WWF: Các quần thể động vật hoang dã đã giảm 69% trong 50 năm

Cập nhật: 13/10/2022
Các nhà khoa học hàng đầu thế giới cho biết, sự mất mát của các loài động vật hoang dã là do con người gây ra trên quy mô lớn, đòi hỏi thế giới cần hành động khẩn cấp.

Suy thoái môi trường sống là nguyên nhân chính

Theo một đánh giá khoa học của WWF (World Wide Fund For Nature – Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên), các quần thể động vật hoang dã trên Trái đất đã giảm trung bình 69% chỉ trong vòng chưa đầy 50 năm kể từ năm 1970.

Nguyên nhân chính gây ra mất mát động vật hoang dã là suy thoái môi trường sống do con người phát triển và nuôi trồng, khai thác không hợp lý, sự du nhập của các loài xâm lấn, ô nhiễm, biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Với dữ liệu từ 32.000 quần thể của hơn 5.000 loài động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá, Chỉ số Hành tinh Sống của cho thấy sự sụt giảm ngày càng nhanh trên toàn cầu.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Ở các khu vực giàu đa dạng sinh học như Châu Mỹ Latinh và Caribe, con số thiệt hại về quần thể động vật lên tới 94%. Tỷ lệ phá rừng ở đó đang tăng nhanh, tước đi hệ sinh thái độc đáo không chỉ của cây cối mà còn của động vật hoang dã phụ thuộc vào chúng. Khả năng của rừng Amazon trong việc hoạt động như một đồng minh lớn nhất của thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng bị ảnh hưởng.

Châu Phi có mức giảm lớn thứ hai với 66%, tiếp theo là Châu Á và Thái Bình Dương giảm còn 55%, Bắc Mỹ giảm còn 20%, Châu Âu và Trung Á giảm 18%

Nhiều nhà khoa học tin rằng chúng ta đang sống qua cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu, sự mất mát lớn nhất về sự sống trên Trái đất kể từ thời khủng long và nó đang được thúc đẩy bởi con người.

89 tác giả của báo cáo đang kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đạt được một thỏa thuận đầy tham vọng tại hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học COP15 ở Canada vào tháng 12 năm nay và cắt giảm lượng khí thải carbon để hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 1,5 độ C trong thập kỷ này để ngăn chặn sự tàn phá tràn lan của thiên nhiên.

Thế giới cần phải suy nghĩ lại về các hoạt động nông nghiệp có hại và lãng phí của mình trước khi chuỗi lương thực toàn cầu sụp đổ.

Cần chung tay hành động ngay bây giờ

Theo đánh giá của WWF cho rằng việc tăng cường các nỗ lực bảo tồn và phục hồi, sản xuất và tiêu thụ lương thực bền vững hơn, đồng thời khử cacbon nhanh chóng và sâu sắc cho tất cả các lĩnh vực có thể làm giảm bớt các cuộc khủng hoảng kép về biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.

WWF cũng kêu gọi các Chính phủ quan tâm đúng mức đến việc hoạch định chính sách giá trị của các dịch vụ do tự nhiên cung cấp, chẳng hạn như thực phẩm, thuốc men và cung cấp nước.

Thế giới cần nhấn mạnh thực tế rằng mất mát thiên nhiên không chỉ là một vấn đề đạo đức mà nghĩa vụ của mỗi cá nhân là bảo vệ phần còn lại của hành tinh.

Vì vậy, tiềm năng cho sự thay đổi thực sự rất lớn. Nhưng thời gian không còn nhiều, và chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ.

Hải sơn

Nguồn: Tạp chí Môi trường và đô thị - moitruongvadothi.vn - Ngày 13/10/2022