Nguy cơ tan hoang rừng chè cổ thụ Suối Giàng

Cập nhật: 19/01/2018
Cây chè cổ thụ ở Suối Giàng (Yên Bái) xuất hiện từ bao giờ cho đến nay vẫn không ai biết, nhưng theo những người Mông già nhất nơi đây thì từ đời cha, ông đã có những cây chè này rồi. Làm sao để ngăn chặn nạn “chảy máu” chè cổ thụ về xuôi làm cây cảnh vẫn đang là bài toán rất nan giải.

Cây chè cổ thụ này đã được đánh vầng chuẩn bị được đưa lên xe mang về xuôi

Theo thống kê của UBND xã Suối Giàng hiện nay xã có gần 400 ha trồng chè, trong đó có gần 200 ha là cây chè cổ với hàng nghìn cây chè 100 và 300 năm tuổi. Mặc dù xã Suối Giàng không phải là nơi duy nhất có những cây chè cổ thụ nhưng xét về cả số lượng lẫn tuổi đời thì không đâu sánh được. Hàng trăm năm qua, cây chè cổ thụ đã đi vào đời sống và trở thành biểu tượng văn hóa của vùng núi tươi đẹp, hùng vĩ này.

Chè trên đồi, chè trong vườn, chè mọc thành rừng, cây chè đi vào đời sống tâm hồn con người, gần gũi và thân thuộc, gắn bó như máu thịt với đồng bào. Và cũng bao đời nay, việc thu hái và chế biến chè Shan tuyết Suối Giàng đều được người dân nơi đây thực hiện theo phương pháp thủ công truyền thống của người Mông nên vẫn giữ được hương vị đặc trưng vốn có. Cây chè trở thành cây xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Mông ở Suối Giàng.

Nhưng nhiều năm trở lại đây, cây chè cổ thụ Suối Giàng trở thành cây cảnh cho những gia đình giàu có đặt ở sân vườn dẫn đến tình trạng người dân tộc Mông đã khai thác trái phép bán cho gian thương. Tình trạng này tưởng chừng như bị ngăn chặn khi lãnh đạo huyện Văn Chấn đã chỉ đạo chính quyền xã, kiểm lâm huyện tuyên truyền về việc không khai thác chặt phá cây chè tới bà con người Mông; tổ chức tuần tra kiểm soát rừng, đặc biệt là phạt nặng đối với các cá nhân đánh gốc cây chè cổ thụ đi bán.

Chủ trương và biện pháp là vậy song tình trạng này vẫn diễn ra “âm ỉ”. Nhiều cây chè cổ thụ đang được người dân tộc Mông rao bán và cũng đang có rất nhiều cá nhân bằng nhiều hình thức khác nhau đã qua mặt chính quyền xã, kiểm lâm địa phương mua bán, vận chuyển trót lọt cây chè cổ về xuôi.

Những hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận vào những ngày đầu năm 2018 tại một vườn chè cổ ở bản Păng Cáng, xã suối Giàng thì có 3 đến 4 cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, to nhất, đẹp nhất, có giá trị nhất đã và đang bị người dân đào gốc bán về xuôi. Chủ vườn chè hồn nhiên cho biết, cây vừa bán mang đi rồi có giá tại vườn là 10 triệu, 2 cây đang đánh gốc được người mua lựa chọn kỹ hơn thì đặt giá hơn một chút. Khi chúng tôi hỏi chủ vườn người Mông có còn bán chè cổ thụ nữa không thì chủ vườn chè vẫn gật đầu đồng ý và ra hiệu cứ vào vườn xem cây nào ưng ý để bàn giá cả.

Một cây chè cổ thụ tiếp tục bị đào gốc, giá được chủ vườn”ưng” bán là 10 triệu đồng tại vườn

Có thể chính quyền xã, kiểm lâm hay các cơ quan chức năng của huyện Văn Chấn chưa phát hiện và biết được ai là chủ mua thực sự của những cây chè cổ thụ. Nhưng ai cũng biết con đường để cây chè cổ thụ đi về xuôi, đến được sân của các ngôi biệt thự tiền tỉ thì chỉ có một con đường duy nhất mà ô tô đi được đó là đường từ xã Suối Giàng đến quốc lộ 32 ngay trước cổng Công an huyện Văn Chấn mà thôi. Vậy ở đây là do năng lực quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng huyện hay có sự “móc ngoặc”, làm ngơ có chủ ý của một số cán bộ phụ trách tại địa phương?

Xin được nói thêm rằng, vừa qua tỉnh Yên Bái đã phê duyệt dự án quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng của huyện Văn Chấn.Với việc xây dựng khu du lịch theo hướng bảo tồn, giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc, cùng tiềm năng du lịch của vùng chè cổ thụ quanh năm trong lành, mát mẻ và lòng mến khách của người dân Suối Giàng đang hứa hẹn với du khách một điểm đến lý tưởng cho hành trình du lịch về cội nguồn ở Yên Bái. Đây là chủ trương quan trọng nhất với người Mông để bảo tồn những bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, đồng thời thúc đẩy kinh tế vùng cao phát triển, điều kiện quan trọng nhất giúp người Mông yên tâm “an cư lạc nghiệp”.

Nhưng nếu để tình trạng những cây chè cổ tiếp tục “mọc chân” chạy về xuôi như hiện nay thì ngay chính dự án tiền tỉ mà tỉnh Yên Bái đã bỏ ra sẽ không còn tác dụng. Việc cần thiết lúc này là phải chấm dứt ngay tình trạng mua và bán cây chè cổ thụ Suối Giàng và không có một lý do nào biện minh để có thể đưa được cây chè cổ Suối Giàng ra khỏi cửa rừng.

Nguyễn Nhật Thanh

Nguồn: Báo Văn hóa