Doanh nghiệp Du lịch: Chung sức vì một Hạ Long xanh

Cập nhật: 22/07/2009
Công ty CP Du thuyền Đông Dương (trụ sở tại 73, Lê Thánh Tông, TP Hạ Long) có 10 chiếc tàu du lịch tham quan Vịnh Hạ Long. Có thể nói, so với nhiều doanh nghiệp khác đang kinh doanh loại hình này trên Vịnh thì Đông Dương chỉ là một doanh nghiệp nhỏ về quy mô; thế nhưng đây lại là doanh nghiệp có ý thức cũng như sự đóng góp vào bảo vệ, giữ gìn môi trường Vịnh Hạ Long đáng được ghi nhận...

Tháng 3/2008, Công ty CP Du thuyền Đông Dương phối hợp với Công ty TNHH Dấu Chân Việt Nam và Công ty TNHH Cánh Buồm Nhiệt Đới tổ chức tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường và cấp phát dụng cụ đựng rác miễn phí cho bà con ngư dân làng chài Vông Viêng. Đây có thể coi là bước khởi đầu của chương trình ''Vì một Hạ Long xanh'' mà Giám đốc Công ty Đông Dương - anh Đoàn Văn Dũng - hằng ấp ủ. Tháng 6/2008, được phép của cơ quan chức năng, Đông Dương đã cùng với 2 doanh nghiệp lữ hành chủ trì cho sự ra đời của HTX Dịch vụ vạn chài Hạ Long tại làng chài Vông Viêng, với chức năng chuyên đưa đón khách tham quan làng chài bằng thuyền nan, đồng thời tổ chức thu vớt rác làm sạch môi trường. Sau 1 năm, hoạt động của HTX đến nay đã và đang đi vào ổn định. Thu nhập của 25 xã viên (đều là người dân làng chài) đạt bình quân hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy, các xã viên rất phấn khởi, tích cực gắn bó với công việc. Vừa qua, có dịp đến làng chài Vông Viêng, tôi đã chứng kiến rất nhiều du khách nước ngoài đã chọn loại hình du lịch bằng thuyền nan của HTX để tham quan làng chài và khu vực xung quanh. Theo quy định của HTX, các xã viên khi chèo thuyền đều mặc áo nâu bạc, đội nón (hoặc mũ) lá; mỗi du khách xuống thuyền cũng được phát nón lá (dành cho nữ) hoặc mũ lá (dành cho nam). Đặc biệt, trên mỗi thuyền đều có chiếc vợt để vớt rác. Nhìn nét mặt du khách có thể thấy họ rất thích thú với kiểu du lịch thế này. Có lẽ hoạt động của HTX Dịch vụ Vạn chài Hạ Long đã tác động đáng kể tới ý thức của người dân làng chài Vông Viêng, bằng chứng là môi trường ở khu vực này hiện đã sạch sẽ hơn trước rất nhiều. Ông Vũ Văn Hùng, khu trưởng Vông Viêng - Cống Đầm, cho tôi biết ông đang chuẩn bị vận động các gia đình trong làng chài đầu tư lắp ''pô'' ống xả máy tàu để tiếng máy êm hơn, không ảnh hưởng đến du khách khi đến thăm làng chài...

Tiếp tục chương trình ''Vì Hạ Long xanh'', vừa qua, được phép của BQL Vịnh Hạ Long, Công ty Đông Dương đã phối hợp với một số doanh nghiệp lữ hành tổ chức cho du khách đến Vịnh Hạ Long trồng rừng ngập mặn tại khu vực làng chài Cống Đầm. Cũng theo Giám đốc Đoàn Văn Dũng, anh muốn khôi phục rừng ngập mặn ở đây, bởi có rừng thì môi trường mới bền vững, bà con mới nuôi cá lồng bè được. Ý tưởng của anh được đông đảo du khách và người dân làng chài nhiệt tình ủng hộ. Tuy nhiên, cả 3 lần trồng đều không có cây nào sống nổi. Không nản lòng, anh đã cho vời hai chuyên gia về trồng rừng ngập mặn của Trung tâm Khoa học và Sản xuất Lâm - Nông nghiệp Quảng Ninh là kỹ sư Đỗ Thanh Vân và kỹ sư Nguyễn Văn Hải trực tiếp đi khảo sát, tìm giải pháp khắc phục. Theo kết luận của 2 chuyên gia, hoá ra nguyên nhân cây chết đơn giản là các loài cây rừng ngập mặn chỉ có thể ươm rồi trồng mới sống được. Sau chuyến đi khảo sát thực địa, cả hai kỹ sư hứa tới đây sẽ hỗ trợ về ươm giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc để việc trồng rừng đạt kết quả.
 

Cũng xin nói qua đôi chút về người xây dựng ý tưởng chương trình ''Vì một Hạ Long xanh'' - anh Đoàn Văn Dũng, năm nay anh 37 tuổi. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đưa đón khách trên Vịnh sử dụng những con tàu lớn hàng chục buồng, thì Đông Dương lại chọn hướng đi riêng bằng cách đóng những con tàu nhỏ từ 3 đến 7 buồng, tuy nhiên không thua kém về trang thiết bị hiện đại. Đối tượng mà Đông Dương nhắm đến là những nhóm khách nhỏ, gia đình, đôi tình nhân đi nghỉ trăng mật. Một điểm khác biệt nữa là thay vì đi theo tour, tuyến, Đông Dương thường tư vấn cho khách của mình về những điểm tham quan, chú trọng đến những di tích lịch sử như đảo Quan Lạn, Ngọc Vừng, điểm du lịch sinh thái như Ba Mùn, Minh Châu... Theo giám đốc Dũng thì những chuyến đi kiểu đó thường làm du khách rất bất ngờ, thú vị. Trả lời câu hỏi của tôi rằng giữa bao việc kinh doanh phải lo, Đông Dương cũng như cá nhân anh sao còn thời gian, công sức cho chương trình ''Vì một Hạ Long xanh”, anh Dũng cho biết: ''Tôi chỉ có một suy nghĩ đơn giản rằng, chúng tôi và cả nhiều doanh nghiệp khác đã được hưởng lợi từ chính Vịnh Hạ Long. Vậy thì điều tất nhiên là mình phải làm một cái gì đó hữu ích để ''trả nợ'' di sản''. Cũng với quan điểm như thế, ngày 8/7/2009 vừa qua, đích thân anh Dũng và các cộng sự đã đến trụ sở BQL Vịnh Hạ Long trao 10 triệu đồng ủng hộ việc tái bản bộ sách giáo dục môi trường di sản Vịnh Hạ Long.
 

Từ cách làm của Công ty Đông Dương, hy vọng tới đây sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp đã và đang hưởng lợi từ Vịnh Hạ Long có cách ứng xử với di sản như vậy.

Nguồn: vtr.org.vn