Hà Giang ưu tiên phát triển chuỗi giá trị chè Shan tuyết

Cập nhật: 15/11/2023
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Hà Giang ưu tiên thúc đẩy phát triển chuỗi chè Shan tuyết; chuỗi mật ong bạc hà; chuỗi cây ăn quả ôn đới; dược liệu; tam giác mạch; bò vàng; lợn đen… đây là những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc hữu chất lượng cao.

Theo Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, tỉnh Hà Giang sẽ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng số.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển kinh tế nông nghiệp đặc trưng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế cửa khẩu. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo nghề cho người lao động phục vụ nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực chủ lực của Tỉnh; thu hút và đào tạo có trọng tâm, trọng điểm nhân lực chất lượng cao.

(Ảnh minh họa) 

Về phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực, nông nghiệp phát triển đặc trưng, theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao. Tập trung phát triển theo 2 trục là đảm bảo về an ninh lương thực, thực phẩm, bao gồm: Nhóm cây lương thực; nhóm cây thực phẩm; nhóm cây công nghiệp ngắn ngày và ưu tiên thúc đẩy phát triển một số chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc hữu chất lượng cao theo chuỗi giá trị, gồm: Chuỗi chè Shan tuyết; chuỗi mật ong bạc hà; chuỗi cây ăn quả ôn đới; dược liệu; tam giác mạch; bò vàng; lợn đen…

Phát triển lâm nghiệp bền vững, phát triển rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái tại các khu bảo tồn thiên nhiên, gắn với xây dựng chuỗi giá trị lâm sản, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Thu hút, phát triển các cơ sở sản xuất cây lâm nghiệp chất lượng cao, cơ sở chế biến gỗ gắn với phát triển các sản phẩm ngoài gỗ dưới tán rừng.

Tỉnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, xanh và bền vững. Xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc. Xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch quốc gia; thành phố Hà Giang trở thành thành phố du lịch, trung tâm kết nối du lịch của Tỉnh. Phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, gắn với các lợi thế của địa phương, như: Du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch mạo hiểm; du lịch thương mại, biên giới.

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. Phát triển kinh tế khu vực cửa khẩu đáp ứng xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế, đầu mối trung chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và văn hóa. Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực.

Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ - Cây di sản Việt Nam

Hà Giang là một trong những địa phương vùng núi phía Bắc có diện tích cây chè Shan tuyết rất lớn. Những cây chè Shan Tuyết được trồng nhiều quanh dẫy núi Tây Côn Lĩnh ở các huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Quang Bình, Xín Mần, thành phố Hà Giang và phát triển ra nhiều địa phương khác trong tỉnh. Chè Shan tuyết cổ thụ, tuổi đời hàng trăm năm tuổi, trên mỗi thân và cành đều phủ một lớp địa y trắng mốc, cành cây dài, vững chãi. Những cây chè cổ thụ ở đây mọc ở đỉnh núi, cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, khí hậu lạnh giá, rễ cắm sâu trong lòng đất, mỗi búp chè chính là sự kết tinh những gì tinh tuý nhất của đất trời Hà Giang.

Ngày 29/9/2022, quần thể trên 1.320 cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại các huyện (Bắc Quang, Hoàng Shu Phì, Vị Xuyên và Xín Mần) được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là quần thể Cây Di sản Việt Nam. Trước đó, hơn 300 cây chè Shan tuyết cổ thụ cũng đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam nâng tổng số cây được công nhận tại tỉnh Hà Giang lên 1.625 cây. Việc được công nhận là Cây Di sản Việt Nam sẽ giúp nâng cao công tác bảo tồn và phát triển giống chè quý hiếm này cũng như mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương.

Bùi Hoàng

Nguồn: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Ngày 14/11/2023