Một lần tới rừng Sác, Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh)

Cập nhật: 18/04/2023
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rừng Sác là nơi khắc ghi dấu ấn của Đoàn đặc công Rừng Sác (Đoàn 10) với những chiến công hiển hách: Đánh gần 600 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên địch, đánh chìm và đốt cháy 356 tàu chiến đấu, đánh đắm 13 tàu vận tải, bắn cháy 145 tàu vận tải khác, bắn rơi 29 máy bay trực thăng và thiêu hủy 110.000 tấn bom đạn, 250 triệu lít xăng dầu của địch... Đến thăm rừng Sác trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi càng thêm nể phục và tự hào với sự quả cảm, nỗ lực vượt khó bám rừng chiến đấu của các chiến sĩ đặc công anh hùng.

Khu di tích căn cứ Rừng Sác.

1. Rừng Sác đón chúng tôi bằng làn gió biển trong lành và “sự dạn dĩ đến táo tợn” của bầy khỉ. Ở ngay đầu đường dẫn vào Khu di tích lịch sử cấp quốc gia căn cứ Rừng Sác (còn có tên gọi khác là Khu Lâm viên Cần Giờ) là một khu rừng tràm bạt ngàn. Nhìn bầy khỉ tự do chạy nhảy, tự do “cướp” đồ ăn ngay trên tay du khách, tôi bật cười, nghĩ cũng vui vui, cảm giác được hòa vào thiên nhiên, hòa đồng với muông thú phải chăng cũng là “động lực” để các chiến sĩ đặc công ta sống và chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn, vô vàn khó khăn.

Vào thăm căn cứ rừng Sác, du khách phải đi bằng xuống máy bởi cả khu căn cứ này là khe, lạch chằng chịt, bùn nước quyện nhau. Lúc đoàn chúng tôi còn đợi đủ người xuống hết xuồng để khởi hành, cậu điều khiển xuồng ngước mắt nhìn trời rồi lại nhìn hút vào con lạch nhỏ lượn lờ quanh những gốc tràm rồi giục: “Các cô chú không vào nhanh trong rừng rồi ra nhanh thì không khéo phải ngủ lại trong cứ đó”. Tôi hỏi lại: “Sao vậy?”. Cậu điều khiển xuồng máy nói: “Thủy triều đang rút. Chậm trễ là xuồng không đi được trong bùn”.

Đúng là nước triều đang bắt đầu rút, làm lộ ra những chùm rễ tràm, rễ dừa nước. Cậu điều khiển xuồng máy cho biết: “Mặc dù “con đường” này hiện đã được khơi thông nhưng vẫn nhỏ hẹp, hai xuồng ngược chiều nhau không qua được nên Ban quản lý khu di tích đã tổ chức luồng lạch theo kiểu “đường một chiều”. Nghĩa là đường vào và đường ra riêng biệt, tạo thành một vòng tròn khép kín”. Tôi thích thú: “Thế càng hay bởi sẽ được đến, được đi qua nhiều điểm mà ngày trước đặc công ta ém quân”.

Đặc điểm nổi bật của rừng Sác là bùn nhão. Đó là thứ bùn lẫn với xác lá cây và lẫn với rễ cây, nên bùn rừng Sác một khi đã bám vào chân thì rất khó mà gỡ được. Đi trong thứ bùn ấy, phải gọi cho đúng là lội bùn, không hề dễ dàng gì. Theo như lời giới thiệu của cô thuyết minh viên có cái tên rất Nam Bộ - Năm Xiêm, cô gái trẻ đón đoàn chúng tôi ở ngay “cầu cảng” khi xuồng máy vừa cập đỗ - thì ngày trước, các chiến sĩ đặc công rừng Sác mỗi khi vận động từ trong cứ để bí mật tới vị trí mục tiêu phải “gồng” mình để rút từng chân lên, rất mất sức. Bấy giờ tôi mới nhìn kỹ hơn, đúng là xung quanh toàn bùn với bùn. Bùn quyện với rác như vô tình níu bước chân chiến sĩ. Tôi thắc mắc: “Cứ lội bộ trong bùn sệt à? Không có cách nào hay phương tiện khác để đi sao?”. Cô Năm Xiêm cười duyên dáng: “Có chứ chú”. Rồi cô nhẹ nhàng giải thích: “Lối đi trong cứ giờ được lát bằng những khúc gỗ tràm, mỗi khúc chừng một mét, tạo thành một lối đi cho du khách tham quan”. Nói rồi cô Năm Xiêm khoát tay một vòng. Theo cái khoát tay của cô gái, chúng tôi nhận ra những lối đi lát gỗ, hai bên lối đi đều có lan can cho người đi vịn tay. Những lối đi đó dẫn vào trong cứ và chốc chốc lại hiện ra một ngã ba. Đó là những lối dẫn tới từng điểm mà đặc công ta triển khai đội hình giấu quân.

Cô Năm Xiêm nói thêm: “Hồi trước, mấy chú đặc công ngoài sử dụng những con ghe nhỏ để đi lại ra thì còn sử dụng một cách đi khác rất hiệu quả”. Theo đó, đặc công ta đã chặt những thân tràm dài chừng bằng chiều cao người. Khúc gỗ tràm được dùng như kiểu ở quê bọn trẻ con chặt khúc thân cây chuổi làm bè nổi để trườn trong ao ấy. Với cách ôm thân tràm để trườn trong bùn nước như vậy, các chiến sĩ ta cơ động dễ dàng, khá “trật tự”, dễ dàng phân tán đội hình, không mất sức mà lại hiệu quả bởi như thế còn mang theo được súng đạn hay thuốc nổ. Nếu thấy động thì cũng có thể nhẹ nhàng luồn vào hốc cây để trú tránh, máy bay địch có bắn xuống thì cũng giảm đáng kể thương vong.

