Khai thác đa dạng điều kiện tự nhiên và giá trị văn hóa trong phát triển du lịch ở Bình Dương - Bài 2

Cập nhật: 09/03/2023
Tỉnh Bình Dương thuộc vùng Đông Nam bộ, vùng đất với lịch sử khai phá bởi người Việt hơn 300 năm trước. So với các tỉnh, thành trong vùng, Bình Dương có nhiều nét độc đáo riêng về văn hóa và điều kiện tự nhiên là tài nguyên để phát triển du lịch.

Tài nguyên tự nhiên, nhân văn

Tỉnh Bình Dương có tài nguyên du lịch tương đối độc đáo về sông, hồ nhờ có các sông Sài Gòn, Ðồng Nai, Thị Tính, sông Bé; các hồ nước ngọt lớn như Dầu Tiếng, Đá Bàn, Phước Hòa… tạo nên cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái đa dạng. Trên địa bàn tỉnh có những vườn cây trái xanh tươi, với những làng quê trù phú, rất thích hợp cho việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá miền sông nước. 

Trải nghiệm tham quan các điểm du lịch tại Bình Dương bằng xe đạp. Ảnh: Hồng Thuận

Sau hơn 26 năm phát triển, Bình Dương hiện nay đã là tỉnh công nghiệp, với 29 khu công nghiệp hiện đại. Đặc biệt, 3 Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và một số khu công nghiệp liên kết với Nhật Bản được thiết kế theo mô hình xanh, kết hợp giữa sản xuất - dịch vụ - vui chơi giải trí với khu dân cư hiện đại. Đây là những điều kiện để tỉnh vừa có thế mạnh để tổ chức các tour du lịch trải nghiệm, sinh thái, khám phá, tâm linh, lại vừa có thể đẩy mạnh các loại hình mới như du lịch công nghiệp, du lịch hội thảo, du lịch sự kiện…

Về tài nguyên nhân văn, với sự cần cù, sáng tạo của nhiều lớp di dân người Việt, Hoa và một số tộc người khác, cư dân Bình Dương từ xưa đã tạo dựng được nhiều giá trị văn hóa đa dạng và độc đáo. Nhờ biết tận dụng các điều kiện tự nhiên, sông nước bao quanh, nhiều làng nghề truyền thống hơn 300 năm tuổi đã khẳng định vị trí trên thương trường. Điển hình là các làng gốm, sứ (Thuận An, Dĩ An); guốc mộc, sơn mài (Thủ Dầu Một); đan mây tre (Tân Uyên)… 

Bình Dương hiện có 13 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và 50 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, với những địa danh đi vào lịch sử, như nhà tù Phú Lợi, Ðịa đạo Tam giác sắt, Chiến khu Ð, chùa Hội Khánh, nhà cổ… Cùng với nhiều địa danh nổi tiếng từ lâu như vườn cây ăn trái đặc sản ở Lái Thiêu, Thanh Tuyền, vùng cây có múi ở cù lao Bạch Đằng, Thạnh Hội, Bắc Tân Uyên… quanh năm xanh tốt, trái chín trĩu cành. Các vườn cây công nghiệp vừa khai thác kinh tế, vừa phục vụ nghiên cứu khoa học như các vùng cây cao su, vườn tre Phú An, các nông trại nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức quy mô cấp vùng, thu hút khách thập phương, điển hình là lễ hội chùa Bà dịp Rằm tháng giêng hàng năm. 

Tỉnh Bình Dương có nhiều khu phức hợp vui chơi, giải trí, ẩm thực độc đáo, quy mô lớn, như Khu Lạc cảnh Đại Nam văn hiến, khu du lịch Thủy Châu...

Tuy nhiên, dù đã có rất nhiều cố gắng trong những năm qua, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng du lịch Bình Dương phát triển chưa xứng tầm, chưa khai thác hết các thế mạnh để thu hút nhiều du khách. Các sản phẩm du lịch chưa thật sự hấp dẫn và chưa tạo được sự khác biệt. Các hãng lữ hành chủ yếu là đưa khách đi các tỉnh, thành khác mà chưa có nhiều tour đón khách về Bình Dương. Khách đến Bình Dương chủ yếu đi về trong ngày, số lưu trú qua đêm còn ít, số ngày lưu trú bình quân còn thấp so với các tỉnh, thành phố trong vùng. Còn thiếu nhiều cơ sở lưu trú đạt chuẩn sao các hạng. Đội ngũ nhân viên du lịch nhìn chung còn thiếu về số lượng và yếu về tay nghề. 

Giải pháp góp phần thúc đẩy du lịch Bình Dương phát triển bền vững

Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, tháng 10-2020, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Dựa trên lý thuyết về “trường tự nhiên” và “trường văn hóa” trong phát triển du lịch, để phát triển du lịch tỉnh nhà một cách hiệu quả, bền vững nên tập trung triển khai tốt một số giải pháp. Đó là: Đầu tư nghiên cứu, phân loại, nắm vững những thế mạnh của các vùng địa lý - tự nhiên đặc thù, các khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - dân cư xanh trên địa bàn toàn tỉnh để từ đó có chính sách khai thác phục vụ du lịch phù hợp, hiệu quả. 

