An Giang: Lấy văn hóa dân tộc làm sản phẩm phát triển du lịch

Cập nhật: 15/01/2024
Sở VHTTDL An Giang và Sở Khoa học Công nghệ An Giang phối hợp với Viện Công nghệ cao Hutech (Trường Đại học Công nghệ TP.HCM), VNPT An Giang vừa tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Xây dựng và phát triển mô hình làng văn hóa bốn dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer phục vụ phát triển du lịch tỉnh An Giang - Thực tiễn và Giải pháp”.

Dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm thu hút khách du lịch

Hội thảo đã tham vấn ý kiến các nhà quản lý địa phương, chuyên gia về kinh nghiệm bảo tồn, khai thác và phát triển các giá trị văn hóa cộng đồng, văn hóa các dân tộc phục vụ du lịch. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến về kinh nghiệm và phương án xây dựng mô hình làng văn hóa bốn dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer phục vụ phát triển du lịch tỉnh An Giang, phục vụ thực hiện Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu đề xuất, xây dựng Đề án Làng văn hóa bốn dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer phục vụ du lịch”, do Viện Công nghệ cao HUTECH (Trường Đại học Công nghệ TP.HCM) chủ trì, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, Trưởng khoa Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng làm chủ nhiệm.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng cho biết: “Để thúc đẩy du lịch An Giang cần có giải pháp hiệu quả và thiết thực hơn nữa, đặc biệt là khai thác các giá trị văn hóa của bốn dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer phục vụ du lịch. Điều này không chỉ đóng góp cho hoạt động du lịch mà còn góp phần quảng bá cho du khách trong và ngoài nước biết tới, ngưỡng mộ, yêu mến con người và vùng đất An Giang, đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia vững chắc, tin cậy, làm đòn bẩy thúc đẩy các mối quan hệ chính trị, ngoại giao; giao lưu kinh tế, thương mại và sự quan tâm đối với các lĩnh vực liên quan khác”.

Cho rằng lượng du khách đến An Giang là khá lớn, số lượng các làng nghề cũng khá nhiều nhưng chủ yếu là khách tham quan trong ngày, nguồn tài nguyên du lịch văn hóa bốn dân tộc chưa được đầu tư khai thác tương xứng với tiềm năng, ngày càng có nguy cơ bị mai một và sẽ mất dần theo thời gian, TS Nguyễn Tấn Thanh, Trường Đại học Trà Vinh cho rằng, sự hình thành của các “Làng văn hóa” sẽ tác động trực tiếp đến phát triển du lịch của tỉnh An Giang nói riêng và của tiểu vùng duyên hải phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long nói chung thông qua ba tác động rõ rệt là tăng nguồn thu, tạo việc làm và phát triển khu vực thông qua phát triển hạ tầng, đẩy mạnh đầu tư và giao lưu liên vùng.

Khi trình bày phương án xây dựng mô hình làng văn hóa bốn dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer phục vụ du lịch An Giang, nhóm thực hiện đề tài đưa ra các phương án để xây dựng. Trong đó, phương án 1 là thực hiện bảo tàng văn hóa thu nhỏ, phương án 2 là mô hình dựa vào làng cộng đồng (phương án phân tán) hoặc mô hình kết hợp, như dân tộc Chăm - Kinh tại Châu Phong (thị xã Tân Châu), dân tộc Hoa - Kinh (TP Châu Đốc), dân tộc Khmer (huyện Tri Tôn).

Theo PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng, làng Chăm Châu Phong có các nhà sàn gỗ cổ, các thánh đường, nghề dệt thổ cẩm, các món ăn truyền thống của người Chăm, thuận lợi phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm... Từ làng Chăm Châu Phong, khách du lịch còn được tham quan làng bè sắc màu trải dài từ ngã ba sông Châu Đốc kéo dài lên phía đầu nguồn châu thổ sông Hậu và sông Châu Đốc, huyện An Phú.

Còn làng văn hóa Chăm - Kinh sẽ được xây dựng liên kết giữa xã Châu Phong với thị trấn Đa Phước, huyện An Phú. Trọng tâm là làng Chăm Châu Phong và làng bè sắc màu sẽ tạo nên tour du lịch mang bản sắc văn hóa tộc người hấp dẫn. Đồng thời, trên địa bàn xã và các khu vực lân cận có rất nhiều chùa Khmer có kiến trúc, bề dày lịch sử thu hút du khách cùng với hệ thống lễ hội truyền thống, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc trưng của người Khmer phù hợp phát triển du lịch tâm linh, du lịch văn hóa...

TS Nguyễn Trung Hiếu, Khoa Du lịch & Văn hóa - Nghệ thuật, Trường Đại học An Giang - ĐHQG TP.HCM cho rằng, việc xây dựng làng văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh An Giang phục vụ phát triển du lịch cần quan tâm những vấn đề: Vị trí thành lập làng văn hóa các dân tộc, lựa chọn giá trị văn hóa, hội tụ đa loại hình - đa sản phẩm du lịch. Đặc biệt là phải có sự liên kết doanh nghiệp, để tạo sự thu hút, phát triển bền vững cho làng văn hóa các dân tộc, bên cạnh các yếu tố đề cập ở trên thì cần phải có sự liên kết với các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh bằng hệ thống tour. Nếu không, với quy mô nhỏ, chỉ hội tụ văn hóa của bốn dân tộc thì không đủ sức “bền vững” theo thời gian. 

Thanh Thúy

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Ngày 15/01/2024