp treo ra đảo Cát Bà giúp hạn chế khí thải carbon.
Năm 2021, thành phố Hải Phòng đã ban hành “Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050”, thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và phát triển các ngành kinh tế xanh.
Thành phố Hải Phòng định hướng phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững và thông minh; kiên quyết không tiếp nhận các dự án gây ô nhiễm, lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên; ưu tiên các ngành công nghệ cao, năng lượng tái tạo, logistics và cảng xanh.
Thành phố đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu kinh tế số chiếm 40% GRDP và giảm ít nhất 43,5% lượng phát thải vào năm 2030.
Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh: “Muốn chuyển đổi xanh hiệu quả, phải xác định rõ lĩnh vực cần ưu tiên, cách làm cụ thể, đơn vị chịu trách nhiệm và chế tài xử lý rõ ràng với các hành vi gây cản trở. Giao thông, xây dựng, công nghiệp, logistics, và du lịch được Hải Phòng xác định là những ngành trọng điểm, cần chuyển đổi sớm, mạnh mẽ”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết: Thời gian qua, Hải Phòng đã sớm chuyển đổi xanh, tập trung ở các lĩnh vực công nghiệp, giao thông… Nhà máy Vinfast đã chuyển từ sản xuất xe xăng sang xe điện, Tập đoàn Sun Group đầu tư cáp treo ra Cát Bà; các khu công nghiệp đã đầu tư hệ thống điện mặt trời và triển khai hệ thống xe buýt đưa đón công nhân; xây dựng điện gió ở huyện đảo Bạch Long Vĩ…
Thành phố Hải Phòng chủ trương xây dựng Cát Bà thành đảo xanh, nơi phát triển du lịch sinh thái gắn liền với bảo vệ môi trường. Đây là nhiệm vụ cấp thiết, cần sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người dân và du khách.
Các vấn đề như giao thông xanh, thu gom rác thải, xử lý nước thải, bảo vệ hệ sinh thái biển… đang được nghiên cứu để có giải pháp hiệu quả. Thành phố đã chỉ đạo huyện Cát Hải phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng Nghị quyết mới về chuyển đổi xanh, phát triển du lịch xanh trên đảo Cát Bà, trình các cấp có thẩm quyền trong quý III/2025. Điều này cho thấy quyết tâm cụ thể hóa các định hướng chiến lược thành hành động thiết thực.
Nam Cầu Kiền là khu công nghiệp sinh thái do người Việt Nam làm chủ đầu tư. Khu công nghiệp này đã tiên phong trong việc định hướng phát triển theo hướng tạo lập mối quan hệ cộng sinh, để thu hút các dự án không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với tiêu chí là khu công nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn.
Hiện nay, diện tích đất công nghiệp trong Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cơ bản được lấp đầy với khoảng 94 doanh nghiệp. Trong đó, khoảng 50% là doanh nghiệp FDI đến từ các quốc gia như: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia, Hà Lan… với các dự án sản xuất linh kiện điện điện tử, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sạch…
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Shinec cho biết: “Shinec đang thực hiện xây dựng khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là khu công nghiệp ứng dụng quản trị số, xanh và có các chuỗi cộng sinh công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Công ty đề nghị thành phố Hải Phòng hỗ trợ, ủng hộ để tiếp tục mở rộng khu công nghiệp và các chủ trương phát triển xanh”. Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, định hướng chuyển đổi xanh sẽ được lồng ghép ngay từ khâu quy hoạch các khu công nghiệp, khu kinh tế, từ bố trí không gian xanh đến lựa chọn ngành nghề ưu tiên như sản xuất chất bán dẫn, cơ khí chính xác, năng lượng tái tạo, cảng biển xanh…
Dù có nhiều nỗ lực và thành quả bước đầu, tuy nhiên quá trình chuyển đổi xanh của Hải Phòng vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chia sẻ: “Quá trình chuyển đổi xanh tại thành phố chưa thật sự đồng bộ và chưa lan tỏa rộng khắp. Một số nhiệm vụ như thay thế xe xăng bằng xe điện tại Cát Bà, xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện, chuyển đổi vật liệu xây dựng truyền thống… chưa đạt tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, việc thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích chưa đồng bộ cũng là rào cản lớn trong việc thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia vào tiến trình này”.
Chính vì vậy, thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương hoàn thiện Đề án chuyển đổi xanh giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2050, để trình Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng. Cùng với đó, các sở, ngành liên quan sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng lĩnh vực như năng lượng, sản xuất, logistics, du lịch…
Việc thu hút các tập đoàn công nghệ cao, đa quốc gia cũng đang được thành phố Hải Phòng đẩy mạnh, nhằm tạo sức lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế địa phương. Không chỉ là một chiến lược phát triển, chuyển đổi xanh tại Hải Phòng còn là minh chứng rõ nét cho tinh thần tiên phong, sáng tạo và trách nhiệm của một đô thị cảng hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Với những gì đã làm được và đang tiếp tục triển khai, Hải Phòng đang vững bước trên con đường “xanh hóa” toàn diện để bảo đảm sự phát triển thịnh vượng, hài hòa giữa kinh tế, môi trường và con người. “Thành phố Hải Phòng không chỉ phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế mạnh mà còn phải là nơi có môi trường sống xanh, sạch, đẹp, bảo đảm các tiêu chuẩn xanh quốc tế để thu hút đầu tư và đưa hàng hóa địa phương vươn ra toàn cầu”, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chỉ đạo.
Vũ Phạm Quân