Động lực cho du lịch vùng Tây Bắc

Cập nhật: 07/07/2023
Nhằm tôn vinh, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, nhiều tỉnh vùng Tây Bắc đã và đang tập trung để văn hóa gắn kết chặt chẽ, thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.

Khách du lịch dự sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại Phú Thọ. (Ảnh Mai Anh)

Quá trình này ghi nhận các địa phương tập trung mục tiêu, giải pháp, dồn sức lãnh đạo khắc phục hạn chế, trì trệ, khai thông đầu tư bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội, biến tiềm năng di sản thành nguồn lực, tài sản cộng đồng...

Tây Bắc là vùng đất rộng lớn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của cả nước, là vùng di sản với trầm tích văn hóa dân gian được hình thành, lưu giữ, phát triển lâu đời với những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa độc đáo, tiềm năng du lịch rất lớn. Tuy nhiên, tại miền di sản, dải đất giàu tiềm năng này, sự đầu tư, phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa, con người có lúc, có nơi chưa ngang tầm. Bức tranh kinh tế-xã hội còn nhiều bất cập. Nhìn nhận từ chuyên gia, có nguyên nhân do nhận thức về sức mạnh văn hóa; việc bảo tồn phát huy sức mạnh nội sinh của các dân tộc, vùng đất gắn với phát triển du lịch ở nhiều địa phương chưa đúng mức, còn nhiều trì trệ, bất cập. Quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước trong chấn hưng, phát triển văn hóa, những năm gần đây, nhiều địa phương đã coi trọng, dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường đầu tư cho lĩnh vực này.

Tại Lào Cai nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh tập trung đầu tư phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người Lào Cai trong phát triển và hội nhập. Theo Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Ðặng Xuân Phong, Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định du lịch là lĩnh vực đột phá và tập trung phát triển các khu du lịch đặc sắc. Ðảng bộ tỉnh dồn sức phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền và việc huy động được sức dân trong xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, tạo ra những sản phẩm đặc trưng và chất lượng. Ðây là quá trình tỉnh coi trọng đầu tư bảo tồn, nghiên cứu quảng bá các di sản giá trị văn hóa du lịch cộng đồng giàu bản sắc; dịch vụ chất lượng cao, hiện đại. Thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai, các huyện Bắc Hà, Bát Xát được đẩy mạnh đầu tư du lịch, gắn liền quá trình cải cách hành chính, chuyển đổi số.

Trong khi đó, tỉnh Yên Bái xác định, phát huy các giá trị của văn hóa trở thành nguồn lực trong phát triển kinh tế-xã hội. Yên Bái chủ trương phát triển văn hóa, du lịch phải gắn liền với phát triển kinh tế ở địa phương thông qua đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên ngành. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thị Thanh Bình cho biết, tỉnh đã và đang triển khai nhiều đề án như: "Bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bốn huyện phía tây tỉnh Yên Bái"; chiến lược "Bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái đến năm 2020"; đề án "Tổng điều tra và kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái"… Hiện Yên Bái đang hướng mạnh vào mục tiêu huy động tiềm năng thế mạnh tại chỗ thực hiện chương trình liên kết, hợp tác trong phát triển nông nghiệp, gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc, tạo môi trường thuận lợi để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phú Thọ, nơi hội tụ các giá trị văn hóa Văn Lang-Âu Lạc gắn với thời đại Hùng Vương, hiện có 967 di tích, trong đó, 323 di tích lịch sử-văn hóa được Nhà nước xếp hạng cùng nhiều thắng cảnh tạo nên nguồn tiềm năng lớn phát triển đa dạng loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, nghỉ dưỡng… Tỉnh đang hướng tới mục tiêu là cầu nối giao lưu kinh tế-văn hóa-khoa học kỹ thuật giữa các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh Tây Bắc. Theo Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội theo hướng liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế, phục vụ an sinh xã hội.

Sự khởi động mạnh mẽ của các địa phương từ các hội thảo chuyên ngành nhằm giới thiệu, quảng bá du lịch, sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu doanh nghiệp; đến các hội chợ trong vùng, cùng các hội nghị, kết nối quảng bá du lịch tại Tây Bắc đã thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong nước và nước ngoài. Ðặc biệt nhiều năm qua, mô hình liên kết giữa tám tỉnh Tây Bắc mở rộng tăng cường phối hợp khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của mỗi địa phương đã thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch của cả khu vực. Dự án "Cung đường Tây Bắc" với các tour đi qua những bản làng nghèo nhất cả nước, nhằm huy động sức dân xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, tạo ra những sản phẩm du lịch bản sắc, vừa góp phần phát triển du lịch, nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững.

Lào Cai đã xây dựng chương trình "biến di sản thành tài sản". Khảo sát tại các huyện Bắc Hà, Sa Pa, Mường Khương đều xây dựng các làng văn hóa du lịch gắn liền quá trình bảo tồn các di sản văn hóa. Các huyện như Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn của tỉnh Yên Bái và Mường La, Bắc Yên của tỉnh Sơn La đã tổ chức liên kết, hợp tác trong phát triển nông nghiệp, du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc.

Mới đây, chuỗi sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ trong khuôn khổ chương trình hợp tác, phát triển du lịch tám tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 đã thu hút đông đảo du khách. Các chương trình, gian hàng của các tỉnh vừa mang tính độc đáo, vừa tạo bức tranh chung, lan tỏa, giới thiệu tiềm năng thế mạnh của vùng đất và con người Tây Bắc "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập".

Lãnh đạo nhiều tỉnh vùng Tây Bắc và Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Duy Bắc đều chung nhận định, chủ trương, quyết tâm với sự nỗ lực trong đầu tư, phát huy sức mạnh nội sinh gắn với phát triển kinh tế không chỉ giúp tăng thêm nguồn thu ngân sách cho tỉnh, cải thiện đời sống nhân dân, mà còn bảo đảm bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, quá trình này ở các địa phương cũng đặt ra những yêu cầu tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực văn hóa, du lịch. Mặt khác, cần đầu tư có trọng điểm vào các di sản văn hóa truyền thống gắn liền xây dựng các sản phẩm văn hóa, du lịch mang nét đặc sắc của địa phương và vùng Tây Bắc.

Lê Mậu Lâm và Trần Bích Thủy

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 07/07/2023