Khách tham quan, tìm hiểu một cơ sở sản xuất, kinh doanh chuối ở huyện Phú Giáo. Ảnh: Hồng Thuận

Với các con sông lớn, nên liên kết với các tỉnh thuộc lưu vực cùng tổ chức tour - tuyến, kết hợp các loại hình trải nghiệm trên bờ để tăng thời gian tham quan. Đầu tư xây dựng nhiều bến thủy nội địa, các khu điểm dịch vụ nghỉ ngơi, giải trí, ẩm thực ven sông để phục vụ nhu cầu của du khách. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có và phát triển sản phẩm du lịch mới khu vực vườn cây ăn trái Lái Thiêu (TP.Thuận An), vườn bưởi Bạch Đằng (TX.Tân Uyên), vườn cam, quýt, bưởi (huyện Bắc Tân Uyên), Di tích Lịch sử cách mạng rừng Kiến An (huyện Dầu Tiếng). 

Với các khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - dân cư xanh, nên bổ sung thêm chức năng khai thác du lịch trong xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh của cả khu và từng doanh nghiệp. Tăng cường quảng bá về loại hình du lịch công nghiệp ra bên ngoài để các đối tác có nhu cầu biết và phối hợp khai thác; tổ chức các tour để du khách vừa tham quan các khu công nghiệp, nghỉ dưỡng, vui chơi, vừa kết hợp đầu tư.

Với các tài nguyên nhân văn - văn hóa, tôn trọng bản sắc, nâng cao vai trò của chủ thể văn hóa. Địa phương nên xây dựng chiến lược bảo tồn nguyên trạng các làng - không gian cư trú xưa của dân gốc Bình Dương. Cần có biện pháp thiết thực trong bảo đảm sinh kế, ổn định kinh tế cho người dân các làng cổ này, giúp họ tích cực tham gia bảo tồn không gian cư trú và sinh hoạt văn hóa truyền thống. 

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học để sưu tầm, chuẩn hóa hệ giá trị văn hóa bản địa. Cần coi trọng và đầu tư để bồi đắp tính nguyên bản, đa dạng và tươi mới của “trường văn hóa” tại từng không gian cư trú, từng cộng đồng người. Khi đã làm tốt những điều này thì “trường văn hóa” đi liền sẽ rất mạnh mẽ, tươi mới và có sức hấp dẫn cao; sẽ chi phối một cách tích cực đến con người hơn. Nên coi hoạt động này như một sự đầu tư để phát triển tài nguyên văn hóa - thứ tài nguyên mà càng khai thác, càng phát huy thì càng phong phú và tăng trưởng bền vững, chứ không bị cạn kiệt đi. 

Chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh cần coi sự đa dạng giá trị văn hóa là một tài nguyên đặc trưng - một yếu tố đầu vào của hoạt động kinh doanh du lịch. Bảo đảm tốt sự phối hợp và tham gia của cộng đồng địa phương trong các hoạt động du lịch. Đáp ứng tốt nhất các nhu cầu nhiều mặt của khách du lịch từ việc khai thác tính đặc thù của đa dạng văn hóa bản địa, nhất là sự tươi mới của “trường văn hóa”. Bình Dương nên phát huy yếu tố ưu thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, làng nghề, trong các loại hình du lịch cộng đồng, làng nghề, du lịch sức khỏe, du lịch trải nghiệm tự nhiên, văn hóa ẩm thực. 

Về nguồn nhân lực du lịch, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực quản lý và nghiệp vụ cho lĩnh vực du lịch phục vụ khai thác các giá trị văn hóa, điều kiện tự nhiên của địa phương. Cùng với ngoại ngữ, các kiến thức chuyên môn khác, cần tăng cường cả thời lượng lẫn nội dung về đa dạng văn hóa và điều kiện tự nhiên của tỉnh. Nên đầu tư biên soạn những tài liệu chuẩn, thống nhất về đa dạng văn hóa và điều kiện tự nhiên của Bình Dương để đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ quản lý, nhân viên nghiệp vụ thuộc lĩnh vực văn hóa - du lịch trên toàn địa bàn. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành cho các chủ doanh nghiệp, chủ vườn, đội ngũ kinh doanh dịch vụ gắn với du lịch. 

Với các tour đến từ ngoài tỉnh, khi đến các khu/điểm tại địa phương cần yêu cầu kiểm tra hiểu biết của hướng dẫn viên hoặc cử hướng dẫn viên tại chỗ tham gia để bảo đảm tính chân thực, thống nhất khi giới thiệu về giá trị tự nhiên, văn hóa bản địa.

Đa dạng văn hóa và điều kiện tự nhiên là tài nguyên đặc thù, phản ánh tính độc đáo của một địa phương. Khai thác, phát huy tính đa dạng văn hóa - điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch phải được chú trọng từ chiến lược phát triển nói chung, cho đến kế hoạch cụ thể của toàn tỉnh và từng địa phương. Với ngành du lịch, việc chú trọng khai thác sự đa dạng văn hóa - điều kiện tự nhiên, coi đó là nguồn tài nguyên riêng có, một yếu tố đầu vào quan trọng, sẽ là những bước đi khôn ngoan và cần thiết để bảo đảm phát triển bền vững.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Trung Hưng

Nguồn: Báo Bình Dương - baobinhduong.vn - Đăng ngày 02/03/2023