Bảo vệ di sản văn hóa nhân loại đối diện nhiều thách thức

Cập nhật: 28/02/2023
Nhiều di sản văn hoá trên toàn thế giới đang đứng trước những mối đe doạ của sự phát triển du lịch quá mức, các cuộc xung đột vũ trang, và tác động của biến đổi khí hậu, khiến các nỗ lực bảo vệ ngày càng gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn.

Quyết định gây tranh cãi tại thành phố di sản Vienna

Tính đến tháng 1/2023, trải qua hơn 5 thập kỷ, danh sách của UNESCO đã công nhận 1.157 di sản thế giới có giá trị nổi bật của nhân loại nhằm đưa ra nhiều biện pháp để bảo vệ. Tuy nhiên, đi kèm với đó, sự bảo tồn các di sản này lại gặp những thách thức đến từ phát triển hoạt động du lịch quá mức.

Rạn san hô Great Barrier (Úc) đối mặt với nguy cơ suy thoái vì biến đổi khí hậu.

Vào tháng 12/2016, chính quyền thành phố Vienna (Áo) đã công bố việc xây dựng một sân trượt băng khổng lồ ngay bên ngoài toà nhà Wiener Konzerthaus có tuổi đời hàng thế kỷ của thành phố.

Đối với người dân và những du khách đã từng đến thăm nơi sinh ra nhiều danh nhân thế giới như Beethoven, Mozart và Freud, đây có thể là một ý tưởng đáng hoan nghênh và không có gì gây tranh cãi. Trước hết, kiến trúc của thành phố Vienna đầy thơ mộng với những cung điện phong cách baroque, những quảng trường rộng lớn và toà thị chính theo phong cách neo-Gothic, tạo ra một không gian tuyệt vời, đầy lãng mạn. Tiếp theo, người Áo yêu thích các môn thể thao mùa đông, trượt băng cũng là một trong số đó. Việc xây dựng một sân trượt băng theo mùa, hay còn gọi là “Eistraum” (Giấc mơ băng giá) kể từ năm 1996 tại trung tâm Vienna đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan.

Tuy nhiên, ý tưởng này lại vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO. Uỷ ban này đã ban hành một sắc lệnh cho rằng, khu phức hợp mới sẽ làm suy yếu “giá trị phổ quát nổi bật” của khu di sản tại trung tâm Vienna. Khu vực di sản tại trung tâm thành phố của Vienna đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 2001, cùng với hơn 1.100 địa danh di sản khác trên toàn cầu. Với tuyên bố phản đối sân trượt băng cố định vào năm 2017, Ủy ban Di sản Thế giới đã đưa Vienna vào danh sách “gặp nguy hiểm” - cùng với 50 địa điểm đang bị đe dọa khác, từ những ngôi làng cổ kính ở miền bắc Syria đến Công viên Quốc gia Everglades ở Florida (Mỹ). Nếu thành phố không giải quyết thỏa đáng các mối quan ngại của ủy ban, điểm đến này có nguy cơ bị xoá tên vĩnh viễn trong danh sách của UNESCO.

Tổ chức UNESCO được thành lập vào năm 1945 với tư cách là một tổ chức đẩy mạnh các nỗ lực toàn cầu thời hậu chiến, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về văn hoá và nền hoà bình. Hai mươi bảy năm sau, các quốc gia tham gia đã phê chuẩn Công ước Di sản Thế giới của UNESCO đều phải cam kết và nỗ lực bảo vệ các địa điểm lịch sử quan trọng khỏi những mối đe doạ như xung đột quân sự, thiên tai, áp lực kinh tế…

Bảo vệ một khu vực đô thị sầm uất như trung tâm thành phố di sản Vienna là một đề xuất đầy khó khăn của UNESCO. Tuy nhiên, tổ chức này cùng với chính quyền địa phương đã làm được điều này kể từ đầu thế kỷ 21. Điều quan trọng nhất đối với chương trình bảo vệ di sản của UNESCO là thúc đẩy nhận thức về văn hoá bằng cách thu hút sự chú ý đến các khu di tích, cảnh quan và môi trường sống tiêu biểu trên khắp thế giới. Tuy nhiên, mặt trái chính là sự phát triển du lịch ồ ạt, thiếu kiểm soát, gây tác động tiêu cực đến các khu vực di sản.

Các thách thức đối với bảo vệ di sản

Việc được công nhận là Di sản Thế giới chắc chắn mang lại nhiều lợi ích đối với những điểm đến di sản bị cô lập, gặp khó khăn về kinh tế để thu hút du khách. Đơn cử, phố cổ Hội An, từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, gồm những di sản kiến trúc đã có từ hàng trăm năm trước, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1999. Theo hồ sơ theo dõi của UNESCO, “Hội An từng là một ngôi làng yên tĩnh trên bờ biển miền Trung của Việt Nam, giờ đây đang phải đối mặt với lượng khách đông đúc mà vào một số thời điểm, những con đường chật hẹp của nó không thể chứa hết được”.

