Hãy cứu một thắng cảnh

Cập nhật: 05/08/2009
Địa danh mang tên hòn Chẹ nằm ở giáp ranh 3 tỉnh Phú Thọ, Hoà Bình và Hà Tây (nay là Hà Nội), giữa sông Đà và hệ thống núi Ba Vì linh thiêng. Tự xa xưa, núi Chẹ đã gắn với truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh. Hai ngọn núi đá vôi sừng sững của hòn Chẹ án ngữ một bờ sông Đà. Đỉnh núi hình đầu rồng hướng ra con sông mà cụ Nguyễn Tuân đã từng dành cho cả một thiên ký sự nổi tiếng.

Núi Chẹ - một kỳ quan của tạo hoá

Theo truyền thuyết, trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh, đây là mảnh đất giao tranh quyết liệt. Sơn Tinh đã bóc núi, ném về phía sông để tiêu diệt muôn loài thuỷ quái.

Hiện lên đỉnh Ba Vì, hẳn du khách còn có thể thấy vô vàn tảng đá cuội xếp chồng lớp lớp, ngay  trên bức vách phía sau đền Thượng thờ Tản Viên Sơn Thánh cũng có... Cũng đá núi Ba Vì đã được dùng để chặn nước dâng. Hòn Chẹ là khối đá lớn nhất, quyết định nhất, mà thần Tản đã ném về phía sông Đà để chặn nước dâng (tên Chẹ chính là từ đọc chệch của chữ Chặn).

Không chỉ gắn với truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, Hòn Chẹ còn là một kiệt tác của tạo hoá, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng từ lâu đời. Quả núi toạ lạc giữa nền đất bằng phẳng, vươn tới tận bờ sông. Khối núi vút lên cao vòi vọi giữa chốn sơn thuỷ hữu tình từng được người Pháp trước đây ví như một Nhà thờ Đức Bà (Notre Dame) ở trời Nam.

Trong lòng núi có hang đá mà trong thời chiến quân đội ta đã sử dụng làm công binh xưởng cung cấp vũ khí. Trong những năm 1960, đã có chủ trương lập hồ sơ để Nhà nước công nhận danh thắng Hòn Chẹ với đỉnh Hàm Rồng, nhưng tiếc thay...

Hòn Chẹ đã bị phá không thương tiếc

Quá trình gặm mòn hòn Chẹ đã xảy ra từ ngay sau khi hoà bình lập lại ở Miền Bắc, không phải bằng cuốc xẻng, mà bằng những trái mìn do Tổng cục Đường sắt và Tập đoàn Cửu Long 3 khai hoả vào tháng 2/1955.

Hơn nửa thế kỷ qua, núi Chẹ tiếp tục bị khai thác với tốc độ ngày càng chóng mặt. Hiện nay, mỗi ngày có trên 1000m3 đá núi Chẹ "đội nón ra đi". Chúng được vận chuyển bằng đường thuỷ, đường bộ, tấp nập ngày ngày. Người ta kìn kìn mang đi khỏi nơi đây những gì mà... ngày xửa ngày xưa Sơn Tinh đã dùng để đánh chặn Thuỷ Tinh...

Nhìn cảnh khai thác đá nham nhở, ai có dịp qua nơi đây hẳn đều thấy đau lòng. Đau lòng vì trong tương lai con cháu chúng ta sẽ không được chiêm ngưỡng một thắng cảnh mang hồn thiêng sông núi. Người dân vùng Ba Vì còn đau lòng hơn vì con cháu họ cũng sẽ không còn thấy ngọn núi là nguồn gốc của địa danh Chẹ quê hương.

Từ góc độ địa chất, có thể thấy núi Chẹ là núi đá vôi, được hình thành từ đáy biển từ hàng trăm triệu năm trước. Loại đá đó khác hẳn với các đá bazan và biến chất có trong khu vực, tạo nên một nét nhấn cực kỳ quan trọng về đa dạng địa chất của vùng. Đó cũng là tiêu chí để một vùng cảnh quan có thể xây dựng thành một công viên địa chất.

Việt Nam là một đất nước giàu có đá vôi vào loại nhất thế giới. Do vậy, việc khai thác đá vôi trong một quả núi thắng cảnh như núi Chẹ là một việc cần được bàn thảo lại một cách thật nghiêm túc.

Hiện nay một số nước trên thế giới thậm chí cấm khai thác bất cứ một quả đồi, ngọn núi nào, nghĩa là những tạo vật thiên nhiên nổi trên mặt đất, cốt để giữ gìn cảnh quan. Ở ta thì không có luật ấy, nhưng không phải vì thế mà chúng ta có quyền khai thác không xem xét đến hậu quả lâu dài không thể bù đắp.

Tại vùng biển tỉnh Kiên Giang có hòn Phụ Tử là một danh thắng nổi tiếng. Với người dân nơi đó, hình ảnh hòn Phụ Tử đã ăn sâu vào tiềm thức, kể cả khi họ không nhìn thấy thì nó vẫn hiển hiện trong lòng. Rồi, bỗng dưng sau một đêm ngủ dậy, người ta bàng hoàng, không thấy hòn "Phụ" đâu nữa.
Nó đã bị sập do tác động của nước biển lâu đời vào phần chân đã bị thót nhỏ của nó. Người ta bị hẫng hụt như mất một cái gì thật lớn lao, ngoài sức tưởng tượng. Có người nói sẵn sàng bỏ ra nhiều tỉ đồng để dựng lại hòn Phụ đó, cho hòn Phụ - Tử lại có đôi như trước. Nhưng xem chừng đó chỉ là một ý tưởng lãng mạn.

Quan sát những gì còn sót lại của hòn Chẹ, thiết nghĩ vẫn còn chưa thật muộn để cứu kỳ quan thiên nhiên này. Trước hết, cần có quyết định đình chỉ mọi việc khai thác đá vôi tại đây, chờ các quyết định tiếp theo của các cấp chính quyền và các bộ ngành liên quan. Một quyết định đúng đắn sẽ giúp cho con cháu chúng ta đời sau không phải đau lòng dùng bê tông, sắt thép để đắp lại một hòn Chẹ từng mang hồn thiêng sông núi.

 

Nguồn: LĐCT