Măng Đen (Kon Tum) – Khai thác tiềm năng du lịch như thế nào?

Cập nhật: 23/08/2023
Măng Đen (Kon Tum) được xác định là khu du lịch sinh thái quốc gia, thì sản phẩm du lịch phải có chất lượng, có tầm cỡ quốc gia và phải kết nối với các vùng du lịch trọng điểm khác trong tổng thể du lịch của vùng Tây Nguyên, khu vực duyên hải miền Trung và Nam Trung trung bộ.

Măng Đen là thị trấn nhỏ thuộc huyện Kon Plong, nằm cách thành phố Kon Tum khoảng 60km về hướng Đông Bắc, khí hậu nơi đây luôn mát mẻ se lạnh với nhiệt độ không quá 20 độ C, sương mù xuất hiện quanh năm và được ví như "Đà Lạt thứ 2" của vùng Tây Nguyên. Nằm ở độ cao trung bình từ 1.000-1.200m so với mực nước biển, tổng diện tích tự nhiên gần 140 nghìn ha, trong đó diện tích rừng chiếm trên 93% diện tích tự nhiên, Măng Đen có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng theo hướng hiện đại. Thế mạnh của Măng Đen so với các khu du lịch khác trong vùng và cả nước còn được đánh giá ở yếu tố khí hậu, rừng, văn hóa bản địa đặc sắc… Do đó, Khu Du lịch sinh thái Măng Đen được coi là khu du lịch trọng điểm của khu vực Tây Nguyên.

Tây Nguyên được xác định là một trong 7 vùng du lịch đặc thù của Việt Nam trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Khu Du lịch Sinh Thái Măng Đen là một trong 31 khu vực có quy mô và tiềm năng du lịch đặc biệt nổi trội ở Việt Nam được Nhà nước ưu tiên đầu tư để phát triển thành khu du lịch quốc gia. Khi nói đến vùng văn hóa - du lịch Tây Nguyên là chúng ta nghĩ ngay đến không gian văn hóa cồng chiêng, kho tàng sử thi, đến kiến trúc nhà rông, đến cà phê Buôn Mê Thuật và các ca khúc sôi động, giàu sức sống... Tất cả những hình ảnh, ngôn ngữ và âm thanh đó tạo nên một Tây nguyên mạnh mẽ, đầy sức lối cuốn.

Phấn đấu đưa Măng Đen thành trung tâm du lịch vùng Tây Nguyên. Ảnh: H.C.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum có vị trí, vai trò hết sức quan trọng của vùng Tây Nguyên trong phát triển Du lịch của cả nước và hợp tác phát triển du lịch của khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, trong đó: Đẩy mạng việc đa dạng hoá các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tiềm năng và thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số; tập trung phát triển du lịch sinh thái rừng núi, thác hồ.

Thế mạnh về vị trí địa lý của tỉnh Kon Tum cùng nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú phân bố trên cả tỉnh như: Lòng hồ Ya Ly, lòng hồ Pleikrông, vườn quốc gia Chưmomray, khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh ... cùng nhiều di tích lịch sử cách mạng: Ngục Kon Tum, Ngục Đắkglei, tượng đài chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh..., di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật: Chùa Bác Ái, Nhà thờ Gỗ, Chủng viện..., lễ hội: Cồng chiêng, mừng nhà rông, mừng lúa mới... đặc sắc, đã tạo ra sức hấp dẫn tổng thể cuốn hút khách du lịch đến với Kon Tum chung, đến với Khu Du lịch Sinh thái Măng Đen nói riêng.

Măng Đen có thuận lợi gì?

Măng Đen có vẻ đẹp hoang sơ và thuần khiết giống như hình ảnh của cô gái thôn quê mới lớn: Dung dị, mộc mạc và hồn nhiên. Bởi vậy, nghỉ dưỡng sinh thái là thế mạnh chủ đạo của Măng Đen. Nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, quanh năm mát mẻ, với bạt ngàn rừng thông, với cảnh quan hữu tình của hồ, thác, với hệ sinh thái nhân văn của các dân tộc thiểu số như: Xê Đăng, Kdoong, Mơnâm,...tạo cho Măng Đen khoác trên mình một chiếc áo đẹp nhiều màu sắc.

