Cứu hộ tại các bãi biển: Thiếu và yếu!

Cập nhật: 17/06/2009
Theo thống kê sơ bộ, trong tháng 4 và 5/2009 có khoảng 10 người bị chết đuối tại các bãi biển trên toàn quốc. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ tại các khu nghỉ mát vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trong chuyến công tác tại Thừa Thiên Huế, bác sĩ Thân Vân Tuệ (Viện Sức khỏe tâm thần) bị chết đuối tại bãi biển Lăng Cô, sau 7 ngày mới tìm thấy xác. Một người đi cùng đoàn công tác với bác sĩ Tuệ kể, ngay sau khi thấy đồng nghiệp bị sóng cuốn trôi, cả đoàn nháo nhác đi tìm lực lượng cứu hộ. Nhưng dọc bờ biển ngày hôm đó không thấy bóng dáng nhân viên cứu hộ, thậm chí phương tiện cứu hộ cũng không có.

Trước sự việc trên, ông Nguyễn Quốc Thành, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Thừa - Thiên Huế cho biết, để bảo đảm an toàn cho du khách, hằng năm, nhiều đợt tập huấn cho huấn luyện viên cứu đuối, cứu nạn tại các bãi biển được tổ chức. Ông Thành còn khẳng định, tất cả bãi biển lớn nhỏ của Thừa Thiên Huế đều có lực lượng cứu đuối. Tuy nhiên, họ không đủ quân số để có mặt khắp bờ biển trải dài hàng chục ki-lô-mét. Đặc biệt, vào những dịp cao điểm, khách đi nghỉ đông, lực lượng cứu hộ cũng không thể quản lý được.

Ngay trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, tại biển Cửa Lò, có 4 người bị chết đuối. Bởi vì lực lượng cứu hộ tại đây quá "mỏng", phương tiện cứu đuối thì thô sơ. Với 32 người nên cứ 400m bờ biển mới có một nhân viên cứu hộ. Phương tiện cứu hộ chỉ có 6 chiếc xuồng và 5 mô tô nước, quá thô sơ nên dễ bị lật khi gặp sóng lớn.

Còn tại bãi biển Đà Nẵng hiện có 15 tổ cứu hộ. Mỗi tổ gồm có 3 người chia thành 2 nhánh chính. 45 người phải bao quát vài chục bãi biển lớn nhỏ dài đến hàng chục ki-lô-mét nên hoạt động cứu hộ ở đây cũng tỏ ra thiếu hiệu quả.

Theo ban quản lý các bãi biển, người bị chết đuối thường do gặp phải sóng to, dòng nước xoáy, bị chuột rút, bơi quá xa... Nhiều người gặp nạn là do chủ quan vì biết bơi. Vì vậy, trong khi chưa thể trông chờ vào cứu hộ, để bảo đảm an toàn, du khách tự bảo vệ mình bằng việc trang bị các phương tiện cần thiết như áo phao, phao ôm loại tốt; chấp hành những quy định của ban quản lý bãi biển về thời gian tắm, mốc ranh giới khu vực nguy hiểm, những thông báo trên hệ thống loa phát thanh về tình hình biển động, nước thủy triều lên. Đặc biệt, với những người mắc bệnh về tim mạch, huyết áp hoặc sau khi uống rượu thì hạn chế đi tắm biển.

Nguồn: HNM