Hà Nội cùng thế giới chống lại biến đổi khí hậu

Cập nhật: 05/06/2009
Hôm nay (5/6), TP Hải Phòng được lựa chọn để tổ chức mít tinh quốc gia và các hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới với chủ đề "Trái đất cần chúng ta! Hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu" (BĐKH).

Giờ đây, BĐKH đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của từng gia đình. Sau trận lụt "trăm năm có một" vào cuối tháng 10, đầu tháng 11-2008, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã ý thức rõ hơn về những hậu quả do BĐKH gây ra.

Giờ đây, BĐKH đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của từng gia đình. Sau trận lụt "trăm năm có một" vào cuối tháng 10, đầu tháng 11-2008, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã ý thức rõ hơn về những hậu quả do BĐKH gây ra.

Đối mặt với những thiên tai bất thường

BĐKH không còn là chuyện của những tảng băng tan ở Bắc cực hay Nam cực, bởi những tác động của nó đã, đang trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội của nhiều vùng dân cư trên thế giới. Nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định, với hơn 3.000km bờ biển, nước ta sẽ bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Dự đoán, vào năm 2100, khi tốc độ ấm dần của trái đất như hiện nay, mực nước biển ở Việt Nam có thể sẽ dâng lên khoảng 1m, làm cho 1/5 diện tích lãnh thổ bị ngập chìm trong nước, khoảng 22 triệu người dân sẽ bị mất nhà cửa và 45% diện tích đất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm trong nước biển. Ông Christophe Bahuet, Phó đại diện UNDP tại Việt Nam nhận định, BĐKH có thể dẫn đến 5 nguy cơ lớn: Giảm năng suất nông nghiệp; gia tăng tình trạng thiếu nước; thời tiết cực đoan gia tăng; các hệ sinh thái tan vỡ và bệnh tật nhiều.

Sự biến đổi thất thường của thời tiết còn được thể hiện qua đợt mưa lớn trái mùa tại các tỉnh miền Bắc từ ngày 30-10 đến chiều 1/11/2008. Tại Thủ đô Hà Nội lượng mưa lên tới gần 500mm đã gây ra úng lụt trầm trọng, thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhân dân. Ông Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng, thủy văn và môi trường nhận định, đợt rét đậm, rét hại hồi đầu năm 2008 cùng trận mưa trái mùa gây ngập úng lịch sử ở Hà Nội và các vùng lân cận là hậu quả của sự nóng lên toàn cầu...

Bắt tay với thế giới không chỉ trong… 1 giờ

Các nhà khoa học nhận định, Hà Nội có nguy cơ bị tổn thương cao trước thiên tai. Vì thế, Hà Nội được chọn là điểm để thực hiện chương trình thích ứng với BĐKH với những biện pháp cần thiết phải thực hiện như giảm bớt khí thải và xây dựng các chương trình thích nghi với BĐKH. Bà Federica Ranghieri, thành viên Nhóm điều phối BĐKH và tài chính Carbon của WB cho biết, WB chọn các thành phố của Việt Nam, trong đó có Hà Nội để thực hiện chương trình ứng phó với BĐKH, vì Việt Nam chịu ảnh hưởng ở mức độ cao của BĐKH. Nhận thức rõ những ảnh hưởng của BĐKH đến nhân dân, Hà Nội đã đăng ký tham gia "Giờ Trái đất" do WWF phát động. Tối 28-3, Hà Nội đã cùng "Tắt đèn - Bật tương lai" với 66 thủ đô trên thế giới. Sự hiện diện của các quan chức từ chính quyền địa phương đến Chính phủ cùng sự tham gia đông đảo của nhân dân chứng tỏ Việt Nam đã nhận thức rõ về vấn đề tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu BĐKH toàn cầu. Sự hưởng ứng nhiệt tình của 5 thành phố là TP Hồ Chí Minh, Huế, Hội An, Nha Trang và Cần Thơ cùng tham gia "Giờ Trái đất" đã minh chứng nhận thức của chính quyền về BĐKH. Sự tình cờ đầy ý nghĩa là cả 6 thành phố Việt Nam tham gia "Giờ Trái đất" đều là những đô thị chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng. Với tinh thần đoàn kết toàn cầu chống lại BĐKH, người Hà Nội cùng người dân của gần 4.000 thành phố và thị trấn trên 88 quốc gia đã "Tắt đèn - Bật tương lai". Trong đêm sự kiện "Giờ Trái đất" 2009, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã nhấn mạnh, sự kiện này là dấu ấn của chiến dịch cho một tương lai mới, tương lai giảm thiểu BĐKH toàn cầu. Đây cũng là một trong những hoạt động khởi xướng cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, TP Hà Nội sẽ giao cho các ngành liên quan phối hợp xây dựng năng lực thể chế đồng bộ để chống lại BĐKH đạt hiệu quả. 

10 giải pháp đối phó với BĐKH

Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch; cải tạo, nâng cấp hạ tầng; làm việc gần nhà; giảm tiêu thụ; ăn uống thông minh, tăng cường rau, hoa quả, chặn đứng nạn phá rừng; tiết kiệm điện; mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh 1 con; khai phá những nguồn năng lượng mới; ứng dụng các công nghệ mới trong việc bảo vệ trái đất.

 

Nguồn: HNM