Xây dựng sản phẩm du lịch biển đảo Lý Sơn

Cập nhật: 14/02/2017
Lý Sơn đang trở thành địa chỉ du lịch thu hút nhiều khách du lịch. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt nhu cầu du khách, Quảng Ngãi cần đầu tư nhiều hơn cho huyện đảo tiền tiêu này, đặc biệt nên chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch biển đảo phù hợp và hấp dẫn.
Du lịch gắn với địa lý biển Việt NamBàn về thị trường du lịch biển, đảo Nghệ AnBàn về giá thành và giá bán sản phẩm
 
Tài nguyên du lịch chưa được khai thác hiệu quả
 
Cho đến nay, các giá trị ẩn chứa bên trong cảnh quan gắn liền với lịch sử - văn hóa, huyền thoại - truyền thuyết của Lý Sơn vẫn chờ đợi sự tiếp tục khám phá của du khách. Sản phẩm du lịch của Lý Sơn nhìn chung chưa đa dạng và hấp dẫn, các tuyến tham quan chủ yếu vẫn ở trên bờ biển. Chất lượng dịch vụ chưa tốt, công tác thu gom và xử lý chất thải trên đảo chưa được quan tâm đúng mức. Các loại hình lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, homestay) phát triển tự phát.
 
Đến Lý Sơn ngày nay, du khách sẽ nhận thấy dịch vụ ăn uống đã tương đối phát triển với nhiều món đặc sản của vùng biển đảo, tuy nhiên còn thiếu những nhà hàng có quy mô, chất lượng và các món ăn Âu - Á để phục vụ du khách nước ngoài hoặc khách có khả năng chi trả cao. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường chưa được quản lý chặt chẽ. Sản phẩm đồ lưu niệm còn đơn điệu, chưa khai thác được các thế mạnh của địa phương.
 
Trong thời gian qua, hệ thống cơ sở hạ tầng của Lý Sơn đã được đầu tư nâng cấp đáng kể, đặc biệt là mạng lưới giao thông. Tuy nhiên các bến xe, bãi đỗ và cảng tàu du lịch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng về quy mô, chất lượng của hoạt động du lịch.
 
Sở dĩ hoạt động du lịch của Lý Sơn còn tồn tại những bất cập như hiện nay là do nhận thức về tầm quan trọng của phát triển du lịch còn hạn chế, chưa có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch với chiến lược và kế hoạch đầu tư khai thác đồng bộ; chưa xây dựng được bộ máy quản lý tương xứng với nhu cầu phát triển du lịch; thiếu bộ phận chuyên trách và các cơ sở pháp lý cụ thể để kiểm soát sự phát triển du lịch; thu hút đầu tư còn hạn chế dẫn đến đầu tư chắp vá, phá vỡ môi trường sinh thái…
 
Cần đầu tư cho sản phẩm du lịch biển đảo Lý Sơn
 
Thiết nghĩ, phát triển du lịch bền vững gắn với việc bảo vệ các giá trị của tài nguyên và môi trường của biển đảo Lý Sơn cần phải được coi là quan điểm chủ đạo, chi phối toàn bộ các hoạt động đầu tư phát triển du lịch tại đảo Lý Sơn. Theo đó, cần phát triển du lịch theo hướng cân bằng cung - cầu, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trên cơ sở khai thác hợp lý nguồn tài nguyên và phù hợp với ngưỡng khống chế (khả năng chịu tải) của môi trường; phát triển du lịch trên quan điểm đảm bảo trật tự an ninh quốc phòng biển đảo. Việc liên kết chặt chẽ giữa hoạt động du lịch với các ngành kinh tế khác cũng cần được chú trọng để tạo ra sức mạnh tổng thể và tránh sự phát triển chồng chéo.
 
Bên cạnh đó, mục tiêu đặt ra là phát triển du lịch biển đảo Lý Sơn trở thành một trong những tâm điểm của Du lịch Quảng Ngãi theo hướng cộng đồng; phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch biển đảo và các thắng cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, phấn đấu thành trung tâm du lịch biển chất lượng quốc gia vào giai đoạn 2015 – 2020; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; phát huy truyền thống bản sắc dân tộc, tôn tạo và giữ gìn các di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan, môi trường
 
Sản phẩm du lịch phải góp phần bảo tồn và tôn vinh giá trị tài nguyên và môi trường du lịch của Lý Sơn; có quy mô và chất lượng phù hợp với vị thế của một trung tâm du lịch biển cấp quốc gia; phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của các thị trường khách có khả năng thu hút; phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của Lý Sơn và Quảng Ngãi. Ngoài ra, cần chú trọng phát triển đồng bộ các sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch đến quanh năm.
 
