COP28: Cam kết và hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh mới

Cập nhật: 23/02/2024
Năm 2023 khép lại với sự kiện quốc tế quan trọng - Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) từ ngày 30/11 - 12/12/2023. Sau 2 tuần đàm phán, COP28 đã thông qua Quyết định về kết quả Đánh giá nỗ lực toàn cầu (GST) lần thứ nhất. Đây là nội dung quan trọng nhất mà COP28 đã đạt được, trong đó nêu lên kết quả tổng hợp nỗ lực của tất cả các bên nhằm thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận Paris từ năm 2021 đến nay. Tham dự COP28, Đoàn Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật, tham gia các sáng kiến quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), giảm phát thải khí nhà kính (KNK).

Kết quả nổi bật của COP28

Trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng do BĐKH, COP28 là dịp để các nước đẩy nhanh hành động trong cuộc chiến ứng phó với BĐKH. Nội dung quan trọng nhất đạt được tại COP28 là các bên đã thông qua Quyết định về kết quả Đánh giá nỗ lực toàn cầu lần thứ nhất. Đây là kết quả tổng hợp nỗ lực của tất cả các bên hướng đến thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận Paris từ năm 2021 đến nay. Quyết định đã khẳng định, dù có tiến bộ trong giảm phát thải KNK, thích ứng với BĐKH và cung cấp nguồn lực thực hiện, nhưng nỗ lực toàn cầu hiện nay là chưa đủ để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. GST nêu lên tầm quan trọng của việc cung cấp tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực là vấn đề cấp bách thúc đẩy các hành động khí hậu; đồng thời, kêu gọi các bên giảm dần phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch (than, dầu, khí đốt…) là tác nhân phát thải KNK chủ yếu gây BĐKH. Quyết định bao gồm các nội dung cụ thể sau: 

1. Giảm nhẹ phát thải KNK: Nếu thực hiện đầy đủ các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của các bên, nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng từ 2,1 - 2,8ºC vào cuối thế kỷ so với thời kỳ tiền công nghiệp. Quyết định kêu gọi các quốc gia đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu theo cách do quốc gia tự quyết định, tính đến điều kiện, lộ trình và cách tiếp cận khác nhau của từng quốc gia: (1) Tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo toàn cầu và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng toàn cầu vào năm 2030; (2) Đẩy nhanh nỗ lực tiến tới giảm dần điện than không áp dụng công nghệ thu giữ các-bon; (3) Đẩy nhanh nỗ lực toàn cầu hướng tới các hệ thống năng lượng không phát thải, sử dụng nhiên liệu không phát thải, hoặc phát thải thấp các-bon, muộn nhất là giữa thế kỷ; (4) Chuyển đổi không sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống năng lượng một cách công bằng, với lộ trình phù hợp trong thập kỷ này, thúc đẩy hành động khí hậu để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; (5) Đẩy mạnh các công nghệ không phát thải và phát thải thấp như năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân, công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ các-bon, sản xuất hydro các-bon thấp; (6) Bên cạnh giảm khí CO2, cần đồng thời giảm nhanh các KNK không phải CO2 như mê-tan, HFC…; (7) Giảm thiểu phát thải từ vận tải đường bộ thông qua phát triển cơ sở hạ tầng và triển khai nhanh chóng các phương tiện không phát thải, phát thải thấp; (8) Sớm xóa bỏ các hình thức trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả, không giúp giải quyết thiếu hụt năng lượng, hoặc chuyển đổi công bằng.

Quyết định cũng khuyến khích, các quốc gia xây dựng và hoàn thành NDC lần thứ 2 (NDC2) cho giai đoạn 2025 - 2035 với cam kết giảm phát thải mạnh mẽ hơn cho tất cả các loại KNK trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, phù hợp với mục tiêu 1,5ºC của Thỏa thuận Paris, cũng như điều kiện quốc gia. Quyết định cho thấy, nhu cầu cấp thiết đẩy nhanh triển khai các cơ chế thị trường, phi thị trường theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris hỗ trợ các quốc gia giảm phát thải KNK và thực hiện NDC.

