Đề án Phát triển thành phố đảo Phú Quốc: Coi trọng việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên

Cập nhật: 14/07/2009
Phú Quốc là một trong những hòn đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất ở nước ta, là một hòn đảo có tài nguyên rừng và tài nguyên biển vô cùng phong phú và nổi tiếng. Theo định hướng của chính phủ, đến năm 2030 sẽ hoàn thành cơ bản việc xây dựng đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch và du lịch sinh thái biển phát triển ở trình độ cao, thu hút từ 2 đến 3 triệu lượt khách mỗi năm.

Hiện nay phân viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn miền Nam đang tiến hành điều chỉnh chung xây dựng đảo Phú Quốc theo định hướng này trên cơ sở quan tâm đến đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên.

Cân bằng giữa quy hoạch phát triển và bảo vệ môi trường là vấn đề không hề dễ dàng!
Tại các buổi làm việc với tỉnh Kiên Giang, chính phủ đề nghị tỉnh nhanh chóng đề xuất các hướng giải pháp cụ thể, trên nhiều lĩnh vực để Phú Quốc phát triển nhanh hơn, và đặc biệt phải theo định hình quy hoạch để trở thành một hòn đảo được phát triển một cách bền vững và hiện đại, như một kiểu mẫu về phát triển KT-XH cho các hải đảo ở nước ta. Theo ông Trương Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang thì một trong những giải pháp để Phú Quốc trở nên hấp dẫn và hiện đại hơn là một mô hình cơ chế quản lý rộng kiểu như khu kinh tế mở Chu Lai, cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thuận lợi vào các lĩnh vực trên đảo. Ngày 12/7/2009, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức một cuộc họp khẩn để thông qua Đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố Phú Quốc trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, để trở thành một thành phố đảo theo đúng nghĩa thì Phú Quốc còn rất nhiều việc phải làm. Các nhà khoa học trên thế giới đã cảnh báo rằng Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khi hậu toàn cầu, đặc biệt là vấn đề nước biển dâng tại các đảo và hải đảo. TS. Nguyễn Chí Thành, nguyên Phân viện trưởng Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Nam Bộ cho biết: “vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là nước biển dâng phải được coi là yếu tố quan trọng, là một kịch bản khi quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc và cần được coi là tầm nhìn của quy hoạch chung phát triển thành phố đảo Phú Quốc đến năm 2030 và sau năm 2030”. Cũng theo ông Thành thì trong suốt một thời gian dài, tài nguyên rừng ở Phú Quốc đã bị tác động mạnh. Theo kết quả điều tra về tài nguyên động vật rừng của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Khoa học - Công nghệ)  năm 2003, Vườn quốc gia Phú Quốc có 208 loài động vật hoang dã, trong đó có 28 loài thú, 119 loài chim và 14 loài lưỡng cư.

Trong những năm 1975 đến 1980, tài nguyên động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Phú Quốc vô cùng phong phú do rừng còn được bảo tồn. Tuy nhiên, sau này rừng bị khai thác mạnh nên đã làm suy giảm tài nguyên động vật hoang dã. May mắn là hiện nay, vườn quốc gia Phú Quốc vẫn còn 314 ha rừng nguyên sinh ít bị tác động bởi nước biển dâng và nằm ở khu bảo vệ nghiêm ngặt. Kết cấu tán của rừng chưa bị phá vỡ. Những khu rừng nguyên sinh như thế này trên thế giới không nhiều vì chỉ tính riêng đến tiêu chí thời gian thì phải mất hàng trăm năm hình thành và nếu mất đi sẽ không bao giờ khôi phục lại được.

Do đó, đặt ra vấn đề giữa bảo tồn và phát triển phải là 2 mặt có mối quan hệ biện chứng với nhau, vừa đồng thuận, vừa mâu thuẫn lẫn nhau. Mục tiêu phát triển Phú Quốc đã được xác định rõ, trong tương lai sẽ trở thành một thành phố đảo hiện tại, nhưng song song với đó chúng ta cần phải giữ gìn và bảo tồn các giá trị của vùng đất này. Trong đó, một trong những giá trị quan trọng nhất cần được bảo tồn là các sinh vật tự nhiên, các hệ sinh thái  của tự nhiên, các loài động vật, thực vật đặc hữu, quý, hiếm.

Một vấn đề nữa là trong quy hoạch phải tính đến cả lợi ích của người dân tại chỗ. Họ chính là trung tâm của các kịch bản quy hoạch phát triển. Phải làm sao nền kinh tế của thành phố Phú Quốc phát triển thì sinh kế của những người dân trên đảo phải được ổn định và thu nhập của họ phải ngày càng được cải thiện. Theo số liệu điều tra gần đây của Phân viện Quy hoạch Thiết kế Nông nghiệp miền Nam, số hộ nông dân có nhà kiên cố trên đảo Phú Quốc chỉ chiếm khoảng 10%, nhà bán kiên cố cỡ khoảng 60% và số hộ nông dân có nhà tạm khoảng 30%. Do đó việc nâng cấp nhà ở cho các hộ nông dân là một nhu cầu cấp bách, cần được ưu tiên trong quá trình phát triển Phú Quốc.

 

Nguồn: Theo Đại đoàn kết