Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở phát huy mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa

Cập nhật: 31/05/2017
Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá cao và nội dung văn hoá sâu sắc. Du lịch và văn hóa không phải là hai mệnh đề đứng riêng, đây là mối quan hệ chặt chẽ tới mức cái này là hiện thân của cái kia, vừa riêng, vừa chung, đan xen và linh hoạt.
Bản chất của du lịch là văn hóa, văn hóa vừa là tài nguyên, vừa là sản phẩm đặc sắc của du lịch. Du lịch là “kênh” cho văn hóa giao lưu, quảng bá và hội nhập. Du lịch giúp cho những giá trị văn hóa được tự tôn bản sắc nhưng đồng thời lại có sự điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu hội nhập. Bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công về du lịch cho chúng ta nhận thức được rõ ràng hơn khi coi văn hóa là bệ đỡ bền vững của du lịch, phát huy tốt mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa để du lịch có thể đóng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó con người là chủ thể, là hạt nhân. Hơn nữa, bản thân văn hóa là một giá trị; văn hóa là nguồn tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn, độc đáo, là một trong những nền móng cho hoạt động du lịch phát triển bền vững. Khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đến với nước ta không chỉ tham quan danh lam thắng cảnh mà còn muốn trải nghiệm khám phá, tìm hiểu về văn hóa mấy ngàn năm của đất nước, con người Việt Nam.

Bản chất du lịch là một hoạt động văn hóa, tăng sức hấp dẫn từ tính đặc thù văn hóa, tính bản sắc của các nền văn hóa. Du lịch là một hoạt động đa chiều, nó vừa khai thác, vừa bảo tồn và vừa tìm cách điều chỉnh các giá trị sao cho phù hợp với thực tiễn đương đại. Du lịch là nguồn tác động trở lại văn hóa thông qua việc xây dựng và cải tạo môi trường văn hóa, xã hội, làm cho môi trường này khởi sắc, tươi mới, làm cho các hoạt động văn hóa năng động và linh hoạt hơn trong cơ chế thị trường. Hoạt động du lịch cũng góp phần khơi dậy các tiềm năng văn hóa giàu có và phong phú đang còn ẩn chứa khắp nơi trên đất nước ta, “đánh thức nàng tiên ngủ trong rừng” để cả xã hội và quốc tế chiêm ngưỡng, thưởng thức cái đẹp, không để cái đẹp ấy bị che phủ, mai một và lãng quên. Có thể nói, nhờ một phần vào du lịch mà một số di sản văn hóa ông cha ta để lại đã và đang được quan tâm, nuôi dưỡng không để bị mai một. Ví dụ như, một số di sản văn hóa phi vật thể như ca trù, dân ca quan họ, nhã nhạc cung đình, hát xoan... trở thành “thương hiệu” gọi mời khách du lịch đến Việt Nam để chiêm nghiệm, thưởng thức. Nhiều nghệ thuật truyền thống nước nhà được phục hồi, các nhà hát truyền thống luôn sáng đèn biểu diễn khi du lịch phát triển. Ngoài ra, du lịch cũng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động giao lưu hợp tác kinh tế, văn hóa quốc tế qua những đoàn công tác ra nước ngoài và người nước ngoài vào nước ta làm việc theo các văn bản hợp tác. Đặc biệt, tại những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, chính du lịch đã và đang có đóng góp tích cực trong việc phát triển đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong nền kinh tế thị trường, do điều kiện khách quan, hoạt động du lịch thích ứng nhanh hơn và trong chừng mực nhất định, chính hoạt động du lịch đã đi trước một bước, đảm nhiệm vai trò “kích cầu” các hoạt động văn hóa đi nhanh và mạnh hơn. Kinh doanh văn hóa du lịch đã đem lại nguồn thu không nhỏ. Như vậy, mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa là mối quan hệ tương hỗ với nhau. Ngày nay, trong thời đại hội nhập và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế thì mối quan hệ này càng có điều kiện phát huy, hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển.

Để hướng tới phát triển du lịch bền vững trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân trên cơ sở phát huy mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa, trong chiến lược phát triển du lịch rất cần có chính sách bảo vệ, giữ gìn tài nguyên du lịch văn hóa, xác định văn hóa đóng vai trò chủ chốt trong khai thác hoạt động du lịch. Song song với đó có chính sách ưu đãi, thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; du lịch có trách nhiệm. Đặc biệt, có biện pháp hỗ trợ các hoạt động du lịch văn hóa tại địa phương, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn bảo tồn văn hóa đi đôi với phát triển du lịch, đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa văn hóa và du lịch từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, vừa chuyên nghiệp vừa giàu lòng yêu nước, tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là nhân tố quan trọng truyền nguồn cảm hứng, khơi dậy tình yêu văn hóa dân tộc với du khách khi đến với Việt Nam. Phát huy vai trò của những nhân tố tham gia như vai trò quản lý nhà nước, doanh nghiệp, Hiệp hội nghề nghiệp và cộng đồng… trong đó, có sự phân cấp, phân vùng, xác lập các tiêu chí hoạt động du lịch.

 
PGS.TS Triệu Thế Hùng
(UVTT Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội).
Nguồn: Báo Văn hóa