Thành phố Vĩnh Yên đối mặt với vấn đề xử lý rác

Cập nhật: 29/04/2009
Từ khi bãi rác ở chân núi Bông đóng cửa, việc thu gom, xử lý rác thải ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đang gặp nhiều khó khăn khiến cho nhiều người dân và nhất là các nhà quản lý nơi đây luôn “than ngắn, thở dài''. Không ít khu đất trống, bờ ao, bờ hồ... vùng ngoại ô của thành phố Vĩnh Yên rác thải sinh hoạt, gạch ngói vụn, vôi vữa xây dựng đổ tràn lan làm ảnh hưởng tới mỹ quan của một đô thị vốn được coi là trẻ trung, năng động này.

Bãi rác chân núi Bông (giáp với phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên và xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên) được hình thành cách đây 12 năm. Đây là bãi rác có quy mô 5 ha, trong đó có 3 ha được quy hoạch làm nơi chứa và xử lý rác thải sinh hoạt.

Những năm qua, do quá trình đô thị hoá nhanh chóng, dân số tăng nhanh, các khu công nghiệp trên địa bàn phát triển mạnh, các chất thải dồn về khiến cho bãi rác quá tải, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân luôn bức xúc. Người dân ở đây phải “gồng mình” chịu mùi hôi thối nồng nặc, côn trùng phát triển mạnh dễ phát sinh mầm bệnh, nguồn nước thải thẩm thấu xuống lòng đất ảnh hưởng đến nước sinh hoạt (giếng khoan, giếng khơi) của người dân...Đầu năm 2009, người dân quyết không cho xe ô tô vào đây đổ rác và bãi rác bị “cấm vận” từ đó!

Ông Nguyễn Văn Thực, Giám đốc Công ty Môi trường và Dịch vụ đô thị thành phố Vĩnh Yên cho hay: Bãi rác núi Bông ngừng hoạt động, rác thải của thành phố Vĩnh Yên được tập kết về phía Nam của Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên). Tại đây, rác được đổ gọn vào một khu và bên dưới có lót bạt để tránh nước thải thẩm thấu xuống lòng đất, rác cũng được phun thuốc khử mùi và tiêu diệt côn trùng, phía trên cùng của rác được phủ đất kín.

Phía Nam Khu công nghiệp Khai Quang không phải là nơi quy hoạch để đổ rác thải và đây chỉ là địa điểm thực hiện xử lý tình huống tạm thời. Khi nào tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch được bãi rác mới thì Công ty sẽ chuyển toàn bộ số rác tập kết này đi theo. Tuy nhiên, theo ông Thực đến nay việc quy hoạch bãi rác mới vẫn chưa được xác định cụ thể ở đâu và khi nào thì xong?

Hiện tại, riêng thành phố Vĩnh Yên bình quân mỗi ngày có 200 m3 rác thải sinh hoạt...nhưng chưa có bãi đổ theo đúng tiêu chuẩn quy định, khiến nhiều người dân lo ngại. Rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại của không ít doanh nghiệp lớn trong khu công nghiệp ở địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng chưa được phân loại, thu gom tốt và đưa đi xử lý theo địa chỉ đăng ký, mà doanh nghiệp đã tìm cách đổ trộm các loại chất thải này ra những khu thưa dân cư để tránh người dân phát hiện, tố cáo.

Nguồn: TTXVN