Quyết định xây dựng sân băng bên ngoài toà nhà Wiener Konzerthaus tại Vienna (Áo) vấp phải sự phản đối của UNESCO.

Một số địa phương đã thành công trong việc tự mình quản lý tình trạng quá tải du lịch, như thành phố Dubrovnik (Croatia), dưới áp lực của UNESCO, đã ban hành quy định giới hạn số lượng du khách trong khu vực trung tâm.

Mặt khác, những ngôi đền từ thế kỷ 12 tại Angkor Wat (Campuchia) đã từng chỉ là điểm đến của các linh mục. Điểm đến này đã thu hút 22.000 du khách hàng năm. Sau khi được công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1992, con số ước tính là 5 triệu khách mỗi năm và dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025. Tại Angkor Wat, UNESCO cùng với chính quyền địa phương đã phải áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ và mô hình quản lý điểm đến với hàng triệu du khách và một lượng dân cư địa phương đông đúc. Tổ chức này cũng đã chỉ ra, du lịch đại chúng ồ ạt đã đe dọa đến mực nước ngầm của khu vực, từ đó gây nguy hiểm cho sự ổn định của chính các ngôi đền.

Đáng nói, công cuộc bảo vệ các di sản thế giới còn đứng trước mối đe doạ từ những cuộc xung đột vũ trang. “Nạn nhân” điển hình là những kho báu di sản quốc gia tại các thành phố cổ Aleppo (Syria) và thành phố cổ Sana’a (Yemen) đều là mục tiêu của những cuộc tấn công quân sự. Một câu chuyện khác không kém phần đau xót và bi thảm là sự tàn phá của Taliban đối với các tượng Phật Bamiyan khổng lồ ở Afghanistan vào năm 2001.

Trong suốt lịch sử hơn nửa thế kỷ bảo vệ các di sản văn hoá, chương trình Di sản Thế giới của UNESCO chỉ hủy bỏ ba địa điểm trong danh sách. Đó là hệ sinh thái sa mạc của Oman thuộc Khu bảo tồn Oryx (Ả Rập); Thung lũng Elbe của Dresden (Đức); và trung tâm lịch sử và bến tàu Liverpool (Anh). Nguyên nhân chính là chính phủ những điểm đến này đã thực hiện các dự án phát triển, cải tạo các điểm đến này, làm thay đổi các giá trị di sản, bất chấp sự phản đối liên tục của UNESCO.

Tuy nhiên, cho đến nay các nỗ lực bảo vệ di sản của UNESCO vẫn tiếp tục gặp nhiều thách thức. Đơn cử, chính phủ Lào đang tiến hành kế hoạch xây dựng một con đập trên sông Mekong gần cố đô Louangphabang, bất chấp việc UNESCO nhấn mạnh rằng phải tiến hành đánh giá tác động di sản trước khi thực hiện.

Nguy cơ từ biến đổi khí hậu

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu chính là một “kẻ thù” của công tác bảo vệ di sản nhân loại. Năm 2007, các nhà khoa học của UNESCO đã cảnh báo về mối đe doạ ngày càng gia tăng từ biến đổi khí hậu đối với 26 di sản thế giới, gồm các khu vực sông băng và điểm nóng về đa dạng sinh học, hay các điểm đến khảo cổ như thành phố Chan Chan (Peru).

Ví dụ điển hình là Rạn san hô Great Barrier (Úc) được công nhận là Di sản Thế giới từ năm 1981. Năm 2021, UNESCO đã cảnh báo sẽ đưa hệ sinh thái san hô rộng lớn này vào danh sách “đang bị đe dọa” nếu chính phủ Úc không nỗ lực hơn nữa để giảm lượng khí thải nhà kính. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử biến đổi khí hậu được đưa vào một cảnh báo như vậy. Mặc dù chính phủ Úc được cho là đã cam kết chi khoảng 125 triệu đô la để bảo vệ rạn san hô, nhưng những chính sách khí hậu của quốc gia này vẫn chưa quy định cụ thể các hành động giảm phát thải khí carbon.

Biến đổi khí hậu với các hiện tượng như nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, lượng mưa thất thường, thiên tai cực đoan, khó lường trước đang ảnh hưởng đến những điểm đến dễ bị tổn thương đầu tiên, ví như các điểm đến di sản ven biển.

Có lẽ di sản thế giới có nguy cơ nổi tiếng nhất là Venice (Ý). Thành phố đầm phá đã đồng thời bị bao vây bởi tình trạng quá tải du lịch (25 triệu du khách vào năm 2019) và lũ lụt ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vào năm 2021, một lần nữa UNESCO đã quyết định không đưa Venice vào danh sách “nguy hiểm”. Chính phủ Ý đã ban hành lệnh cấm đối với các tàu du lịch lớn. Bắt đầu từ tháng 1/2022, Venice sẽ là thành phố đầu tiên trên thế giới thu phí vào cửa, với hy vọng điều này sẽ làm chậm lại lượng du khách đổ về.

Đỗ Trang

Nguồn: Báo Pháp luật - baophapluat.vn - Đăng ngày 26/02/2023