Hành trình Net Zero tour Bến Tre nhằm hướng du khách sử dụng các sản phẩm giảm thiểu thấp nhất việc phát thải các-bon, có trách nhiệm bảo vệ môi trường và cộng đồng, góp phần cho mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. Từ nghiên cứu ban đầu khá bất ngờ của Trường Đại học Cần Thơ về khả năng hấp thu khí các-bon rất cao của cây dừa tại huyện Giồng Trôm, Viện 3AI và doanh nghiệp (DN) du lịch đã ứng dụng và chuyển tải thông điệp mới mẻ này đến người trồng dừa và du khách.
“Tôi là dừa xiêm…”
“I am Dua xiem… - Tôi là dừa xiêm. Tôi 30 năm tuổi. Tôi đang hấp thụ 250,8kg CO2 mỗi năm”. Thông điệp này đã được thể hiện trực quan sinh động trên khá nhiều cây dừa xiêm có từ 30 năm tuổi trong vườn dừa canh tác theo phương pháp hữu cơ của cô chú Sáu Điệp, xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre.
Vườn dừa với tổng diện tích hơn 2ha đang có hơn 600 cây dừa xiêm và dừa dứa được trồng đã hơn 30 năm của cô chú Sáu Điệp là một điểm dừng chân lý tưởng và không thể thiếu trong chuỗi hoạt động trải nghiệm của các tour du lịch dưới tán dừa giữa lòng TP. Bến Tre từ nhiều năm nay. Đây là lần thứ hai tôi đến đây theo chân đoàn du dịch nhưng vẫn dạt dào cảm xúc như đang trở về đất nhà, với gia đình, người thân. Trước sự thiếu nước giữa mùa hạn mặn và cái nắng gay gắt của Tháng Ba, tôi và du khách được hớp ngụm nước dừa dứa thơm phức, vừa ngọt đến thanh tao, vừa trong veo thuần khiết từ thiên nhiên thì thật sự đủ làm sự chai sạn, khô cứng đời thường trong tâm hồn mỗi người giãn mềm ra, tan biến để thay thế bằng sự hạnh phúc, an bình lan tỏa. Những lúc này càng thúc giục chúng ta phải thêm yêu, trân trọng thiên nhiên, sự sống xung quanh. Và hơn thế là phải hành động ngay từ những việc làm cụ thể nhất, nhỏ nhất để góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ con người trước sự đe dọa, tác động cực đoan của biến đổi khí hậu.
Cô Sáu Điệp (hơn 60 tuổi), người dành cả nửa đời người để cùng chồng cần mẫn chăm sóc vườn dừa này. Cô Sáu Điệp tâm sự: “Nhớ hồi năm mới trồng những cây dừa đầu tiên cũng là năm tôi sinh đứa con đầu lòng. Đến nay, con tôi đã 34 tuổi và thành đạt. Cây dừa lớn lên song hành, vượt qua những năm tháng còn trong cảnh nghèo khó và cả thiên tai khắc nghiệt nhất, để vững chãi che chở, ôm ấp một mái ấm dưới chân. Cũng chính những cây dừa này đảm đương câu chuyện tiền nong nuôi sống gia đình và cả việc học hành của con tôi...”.
Chẳng trách vì thế mà cô Sáu Điệp xem tất cả những cây dừa này như mỗi đứa con của mình. Ngày nay, cô dành phần đời còn lại của đời người để kể về những “đứa con” của mình đến du khách trong nước và quốc tế bằng tất cả lòng tự hào, biết ơn. Còn đối với chúng tôi - mỗi du khách, cây dừa còn là một thực thể có sự sống và xưng “tôi”, thì đấy là những người bạn, người thân. Hơn thế, dừa còn là ân nhân vì có khả năng hấp thu tốt các-bon trong môi trường, giúp con người bù đắp, cân bằng lượng phát thải các-bon trong sinh hoạt hàng ngày.
Điều đặc biệt cô Sáu Điệp lần đầu tiên mạnh dạn trao sở hữu một số “đứa con” cho du khách với ý nghĩa chia sẻ, trao cho sự sống đến mỗi người. Mỗi du khách có nhu cầu giảm phát thải các-bon ra môi trường, cân bằng lượng phát thải tiến về con số gần bằng “0” thì việc mua, sở hữu cây dừa (thời hạn sở hữu theo nhu cầu) được xem là giải pháp tạm thời hiệu quả. Thông tin về từng cây dừa cũng được DN làm du lịch số hóa để du khách dễ dàng tra cứu bằng điện thoại và tìm thấy chủ sở hữu.