Thương hiệu là một trong những vấn đề quan trọng của du lịch. Du lịch Lý Sơn cần xây dựng thương hiệu trên cơ sở khai thác các ấn tượng hình ảnh đặc trưng sau: Lý Sơn với bố cục và hình thái kỳ lạ của 5 ngọn núi lửa, với những địa hình địa chất địa mạo khá phong phú và đa dạng; Lý Sơn - vùng đất đảo thiêng nơi địa đầu của tổ quốc về biển đảo, nơi giao hòa giữa miền Trung và miền Nam; Lý Sơn minh chứng cho lịch sử phát triển của vỏ trái đất với nhiều dấu ấn sinh hoạt của người tiền sử, người Việt cổ. Các hình ảnh bổ trợ sẽ là: biển đảo Lý Sơn với các hệ sinh thái biển độc đáo: san hô đen, thảm cỏ biển, rong biển…; các di tích lịch sử, lễ hội, nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của làng chài; các loại hình vui chơi giải trí và thể thao mạo hiểm đa dạng như: tắm biển, leo núi, mô tô nước, kayak…; nơi trung chuyển khách đi nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác như: cù lao Chàm, Hoàng Sa, Trường Sa…
 
Các tuyến tham quan cần đảm bảo khai thác được toàn diện tiềm năng du lịch đa dạng của Lý Sơn và mở rộng phạm vi sang các địa phương lân cận. Ngoài ra,  cần khai thác thêm các tuyến du lịch trên không để ngắm cảnh quan tổng thể đảo Lý Sơn từ trên cao và các tuyến dưới biển để khai thác cảnh quan đáy đại dương. Các tuyến tham quan trên bờ phát triển chủ yếu ở khu vực núi Giếng Tiền và núi Thới Lới với việc khai thác các dấu ấn lịch sử của miệng núi lửa hàng triệu năm và nét sinh hoạt truyền thống của người dân vùng hải đảo. Đồng thời, có thể xây dựng thêm các tuyến tham quan đồng ruộng, đi biển cùng người dân.
 
Để đáp ứng nhu cầu của du khách, cần ưu tiên đầu tư phát triển các khách sạn đạt chuẩn trở lên; hạn chế tối đa việc phát triển ồ ạt thiếu quản lý; đặc biệt chú ý tới các giải pháp xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường, giảm thiểu tối đa các tác động tới môi trường; đa dạng hóa các loại hình nhà nghỉ (nhà nghỉ nổi trên biển, nhà nghỉ trên miệng núi lửa, nghỉ tại nhà dân…); nghiên cứu sử dụng các dạng năng lượng tự nhiên. Ngoài ra, cần đầu tư các khu vui chơi giải trí chất lượng cao, hấp dẫn và độc đáo trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên độc đáo của khu vực như: công viên địa chất, công viên ốc biển, công viên thời tiền sử, công viên biển và bảo tàng sinh thái Lý Sơn, thủy cung… nhằm kéo dài thời gian lưu trú và tăng lượng doanh thu, xoá bỏ tính mùa vụ trong du lịch. Các công trình vui chơi giải trí thể thao trên biển như: lặn biển, lượn dù, đua thuyền, kayak lưới ván, thủy phi cơ,… cũng cần được mở rộng phạm vi hoạt động để tạo ra sự hấp dẫn cho du khách.
 
Một trong những việc làm vô cùng quan trọng là xây dựng tuyến điểm du lịch điển hình trên đảo như: tuyến du lịch tổng hợp (đi qua tất cả các điểm tham quan trong khu vực đảo Lý Sơn như chùa Hang, Âm Linh tự, chùa Đục, miệng núi lửa Giếng Tiền, miệng núi lửa Thới Lới, đảo bé, tắm biển, tham quan cánh đồng tỏi, hoặc cùng ngư dân đánh bắt hải sản trên biển…); tuyến du lịch tham quan tìm hiểu văn hóa lịch sử (lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội đua thuyền Tứ Linh, lễ hội Ngư Ông, thăm bộ xương cá voi, chùa Hang, chùa Đục, mộ gió, Âm Linh tự…); tuyến du lịch tham quan những giá trị về địa chất, địa mạo - miệng núi lửa, hồ nước ngọt trên miệng núi lửa, nham thạch trên đảo, tham quan vòng quanh đảo, đảo bé, bãi biển, ngắm san hô biển, cỏ biển; tuyến du lịch cộng đồng – sinh thái nông, ngư nghiệp (trải nghiệm ở nhà dân, đi biển cùng người dân, thu hoạch tỏi, trồng tỏi, đánh bắt hải sản…); các tuyến du lịch liên vùng (Lý Sơn – cù lao Chàm – Hoàng Sa – Trường Sa; Lý Sơn - cù lao Chàm – bán đảo Sơn Trà; Lý Sơn – cù lao Xanh – Hòn Trâu (Bình Định)…
 
Có thể nói, tài nguyên du lịch của Lý Sơn là những di sản quý giá của quốc gia và nhân loại nên yêu cầu bảo tồn các giá trị của tài nguyên là nguyên tắc được đưa ra hàng đầu. Dưới khía cạnh của phát triển du lịch bền vững, các yêu cầu về bảo tồn cần tuân theo là: đảm bảo gìn giữ các giá trị cảm xúc, tinh thần của biển đảo; bảo tồn các không gian lãnh thổ đặc trưng; gìn giữ hình thái, tính chất của các yếu tố tài nguyên du lịch điển hình; đảm bảo duy trì, bảo vệ các hệ sinh thái đặc trưng…
 
ThS. Trần Thị Lan
Mai Chánh Cường
Nguồn: vtr.org.vn