Măng Đen có vị trí quan trọng về giao lưu kinh tế, đặc biệt là vị trí trung chuyển nằm trên tuyến quốc lộ 24 nối liền tỉnh Kon Tum với các tỉnh duyên hải miền Trung; nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y đi qua quốc lộ 24 tới các khu du lịch ven biển miền Trung. Thông qua cửa khẩu này, khách du lịch có thể tới các khu du lịch tại Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) trong đó có Măng Đen của Kon Tum, miền Trung Việt Nam (Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi), Nam Lào, Đông - Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan.

Măng Đen có vị trí rất đặc biệt, nằm giữa 2 ngọn đèo lớn là đèo Măng Đen và đèo Viôlắk (Quảng Ngãi), khu vực Măng Đen hầu như còn nguyên sinh, diện tích rừng chiếm trên 80% diện tích tự nhiên, có trên 4.000 ha rừng thông tạo thêm tính đa dạng và có nét tương đồng với Đà Lạt. Măng Đen nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình dao động18-20 độ C. Dân tộc thiểu số chiếm gần 90% tổng dân số.

Xuất phát từ việc coi trọng giá trị nguyên sơ, hoang dã là "của quý" không chỉ riêng của Măng Đen, của Tây Nguyên, của Việt Nam mà là sự "hiếm có" của thế giới trong bối cảnh đô thị hóa và toàn cầu hóa hiện nay. Xuất phát từ nhu cầu du lịch sinh thái đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, tỉnh Kon Tum đã và đang hướng đến xây dựng Măng Đen thành một vùng nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tham quan, giải trí... đúng với ý nghĩa đích thực của du lịch sinh thái. Quan điểm phát triển đối với khu du lịch sinh thái Măng Đen là mong muốn có một sản phẩm đặc thù, một thương hiệu độc đáo và hình ảnh riêng biệt cho Măng Đen, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách du lịch hiện đại.

Măng Đen được ví như "Đà Lạt thứ 2" của vùng Tây Nguyên. Ảnh: N.H

Sản phẩm du lịch thân thiện với thiên nhiên, với các hệ sinh thái tự nhiên, có sự tham gia của cộng đồng dân cư với những nét văn hóa độc đáo về văn hóa bản địa của họ. Măng Đen được xác định là khu du lịch sinh thái quốc gia, thì sản phẩm du lịch phải có chất lượng, có tầm cỡ quốc gia và phải kết nối với các vùng du lịch trọng điểm khác trong tổng thể du lịch của vùng Tây Nguyên, khu vực duyên hải miền Trung và Nam Trung trung bộ.

Lưu ý gì trong phát triển du lịch?

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Măng Đen đang được kỳ vọng trở thành trung tâm du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, khai thác thế mạnh như thế nào, phát triển du lịch ra sao lại không phải là chuyện đơn giản. Đây cũng là thách thức lớn đối với các cấp chính quyền địa phương nói chung và ngành du lịch Kon Tum nói riêng.

Theo các chuyên gia, 8 vấn đề các địa phương cần lưu ý khi phát triển du lịch (đặc biệt đối với du lịch sinh thái). Cụ thể: Cần lưu ý về đầu tư cơ sở hạ tầng (tránh tình trạng bê tông hóa, thu hẹp khoảng xanh); Cần bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng bản địa; Xây dựng các sản phẩm chủ đạo (mang tính bản địa cao, không trộn lẫn, trùng lặp); Nâng cao chất lượng dịch vụ (đảm bảo có tính chuyên nghiệp và cạnh tranh cao); Tính liên kết, kết nối; Đảm bảo an ninh, an toàn; Tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp (làm tốt công tác thu gom, xử lý chất thải từ hoạt động du lịch, chất thải sinh hoạt); Chiến lược marketing phù hợp. Phải lưu ý rằng, lựa chọn loại hình du lịch sinh thái, nông nghiệp, nông thôn... khách du lịch chủ yếu đến từ những nơi đô thị lớn, hiện đại. Do đó, thứ mà họ cần là trải nghiệm không gian xanh, thiên nhiên hoang sơ, khám phá giá trị văn hóa bản địa.

Lê Huýnh

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 22/8/2023