Quảng Nam: Văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng

Cập nhật: 10/04/2023
Những năm gần đây, trong các cuộc vui của cộng đồng miền núi, bản sắc văn hóa được lồng ghép như một hoạt động khuyến khích giới thiệu, quảng bá các giá trị độc đáo đến du khách. Không chỉ “làm quen” với xu hướng du lịch xanh, việc xây dựng không gian sống mang đậm bản sắc truyền thống đang góp phần bảo tồn di sản người vùng cao.

Các “nghệ sĩ nhí” tham gia trình diễn tiết mục trống chiêng truyền thống Cơ Tu. Ảnh: A.Siu

Về xem “nghệ sĩ nhí” trổ tài

Sau thời gian ấp ủ, cuối cùng chương trình “Ngày hội thiếu nhi với văn hóa dân gian truyền thống” cũng được Liên đội Trường Tiểu học Sông Kôn (Đông Giang, Quảng Nam) tổ chức, hướng đến kỷ niệm 20 năm tái lập huyện (17/7/2003 - 17/7/2023).

Vì thế, rất đông người đến xem và cổ vũ, từ phụ huynh, du khách cho đến các nghệ nhân Cơ Tu ở các làng văn hóa cộng đồng. Ai cũng háo hức theo dõi màn trình diễn nghệ thuật văn hóa do các “nghệ sĩ nhí” thể hiện, sau thời gian tập luyện.

Thầy giáo Trần Tấn Viên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Kôn cho biết, chương trình ngoài mang ý nghĩa rèn luyện nâng cao thể chất, còn giáo dục và khuyến khích học sinh, đặc biệt là con em đồng bào Cơ Tu hiểu sâu hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Từ đó, có nhận thức đúng đắn và ứng xử trách nhiệm với nghệ thuật văn hóa dân gian trong đời sống cộng đồng. Xem ngày hội văn hóa này như hoạt động giáo dục bổ ích, mang tính nhân văn sâu sắc, nhiều phụ huynh rất quan tâm, ủng hộ và dành thời gian cùng con tập luyện, biểu diễn.

Theo thầy Viên, nhiều năm nay, nhà trường luôn đề cao vai trò văn hóa truyền thống trong trường học. Lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa, thầy cô giáo tuyên truyền đậm nét các nội dung văn hóa trong đời sống hiện nay, nhất là khuyến khích học sinh mặc sắc phục truyền thống khi đến trường.

“Thông qua các điệu múa truyền thống, nhà trường muốn giáo dục cho học sinh hiểu rõ hơn về vai trò và ý nghĩa của vũ điệu tâng tung da dá; giúp các em có thêm cơ hội được tiếp cận và biết cơ bản từng động tác múa, từng nhịp gõ trống, cách đánh chiêng... Hy vọng, đây sẽ là nền tảng giúp các em ngày càng tự hào và trân quý hơn về văn hóa nguồn cội” - thầy Viên chia sẻ.

Không nằm ngoài mục đích bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, tại hội trại chào mừng 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3) mới đây, nhiều trường học ở miền núi lồng ghép tổ chức hoạt động bằng chương trình nghệ thuật dân gian kết hợp ẩm thực truyền thống. Đêm lửa trại bừng sáng, giữa vòng tròn người dang rộng, những sắc màu truyền thống lung linh, tạo nên gam màu đẹp mắt, đầy cuốn hút.

Trong sắc hội làng

Dần thoát khỏi tư duy “e ngại” khi diện sắc phục truyền thống ở nơi đông người, đồng bào vùng cao bây giờ xem văn hóa thổ cẩm là niềm tự hào và trân quý. Điều đó rất dễ thấy trong mỗi dịp hội làng, lễ tết hay bất kỳ hoạt động nào của địa phương tổ chức, từng dòng người khoác lên mình màu sắc rực rỡ, tạo ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách.

Mới đây nhất, chương trình “Lễ hội mùa xuân” lần đầu tiên được khai mở tại Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang, thu hút hàng nghìn đồng bào địa phương tham gia với sắc phục truyền thống đầy quyến rũ.

Giữa kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ, sắc màu thổ cẩm hiện ra càng tô thêm vẻ đẹp núi đá huyền ảo. Không còn tâm lý ngại ngùng, những chàng trai, cô gái Cơ Tu xúng xính trong trang phục hoa văn hạt cườm kết hợp mã não, bước qua dòng người đông đúc tham gia các hoạt động trải nghiệm.

Ông Avô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, Quảng Nam nói, trang phục thổ cẩm, điệu múa trống chiêng hay ẩm thực truyền thống… bây giờ đã trở thành đặc sản du lịch cộng đồng thu hút du khách.

Tự hào với văn hóa cha ông, lớp trẻ Cơ Tu ngày nay càng tự hào và trân quý giá trị bản sắc; họ cùng tìm cách giới thiệu, quảng bá, đưa các sản phẩm văn hóa độc đáo ra thị trường trong nước và quốc tế.

“Chúng tôi luôn khuyến khích bà con tự tin mặc trang phục thổ cẩm tại các sự kiện cộng đồng; cũng như chế biến, tiếp đãi các món ăn truyền thống phục vụ du khách. Văn hóa được lồng ghép trong các chương trình nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng và trường học… vừa tạo không gian đa màu sắc, vừa góp phần quảng bá và bảo tồn các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc” - ông Phương nhấn mạnh.

Sau Tết Nguyên đán, rất nhiều sự kiện văn hóa vùng cao được tổ chức, từ lễ “Cúng máng nước” của người Xê Đăng ở Nam Trà My, “Tạ ơn rừng” của người Cơ Tu ở Tây Giang, cho đến ngày hội “Biên phòng toàn dân” diễn ra tại các xã biên giới Nam Giang, thu hút du khách ghé thăm và trải nghiệm… Ở tất cả chương trình này, sắc màu văn hóa hiện diện như một điểm nhấn, tạo dấu ấn bản địa đậm nét trong sản phẩm du lịch vùng cao.

 ALăng Ngước

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Ngày 09/04/2023