Hấp thụ các-bon, ứng phó với thiên tai
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười (thứ 6, trái sang) cùng đoàn khách vào tham quan vườn dừa hữu cơ của cô Sáu Điệp, xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre.
Dừa là loại cây trồng lâu năm chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu sử dụng đất và phân bố cây trồng của tỉnh. Kết quả qua nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Cần Thơ cho thấy, cây dừa ở Bến Tre có khả năng hấp thụ một lượng CO2 đáng kể. Khả năng hấp thụ CO2 của cây dừa gắn liền với sự tăng trưởng về sinh khối của cây. Ở mỗi cấp tuổi và điều kiện sinh trưởng khác nhau thì sinh khối cũng như lượng CO2 cây hấp thụ sẽ khác nhau.
“Cây dừa ở cấp tuổi 4 sẽ có khả năng hấp thụ được khoảng 24,518 tấn CO2/ha và 20,4583 tấn CO2/ha tương ứng đối với 2 nhóm giống dừa cao và thấp. Lượng CO2 cây dừa hấp thụ tăng cao khi cây được 10 năm tuổi. Cụ thể, ở nhóm giống dừa cao sẽ hấp thụ được 75,2436 tấn CO2/ha và ở nhóm giống dừa thấp là 69,9189 tấn CO2/ha. Như vậy, vườn dừa càng lớn tuổi thì khả năng hấp thụ các-bon càng lớn. Nghiên cứu này có thể khẳng định cây dừa ở Bến Tre nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, là một trong những loại cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai bất thường...”, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ vừa cung cấp thông tin rất có giá trị cho Bến Tre hồi đầu năm nay.
Theo Tiến sĩ Võ Trung Âu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo DN (3AI), đây là mô hình đổi mới sáng tạo đang khuyến khích trong DN theo xu thế tất yếu của thế giới là hướng đến giảm phát thải, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Trong khi DN các nơi còn đang loay hoay tìm giải pháp và hướng đi cụ thể thì nghiên cứu khoa học mới về cây dừa hấp thu CO2 qua sinh khối tại huyện Giồng Trôm được xem là một cơ hội tuyệt vời mở ra con đường sớm tiến đến mục tiêu Net Zero cho DN du lịch nói riêng và cho Bến Tre nói chung. Mô hình sở hữu dừa được cho là giải pháp hiệu quả tạm thời. Về lâu dài, mỗi khách du lịch sẽ tham gia trồng dừa, cây rừng hoặc cây xanh khác ngay trong chuyến đi tour hoặc sẽ nâng cao ý thức trồng cây sau đó. Để làm được việc này, DN du lịch có sự gắn kết, phối hợp với chính quyền địa phương trong quy hoạch vị trí, diện tích, số lượng trồng cây để phát triển diện tích cây xanh trong tương lai.
Bến Tre với đặc trưng là miền quê bình yên rợp bóng dừa xanh, đang phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu gây ra như nước biển dâng, xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và hoạt động kinh doanh du lịch. Ví dụ, xâm nhập mặn làm giảm sản lượng trái cây - một trong những điểm thu hút của du lịch Bến Tre, gây ảnh hưởng đến các tour vườn trái cây. Hoạt động kinh doanh và sản phẩm Net Zero tour của Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T có thể là giải pháp hiệu quả để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
“Tour du lịch không chỉ là hành động hướng tới giảm thiểu dấu chân các-bon mà còn là minh chứng cho việc kết hợp hài hòa giữa bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Bên cạnh việc giảm thiểu tác động đến môi trường, những hoạt động tạo ra lợi ích kinh tế - xã hội cho người dân địa phương cũng được Net Zero tour đặc biệt chú trọng. Có nhà dùng vườn dừa để làm du lịch, có nhà làm bánh, kẹo dừa để làm điểm đến, có nhà dùng các loại trái cây vườn nhà để bán cho du khách… Ở đây, cộng đồng địa phương sẽ cùng tham gia làm du lịch. Du khách đi du lịch một phần để trải nghiệm, hưởng thụ và ý nghĩa hơn thế là sự quan tâm, chia sẻ với địa phương nơi họ đến”. (Giám đốc Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T Võ Văn Phong) |
Bài, ảnh: Cẩm Trúc