Với hơn 1300 làng nghề ở Hà Nội, tiềm năng hấp dẫn du khách với sản phẩm du lịch làng nghề là rất lớn. Từ tháng 5/2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã có kế hoạch xây dựng sản phẩm tour du lịch làng nghề: Gốm sứ Bát Tràng – lụa Vạn Phúc – mây tre đan Phú Vinh – thêu Quất Động – khảm trai Chuyên Mỹ.
Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và lịch Hà Nội đã tổ chức khảo sát tại hai làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc.
Theo ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội: “Mục đích của đợt khảo sát nhằm xây dựng một số tuyến, điểm tham quan và bài thuyết minh chuẩn tại các làng nghề, từ đó phổ biến đến doanh nghiệp lữ hành và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng mô hình sản xuất gắn với du lịch. Tổ chức sản xuất như một điểm tham quan phục vụ khách du lịch. Du khách vừa tìm hiểu, tham gia quá trình sản xuất ra sản phẩm, vừa trực tiếp mua hàng hoặc đặt hàng theo yêu cầu. Sở sẽ lựa chọn một số cơ sở mua sắm để xếp hạng “Dịch vụ mua sắm đạt chuẩn” phục vụ khách du lịch”.
Còn ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho biết: “Lần khảo sát du lịch làng nghề Bát Tràng, Vạn Phúc lần này khác với những lần trước chủ yếu là khảo sát du lịch làng nghề nói chung. Lần này là khảo sát cụ thể 2 làng này để có đề án cụ thể kết hợp giữa Sở với chính quyền và cộng đồng địa phương để có đề án, giải pháp cụ thể phát triển du lịch làng nghề”.
Hà Nội hiện có 1.300 làng có nghề truyền thống, trong đó có trên 270 làng nghề truyền thống đã được công nhận, đây là điều kiện để phát triển du lịch làng nghề. Nhưng để khai thác di sản văn hóa làng nghề là điều không hề dễ, trước mắt Sở xác định xây dựng 2 làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc là 2 làng đã có thương hiệu, có sản phẩm được du khách trong nước và quốc tế biết đến và được ghi trong sách hướng dẫn du lịch quốc tế; đây cũng là 2 làng nghề đón được số lượng khách du lịch quốc tế đông nhất cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết thêm, ngay cả 2 làng nghề này cũng còn nhiều việc phải làm về sản xuất, quản lý, môi trường, sản phẩm du lịch sao cho phong phú, phù hợp thị hiếu khách du lịch, phương pháp kết hợp với công ty du lịch để thu hút khách không chỉ tăng về số lượng mà phải nâng cao cả về chất lượng, để khách du lịch còn quay trở lại.
Hơn mười năm qua, kể từ khi thành phố có chủ trương đưa làng nghề vào khai thác du lịch, mảnh đất màu mỡ này phần lớn vẫn còn rất hoang hóa... Nhìn vào lịch trình tour tham quan Hà Nội của các Doanh nghiệp lữ hành, hầu như tour nào cũng chỉ có hai điểm đến gần như cố hữu là gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc. Các điểm làng nghề khác, dù đã được Nhà nước và chính quyền thành phố cũng như Tổng cục Du lịch định hướng, kêu gọi phát triển làng nghề gắn với du lịch nhưng kết quả vẫn trong tình trạng “ngái ngủ”.
Lý giải cho tình trạng này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng, Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho rằng: Làng nghề truyền thống được xem như một dạng tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi các sản phẩm của nó luôn bao hàm cả giá trị vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, do thừa tiềm năng nhưng thiếu định hướng phát triển một cách qui hoạch bài bản nên các làng nghề vẫn chưa phát huy hết thế mạnh của mình. Trong khi du lịch làng nghề những năm gần đây đang được xem là một loại hình du lịch “homestay” được nhiều nước trên thế giới và một số điểm trong nước áp dụng rất hiệu quả. Ở đó, du khách không chỉ đến xem, tham quan, mua sắm…, điều mà du khách thực sự thích thú là được trực tiếp tham gia các công đoạn sản xuất thủ công và tự trải nghiệm, khám phá. Đây chính là một trong những thành công mà làng gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc đã thực hiện được.
Thế nhưng, ngay cả ở hai làng nghề này vẫn còn rất nhiều trăn trở. Tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng, ông Lê Xuân Phổ, Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng cho hay, Bát Tràng là một trong ít làng nghề được thành phố quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tương đối đồng bộ: có xe buýt từ Hà Nội chạy tới tận xã, có cảng đường sông thuận lợi cho du khách đi bằng đường thủy. Hàng năm, Bát Tràng đón một lượng lớn khách đến tham quan mua sắm, có lúc, xã phải tiếp đón 2-3 nghìn du khách đến theo các tour. Đối với khách du lịch nước ngoài, họ rất muốn ở lại Bát Tràng qua đêm để được xem thực tế cảnh đốt lò nung gốm, nhưng cũng đành chịu vì địa phương không bố trí được chỗ ăn nghỉ.
Tương tự như ở Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc vốn là làng cổ, đường sá chật hẹp, khi đông khách, ô tô đỗ dọc đường làng kín cả lối đi. Các công trình phụ cận hỗ trợ việc đón tiếp du khách còn rất thiếu, ảnh hưởng không nhỏ đến khai thác tiềm năng du lịch. Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc cho biết: “Thời gian tới, theo định hướng của TP. Hà Nội cũng như quận Hà Đông chỉ đạo các làng nghề sẽ phát triển làng nghề theo hướng phát triển gắn du lịch. Vạn Phúc đã phát triển theo hướng đó, hiện xã cho khôi phục lại các khu di tích như: Miếu Vạn Phúc, miếu thờ thành Hoàng làng nơi bà tổ nghề đã truyền nghề dệt cho dân làng Vạn Phúc, khôi phục lại khuôn viên du lịch cảnh quan ở đầu làng Vạn Phúc. Trong tương lai sẽ có Bảo tàng truyền thống làng nghề tạo thành một nơi để đón khách du lịch. Nơi đây sẽ trưng bày các công đoạn của nghề dệt và trình diễn thời trang lụa tại đây”.
Hy vọng với những nỗ lực của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, của chính quyền và người dân các làng nghề, rồi đây thương hiệu du lịch làng nghề Hà Nội sẽ được du khách trong nước và quốc tế mến mộ.
langvietonline.vn