Quảng Ninh: Bảo vệ các hệ sinh thái biển đặc thù tại Cô Tô

Cập nhật: 03/11/2022
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa thông qua Dự án thành lập khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần để bảo tồn các hệ sinh thái biển đặc thù và các loại sinh vật biển quý hiếm có tổng diện tích trên 18.400 ha.

Khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1614 ngày 19/5/2020, có tổng diện tích trên 18.400ha, bao gồm khu bảo tồn trên 13.230ha và vùng đệm trên 5.184ha. Theo chính quyền huyện Cô Tô, vùng biển Cô Tô, đảo Trần đã được các chuyên gia đánh giá là khu vực từng có mức độ đa dạng sinh học cao nhất của các đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc, một trong những khu dự trữ nguồn gen lớn của dải ven biển Việt Nam.

Khu vực này ghi nhận các hệ sinh thái biển rất đặc thù, gồm: Các rạn san hô, vùng triều, các bãi cát dài và đẹp, rừng ngập mặn, rừng nhiệt đới trên đảo, hệ sinh thái đáy mềm... với mức độ đa dạng loài cao: Gần 1.000 loài thuỷ sinh vật, trong đó nhiều nhất là động thực vật phù du, động vật đáy cỡ lớn, cá biển và san hô... Tuy nhiên, hiện nay, nguồn sinh vật biển đang có xu hướng suy giảm. Đặc biệt là hệ sinh thái rạn san hô đang bị xâm hại nghiêm trọng khi đã mất đến 90% về độ phủ và phạm vi phân bố, nhiều rạn chết 100%, trở thành khu vực có mức độ và tốc độ suy thoái lớn nhất và nhanh nhất được ghi nhận ở vùng ven biển Việt Nam. Cho đến nay, thành phần loài san hô ở Cô Tô còn rất ít và đơn điệu, chỉ còn 25 loài, trong đó có 24 loài san hô cứng, 1 loài san hô mềm. 

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa thông qua Dự án thành lập khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần để bảo tồn các hệ sinh thái biển đặc thù

Trước thực trạng trên, việc nghiên cứu thành lập Dự án khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần là rất cần thiết, góp phần đánh giá được hiện trạng tài nguyên sinh vật biển, tình hình khai thác, quản lý các nguồn lợi thủy sản trong thời gian qua để có hướng đề xuất, xây dựng các giải pháp quản lý, góp phần bảo vệ và phát triển đa dạng sinh thái, các nguồn lợi thủy sản lâu dài. 

Đối với Khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần, diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là trên 3.219ha (chiếm 24%), được xác định để bảo toàn nguyên vẹn, giữ nguyên hiện trạng và theo dõi diễn biến tự nhiên của các loài động vật, thực vật thủy sinh và các hệ sinh thái biển; diện tích phân khu phục hồi sinh thái là trên 3.245ha (chiếm 25%), để triển khai các hoạt động phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh và các hệ sinh thái biển; diện tích phân khu dịch vụ, hành chính là 6.765ha (chiếm 51%), triển khai các hoạt động dịch vụ, hành chính, hoạt động thủy sản có kiểm soát. Trong mỗi phân khu quản lý như vậy sẽ xác định các quy định riêng về mức độ được phép triển khai các hoạt động cụ thể phù hợp với mục đích quản lý.

Phương án dự kiến đầu tư cho khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần khoảng 181,8 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn: 2023-2024 và 2025-2027. Phương án sinh kế đối với các cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng thủy sản có diện tích thuộc phân khu bảo tồn nghiêm ngặt và phục hồi hệ sinh thái của khu bảo tồn biển được đề xuất trong Dự án đã phù hợp với quy định và nguyện vọng của người dân.

Dự kiến trong thời gian tới, Khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần sẽ tập trung vào những mục tiêu cụ thể, như: Bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đặc thù và quan trọng (rạn san hô, rừng ngập mặn); phục hồi, tái tạo tự nhiên kết hợp với nhân tạo hệ sinh thái rạn san hô tại các khu vực đã bị suy thoái; bảo vệ, phục hồi và phát triển quần thể của các loài sinh vật biển quý hiếm, có giá trị bảo tồn (vích, đồi mồi, rùa da, cá heo trắng, cá heo không vây); kiểm kê, lưu giữ, bảo tồn và phát triển các nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ (sá sùng, tu hài, ốc đĩa, hải sâm đen, bào ngư chín lỗ). 

Đồng thời, bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên độc đáo để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho các nhà khoa học, các nhóm người yêu thiên nhiên trong nước và quốc tế nghiên cứu đa dạng sinh học, sinh thái học.

Nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Dự án, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Cô Tô rà soát lại quy mô khu bảo tồn biển Cô Tô, Đảo Trần phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội của huyện Cô Tô; quy hoạch phát triển không gian biển của tỉnh Quảng Ninh để chỉnh sửa, bổ sung vào Dự án trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong tháng 10 và trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án Khu bảo tồn biển Cô Tô, Đảo Trần vào tháng 11.

Đức Huy

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 30/10/2022