Tác giả trong căn cứ Rừng Sác.

2. Căn cứ rừng Sác được lập ở giữa một bưng biền nước mặn bao bọc nên nước ngọt cho ăn uống, tắm giặt luôn là mối quan tâm hàng đầu. Nhất là vào năm 1968, không quân Mỹ tiến hành rải chất độc hóa học vào rừng làm chết động, thực vật. Anh Thanh Hiệp, một thuyết minh viên đón chúng tôi ở ngay khu vực “nhà bếp”, cho hay: “Lúc ấy, cuộc sống nơi đây thật kinh khủng vì nước mặn quanh năm, nguồn lương thực tiếp tế từ kho gạo miền Tây đã bị cắt đứt. Các chiến sĩ phải ăn lá cây rừng để sống như: Đọt chà là, đọt ráng, lá kìm, rau bui, dừa nước. Ban đầu chưa biết lá nào lành lá nào độc, phải quan sát động vật ăn rồi ăn theo”. Tôi gật gù: “Đúng là trong cái khó ló cái khôn. Đặc công ta kiểu gì cũng làm được”.

Anh Thanh Hiệp còn cho biết: Ở trong cứ, nguồn nước ngọt hoàn toàn dựa vào những con mưa. Mỗi khi mưa xuống là các chiến sĩ ta tận dụng mọi thứ có thể dùng để trữ nước. Sáng ra là bảo nhau gạt sương đọng trên lá cây để lấy nước. Mặc dù vậy nguồn nước hứng từ mưa và gạt từ sương không đủ dùng. Anh Thanh Hiệp nói thêm: “Nước thiếu nên nhiều lần các chiến sĩ ta phải mạo hiểm ra khỏi rừng để lấy nước ngọt, mỗi giọt nước thậm chí phải đổi bằng máu”. Nói rồi anh chỉ tay vào một chiếc lu và nói: “Mấy chú đặc công còn tìm ra cách chưng cất nước ngọt từ nước mặn theo kiểu nấu rượu”.

3. Nghe anh Thanh Hiệp nhắc tới việc chưng cất nước mặn, tôi hỏi: “Vậy thì các chiến sĩ ta đã “giấu” khói bếp như thế nào? Gì thì gì cũng phải nấu ăn hằng ngày chứ?”. Đúng là trong căn cứ không thể thiếu được việc nấu nướng và đó cũng là một thử thách không hề nhỏ mà các chiến sĩ đặc công ta phải khắc phục, vì nếu phát hiện thấy khói bếp bốc lên ở vị trí nào đó trong rừng là ngay lập tức máy bay trực thăng Mỹ bay tới bắn xuống xối xả. Đã có kinh nghiệm làm bếp Hoàng Cầm từ thời kháng chiến chống Pháp, nhưng ở trong rừng, tuy được rừng cây che phủ nhưng quân ta vẫn luôn phải tìm cách “giấu” khói. Những bếp Hoàng Cầm được triển khai, theo đó, cùng với việc các bếp được phân tán nhỏ lẻ thì phải tìm cách để hạn chế luồng khói bốc lên.

“Cái khôn” được “ló” ra ở đây, đó là với từng bếp đều tiến hành phân tán khói bằng cách tạo ra nhiều rãnh nhỏ từ bếp ra. Những rãnh nhỏ này được khơi trên bề mặt bùn nước, sau đó được che đậy bằng lá cây có trộn với bùn để dẫn khói dần loang trên bề mặt bùn nước. Từng đụn khói sau khi đã được dẫn phân tán sẽ thoang thoảng loang chứ không bốc lên cao. Mọi thứ lại được rừng cây che chắn nên dù có tinh vi, hiện đại đến đâu thì máy bay trực thăng Mỹ cũng không phát hiện ra. Thêm nữa, việc đun nấu được tính toán theo thời gian thích hợp. Các chiến sĩ ta đã chọn thời điểm nhập nhoạng sáng hay nhập nhoạng tối để nấu bếp. Ở thời điểm này, không khí xuống thấp và ngăn không cho khói bốc lên. Khói được dẫn qua những rãnh nhỏ rồi lặng lẽ loang vào mặt bùn nước và nhanh chóng tan. Kẻ địch hoàn toàn bị “mù mắt”.

Dạo sắp hết một vòng trong rừng thì cậu điều khiển xuồng máy giục: “Triều đã rút nhanh. Các cô các chú xuống xuồng lẹ giúp cháu”. Chúng tôi vội xuống xuồng. Cậu điều khiển nổ máy, ấy vậy mà cũng đôi ba lần chúng tôi hú vía khi thấy chân vịt của xuồng bị mắc trong bùn. Con xuồng mấy lần khựng lại không đi được. Cũng may, vì đã có kinh nghiệm nên cậu điều khiển xuồng máy đã cho xuồng ra khỏi rừng. Thật là một chuyến “vô rừng” bổ ích.

Ngày 21-1-2000, UNESCO đã công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ - Rừng Sác với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo, mang tính điển hình của vùng ngập mặn. Và ngày 15-12-2004, Căn cứ Rừng Sác đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Bài và ảnh: Nguyễn Trọng Văn

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Ngày đăng 17/04/2023