Theo Quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng sẽ trở thành Khu du lịch quốc gia (DLQG) Sơn Trà trước năm 2025; đến năm 2030, khu DLQG Sơn Trà sẽ trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, đặc sắc của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.
Câu chuyện di sản - du lịch: Sơn Trà mây nhuộm nắng vàng...Đà Nẵng: Cây đa Sơn Trà được công nhận Cây Di sản Việt Nam
Đó là thông tin được ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Cung cấp tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành du lịch năm 2016, triển khai kế hoạch năm 2017 sáng ngày 15/2 tại TP Đà Nẵng.
Theo đó, khu vực quy hoạch phát triển Khu DLQG Sơn Trà nằm trên bán đảo Sơn Trà thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10km về phía Đông Bắc với tổng diện tích khoảng 4.439 ha. Diện tích khu vực tập trung phát triển trở thành Khu DLQG là 1.056 ha.
Từ lâu, bán đảo Sơn Trà đã được biết đến như là “lá phổi xanh” của thành phố Đà Nẵng nhờ khu bảo tồn thiên nhiên lưu giữ hệ sinh thái thực vật phong phú, đa dạng; cũng như nhờ các đặc trưng nổi tiếng như: Chùa thiêng Linh Ứng Bãi Bụt, cây đa ngàn năm tuổi, đỉnh bàn cờ tiên, sân bay trực thăng, đài radar,…
Khu vực quy hoạch phát triển Khu DLQG Sơn Trà nằm trên bán đảo Sơn Trà thuộc, cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10km về phía Đông Bắc.
Ngoài ra, hiện nay tại bán đảo Sơn Trà có loài Vọoc chà vá chân nâu sinh sống với khoảng 300 cá thể, thuộc danh mục ở mức nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện, chiếm tới 83% số lượng voọc trong thiên nhiên được biết đến trên thế giới, đây sẽ là một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với bán đảo Sơn Trà.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Khu DLQG Sơn Trà sẽ đón 3,5 triệu lượt khách du lịch, đạt doanh thu khoảng 1.900 tỷ đồng. Đến năm 2030 đón trên 4,6 triệu lượt khách du lịch, đạt doanh thu khoảng 4.300 tỷ đồng.
Thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm sẽ tập trung khai thác ở Bắc Mỹ (Mỹ), Tây Âu (Pháp, Đức, Anh); Đông Bắc Á (Nhật Bản và Hàn Quốc); Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore, Malaysia). Tập trung vào các phân khúc thị trường khách du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển cao cấp và thể thao mạo hiểm; khách có khả năng chi trả cao và nghỉ dưỡng dài ngày.
Thị trường khách nội địa trọng điểm là Hà Nội và TP HCM, tập trung vào các phân khúc thị trường khách du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển cao cấp và du lịch văn hóa – tâm linh.
Các sản phẩm du lịch chính mà Sơn Trà hướng tới là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch thể thao và thể thao mạo hiểm. Các sản phẩm du lịch bổ trợ gồm: du lịch tìm hiểu văn hóa - lịch sử - cách mạng, tham quan thắng cảnh và các sản phẩm liên kết với khu vực lân cận như Ngũ Hành Sơn, Nam Hải Vân, Bà Nà...
Khu DLQG Sơn Trà sẽ được phát triển dựa trên định hướng ba trung tâm dịch vụ và cửa ngõ vào khu DLQG trên ba trục tiếp cận bán đảo Sơn Trà, gồm: Trung tâm đón tiếp và lưu trú Hồ Xanh, Bãi Bụt, trung tâm diễn giải môi trường và du lịch sinh thái tại khu vực giao cắt giữa đường lên Đỉnh Bàn Cơ và đường Yết Kiêu và trung tâm dịch vụ du lịch, nhà hàng tại khu vực Tiên Sa.
Khi trở thành Khu DLQG, Sơn Trà sẽ góp phần tạo ra trên 2.800 việc làm cho lao động trực tiếp đến năm 2030.
Hoàng Yến