Hướng tới mục tiêu thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại - Bình Định

Cập nhật: 14/12/2022
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cho biết, việc xúc tiến thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại nhằm bảo tồn giá trị đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù của vùng đất ngập nước đầm Thị Nại, bảo tồn các loài nguy cấp, đặc biệt gia tăng quần thể các loài chim di trú nguy cấp toàn cầu; đảm bảo tính kết nối với các sinh cảnh liên kết trong khu vực.

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp quản lý, bảo tồn hệ sinh thái đầm Thị Nại theo quy hoạch, hướng tới thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại sau này. Qua đó, thúc đẩy việc sử dụng và phát triển bền vững dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Định. Đồng thời, góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái ở vùng đất ngập nước ven biển, đảm bảo an ninh môi trường và sự phát triển bền vững, thích ứng và giảm nhẹ ảnh hưởng biến đổi khí hậu.

Theo đó, Bình Định sẽ thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước đầm Thị Nại trên cơ sở kiện toàn Ban quản lý Khu sinh thái cồn chim - đầm Thị Nại có chức năng quản lý. Ban quản lý sẽ tiến hành đợt đánh giá đầu tiên về hiệu quả quản lý trong năm 2025 thông qua tiến độ thực hiện các hoạt động đã thực hiện trong 3 năm. Sau khi có kết quả giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý khu bảo tồn, xác định các hoạt động tiếp tục thực hiện các năm tiếp theo của kế hoạch quản lý (2025-2030).

Đầm Thị Nại nằm trên địa bàn huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn, đã được đưa vào danh mục các khu bảo tồn quy hoạch theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đầm Thị Nại được quy hoạch với diện tích 5.000 ha, phân hạng khu dự trữ thiên nhiên, phân loại đất ngập nước và phân cấp cho UBND tỉnh Bình Định quản lý.

Sở TNMT tỉnh Bình Định đẩy mạnh tham mưu UBND tỉnh xúc tiến thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại. Ảnh: D. Nhân 

Những năm qua, tỉnh Bình Định cũng đã thực hiện một số nhiệm vụ bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái của đầm Thị Nại, như phân vùng khai thác để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ người dân sống ven đầm vay vốn đầu tư nuôi trồng thủy sản, phát triển trồng rừng ngập mặn. Đến nay toàn tỉnh có 88,11 ha rừng ngập mặn tập trung ở khu vực các bãi triều, bờ bao khu vực đầm Thị Nại và đầm Đề Gi, trong đó 53 ha rừng đã lên xanh - đây là những diện tích rừng được trồng và bảo vệ trong giai đoạn 2010 - 2020, và 35,41 ha mới trồng trong thời gian gần đây. Theo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn giai đoạn 2021 - 2025, Sở NNPTNT giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức trồng mới thêm 10 ha rừng ngập mặn ở các khu vực còn trống, các bờ bao…; phối hợp với các hộ dân được giao khoán thực hiện chăm sóc, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, đầm Thị Nại vẫn chịu nhiều tác động và áp lực từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Do đó, UBND tỉnh giao Sở TNMT thực hiện nhiệm vụ lập dự án thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại. 

Dự án được Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp đơn vị tư vấn là Viện TNMT thực hiện từ năm 2021 - 2022. Kết quả điều tra, nghiên cứu dữ liệu bảo tồn đa dạng sinh học đầm Thị Nại cho thấy, hệ thực vật đầm Thị Nại được thống kê có 145 loài, cập nhật thêm 4 loài; khu hệ động vật đáy xác định được 191 loài, cập nhật thêm 4 loài; ghi nhận 126 loài cá, cập nhật thêm 15 loài; 103 loài chim, cập nhật thêm 13 loài. Nhóm nghiên cứu cũng đã xác định 225 loài động, thực vật theo danh lục Sách Đỏ Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế được ghi nhận theo các cấp độ khác nhau, không ghi nhận loài đặc hữu nào tại đây. Trong tổng số 574 loài sinh vật có vùng phân bố tại đầm Thị Nại thuộc 12 ngành sinh vật trong cả hai giới động vật và thực vật, không ghi nhận loài đặc hữu nào.

Bùi Nam

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 09/12/2022