Bản Khả thuộc xã Quý Hoà, huyện Lạc Sơn, Hoà Bình là bản có số người dân tộc mường khá đông.Thực tế, đời sống kinh tế cũng như nhận thức về bảo vệ môi trường xung quanh cũng thấp. Cả bản chưa có hộ dân nào có nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn, vẫn duy trì thói quen chăn nuôi gia súc dưới sàn nhà.
Để góp phần cải thiện môi trường sống cho cộng đồng và nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về vấn đề bảo vệ môi trường, Uỷ ban Dân tộc đã chọn bản Khả để thực hiện đề án “Thí điểm về bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng thôn bản, vùng dân tốc thiểu số”.
Mục đích của dự án này là giúp đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cao nói chung và bản Khả nói riêng thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, lối sống lạc hậu để chung tay bảo vệ môi trường sống.
Dự án được triển khai, cán bộ thực hiện dự án vào cuộc. Công việc ban đầu là mở lớp tập huấn thường xuyên, cấp phát tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn dân bản đọc để tiếp cận với những thông tin cần nắm bắt về ăn ở hợp vệ sinh và biết cách bảo vệ môi trường sống, chăn nuôi, trồng trọt. Tổ chức thảo luận nhóm, tổng hợp những đề xuất của người dân và giải pháp được diễn ra.
Sau một thời gian ngắn, dự án đã có kết quả đáng khích lệ, nhận thức của người bản Khả đã thay đổi, họ đã nhận ra ăn ở không vệ sinh sẽ làm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường sẽ dẫn đến ốm đau bệnh tật... và hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến việc này là do chuồng trại trâu bò nhốt, thả dưới gầm nhà, nguồn nước sinh hoạt chưa sạch, chưa có hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh không đảm bảo, chưa biết kỹ thuật ủ phân dùng để bón ruộng...
Chỉ sau gần một năm, người bản Khả đã thay đổi, cải thiện chuồng trại chăn nuôi, di dời ra khỏi khu vực gia đình sinh sống, xây dựng nhà tắm, vệ sinh hợp lý...
Vấn đề quan trọng hơn cả là họ đã tự xây dựng dự toán chi phí cho các công trình vệ sinh hộ gia đình, xác định khả năng tham gia đóng góp của gia đình mình về tiền, nhân công, vật liệu tận dụng trước khi đăng ký tham gia dự án.
Kết quả, dự án đã hỗ trợ xây dựng được 58 bể nước, 29 nhà tắm, 38 nhà vệ sinh hộ gia đình; 44 hố ủ phân, sáu hầm biogas, 51 chuồng trại, hai giếng nước và 1 nhà tắm công cộng. Bây giờ người dân bản Khả đã thực sự biết quan tâm đến vấn đề “ăn chín, uống sôi”, vệ sinh nhà cửa, làng bản, tạo ra nếp sống văn minh cho cả bản.
Những gì mà người dân bản Khả làm được cũng đủ nhận thấy rằng việc dựa vào cộng đồng để bảo vệ môi trường là hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có hướng đi và cách làm phù hợp.
Mô hình bảo vệ môi trường của người mường này cũng là cơ sở thông tin, kinh nghiệm để đề xuất chính sách phát triển, bảo vệ môi trường cho người dân tộc thiểu số ở nước ta.