Những ngôi nhà rông của người Ba Na ở Kông Chro - Gia Lai

Cập nhật: 16/08/2023
Sừng sững giữa núi non hùng vĩ, hơn 100 ngôi nhà rông ở huyện Krông Chro (Gia Lai) có thiết kế độc đáo, tinh xảo được người Ba Na lưu giữ và bảo tồn.

Những mái nhà rông vững chãi là nơi sinh hoạt cộng đồng của người Ba Na, làm "điểm tựa" tinh thần cho bao thế hệ bà con buôn làng.

Nằm bề thế, vững chãi giữa trung tâm làng, nhà rông Plei Byang, thị trấn Kông Chro có chiều dài gần 20 m, rộng 7 m. Ngoài ra, còn có cầu thang chính giữa và cầu thang 2 bên giúp lên xuống thuận lợi. Tổng kinh phí xây dựng ngôi nhà lên đến 400 triệu đồng.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan nhà rông trong làng, ông Đinh Bri (61 tuổi, trú tổ dân phố Plei Byang, thị trấn Kông Chro, Kông Chro, Gia Lai) là một trong những người xây dựng nhà rông Plei Byang kể: Theo quan niệm của người Ba Na thời xưa, làng nào không có nhà rông là làng đàn bà. Việc lập làng luôn đi đôi với dựng nhà rông. Đây là nơi diễn ra mọi sinh hoạt cộng đồng như thực hiện các nghi lễ, tổ chức các lễ hội lớn trong năm.

“Nhà rông Plei Byang được dựng từ lâu lắm rồi, khi ấy tôi còn là thanh niên, vẫn còn sức để cùng mọi người đẽo, tạc các bức tượng trang trí, phụ giúp lợp mái tranh cho nhà rông. Lúc dựng nhà rông, tất cả người dân trong làng tới phụ giúp nhau. Trong buổi đó, đàn ông thì đan, tạc tượng, còn phụ nữ thì hồ hởi giã gạo, nấu ăn…tạo nên không khí nhộn nhịp, đầm ấm ở làng nghèo”, ông Bri tự hào nói.

Nhà rông của người Ba Na thường cao vút, đồ sộ và bề thế, nhưng thanh thoát. Hình dáng lạ mắt tạo nên ấn tượng về sự hoành tráng và vẻ đẹp đặc trưng của nhà rông. Nhà rông ở Plei Hle Ktu (thị trấn Kông Chro) cũng vậy. Nhà rông cao vút được bố trí bên ngoài bằng những bức tượng gỗ, hình thù độc lạ và các cột trụ, miếng ván lót sàn đã lên màu đen bóng của thời gian. 

Nhà rông Plei Hle Ktu có thân to ngang đường bệ, mái thấp, thâm trầm với 2 màu chủ đạo đen, trắng. Với vật liệu thi công đều là gỗ, mây, tranh, tre nứa…. Nhà rông mang vẻ đẹp mộc mạc khiến cho người nhìn như được ngắm tấm thổ cẩm khổng lồ vừa được dệt xong rồi căng dây phơi trên khoảnh đất bằng phẳng trên nền trời xanh ngát.

Điều đặc biệt ở nhà rông Plei Hle Ktu đó là những cột trụ được chạm khắc, đục đẽo tinh xảo. Xung quanh và bên trong nhà rông, chú chim đại bàng, con rùa, tắc kè, tượng người được tạc bằng gỗ. Nhà rông được dựng nên hoàn toàn từ trí nhớ, trí tưởng tượng, sự căn chỉnh chính xác tuyệt đối mang tính kinh nghiệm và năng khiếu của một số ít người trong cộng đồng làng.

Xung quanh và bên trong nhà rông được trang trí những chú chim đại bàng, con rùa, tắc kè, tượng người được tạc bằng gỗ

Đây cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động của cộng đồng làng, nơi dân làng tụ họp chuyện trò, tổ chức ca hát; tổ chức lễ hội tưng bừng hay tiến hành các nghi lễ tín ngưỡng.

Người Ba Na tại huyện Kông Chro chiếm khoảng 75% dân số, sinh sống ở 74 thôn, làng. Hầu hết các ngôi làng Ba Na đều có nhà rông. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 105 ngôi nhà rông truyền thống. Đây là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng làng, biểu tượng văn hóa của người dân Ba Na. Trong đó, nhiều ngôi làng sở hữu từ 2 đến 3 nhà rông. Nhà rông sử dụng lâu thì cũng phải xuống cấp. Mỗi lần thấy có chỗ nào hư hỏng, dân làng đều kêu gọi nhau đóng góp công sức, của cải để tu sửa.

Năm 2018, vì nhà rông đã xuống cấp, người dân làng Hle Hlang (xã Yang Trung, huyện Kông Chro) đã chung tay đóng góp hơn 1 tỷ đồng đầu tư làm nhà rông vững chãi. Ngôi nhà có tổng diện tích hơn 100 m2, nằm trong khuôn viên rộng khoảng 1.000 m2, phía trước có khoảng sân rộng, cây xanh bóng mát.

Theo anh Đinh Chiêng, trước đây, gỗ, tranh, nứa là nguyên liệu chính để dựng nhà rông. Hiện nay, dân làng thống nhất sử dụng nguyên liệu hiện đại kết hợp nguyên liệu tự nhiên.

“Hiện nay, nguyên liệu gỗ, tranh khan hiếm nên ngôi nhà rông những năm gần đây đều được dựng thêm khung sắt để giúp thêm vững chắc. Ngoài là nơi sinh hoạt cộng đồng, nhà rông còn là nơi trưng bày những thành tích của làng đạt được trong mọi hoạt động như thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, hội thi văn hóa, văn nghệ...”, anh Đinh Chiêng chia sẻ.

Vì nguyên liệu gỗ, tranh khan hiếm nên những năm gần đây, ngôi nhà rông được lợp mái tôn, khung sắt.

Còn nhà rông làng Tờ Nùng - Măng (xã Ya Ma) được hoàn thành và đưa vào sử dụng gần 2 năm nay. Ngôi nhà nằm giữa trung tâm làng, có chiều dài gần 20 m, rộng 7 m; cầu thang 2 bên giúp lên xuống thuận lợi. Tổng kinh phí xây dựng ngôi nhà lên đến 400 triệu đồng.

Ông Đinh Et cho biết: “Nhà rông cũ chật hẹp, sử dụng nhiều năm đã xuống cấp. Sau khi họp bàn, dân làng thống nhất đóng góp 1 triệu đồng/khẩu và cùng tham gia với hàng chục ngày công cùng bà con dựng nhà rông”.

Tường của nhà rông được đan thủ công từ tre, nứa

Những năm qua, cùng với việc quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, huyện Kông Chro luôn chú trọng thực hiện giữ gìn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Kông Chro, cho biết: Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của nhà rông truyền thống, chúng tôi tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, gìn giữ nhà rông. Đồng thời, vận động bà con bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khác như cồng chiêng, đan lát, tạc tượng… gắn nhà rông với không gian sinh hoạt văn hóa, cuộc sống hàng ngày của người dân, buôn làng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khích lệ người dân tích cực sửa chữa, duy tu, bảo tồn nhà rông truyền thống, gìn giữ kiến trúc độc đáo này cho con cháu đời sau.

Ngọc Thu

Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển - baodantoc.vn - Đăng ngày 15/8/2023