2. Thích ứng với BĐKH: Quyết định nhấn mạnh, tầm quan trọng của mục tiêu thích ứng toàn cầu, nỗ lực của các quốc gia đang phát triển về xây dựng Kế hoạch thích ứng quốc gia, khó khăn của các nước này trong tiếp cận nguồn lực hỗ trợ thực hiện thích ứng với BĐKH. Quyết định nêu rõ, sự cần thiết thiết lập, củng cố hệ thống dữ liệu quốc gia về tác động của BĐKH và xây dựng dịch vụ khí hậu dễ tiếp cận, phù hợp với mọi đối tượng sử dụng, bao gồm hệ thống cảnh báo sớm. Theo Quyết định, các quốc gia cần thực hiện các hành động thích ứng khẩn cấp mang tính chuyển đổi, phù hợp định hướng và điều kiện của mỗi quốc gia; đồng thời, nộp Kế hoạch Thích ứng quốc gia, Báo cáo Thích ứng và thực hiện hành động thích ứng nhằm đạt được các mục tiêu: (1) Giảm đáng kể tình trạng khan hiếm nước, tăng cường khả năng chống chịu khí hậu trước các hiểm họa liên quan đến nước; (2) Sản xuất, cung cấp, phân phối lương thực và các sản phẩm nông nghiệp thích ứng với khí hậu; (3) Thích ứng với các tác động về sức khỏe do BĐKH gây ra, thúc đẩy các dịch vụ y tế thích ứng với khí hậu và giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh, cũng như tử vong liên quan đến khí hậu; (4) Giảm tác động của BĐKH đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học, đẩy nhanh áp dụng các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái và tự nhiên; (5) Tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng và khu vực định cư trước tác động của BĐKH; (6) Giảm thiểu các tác động tiêu cực của BĐKH đến xóa đói giảm nghèo và sinh kế người dân; (7) Bảo vệ di sản văn hóa khỏi các rủi ro liên quan đến khí hậu.

3. Về tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực:

a) Tài chính: Quyết định khẳng định, khoảng cách ngày càng tăng giữa nhu cầu, nguồn lực tài chính cho ứng phó BĐKH, thực hiện NDC tại các quốc gia đang phát triển và nhất trí, cần xác định mục tiêu tài chính khí hậu mới nhằm thay thế cam kết hiện tại của các quốc gia phát triển về cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm (được thỏa thuận tại COP15 năm 2009), có xét tới nhu cầu và ưu tiên của các nước đang phát triển. Theo GST, trong giai đoạn đến năm 2030, cần khoảng 5,9 nghìn tỷ USD cho ứng phó BĐKH, trong đó nhu cầu cho thích ứng cần khoảng 215 - 387 tỷ USD mỗi năm và đầu tư vào năng lượng sạch khoảng 4,3 nghìn tỷ USD mỗi năm. GTS đề nghị các nước phát triển sớm hoàn thành mục tiêu, cũng như giữ mức đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2025 và ghi nhận sự đóng góp 12,833 tỷ USD từ 31 quốc gia cho Quỹ Khí hậu xanh, 792 triệu USD cho Quỹ Thích ứng, 187,7 triệu USD cho Quỹ Các nước chậm phát triển, 179 triệu USD cho Quỹ đặc biệt về khí hậu, 700 triệu USD cho Quỹ Tổn thất và thiệt hại. GST nhấn mạnh vai trò của các Ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính khác đầu tư cho ứng phó BĐKH, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia ứng phó với BĐKH; kêu gọi tập trung nguồn lực cho ứng phó với BĐKH từ tất cả các nguồn có thể; ghi nhận nỗ lực của các bên trong xây dựng quy định về tài chính dài hạn và kêu gọi đơn giản hóa thủ tục tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu.

b) Phát triển và chuyển giao công nghệ: GST nêu lên tầm quan trọng của khoa học - công nghệ trong ứng phó với BĐKH; kêu gọi các bên tìm cách xóa bỏ các rào cản, tăng cường hợp tác để thúc đẩy phát triển và chuyển giao công nghệ; quyết định thực hiện chương trình thúc đẩy chuyển giao công nghệ để đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển.

c) Tăng cường năng lực: GST ghi nhận kết quả tăng cường năng lực đã đạt được trong thời gian qua và khẳng định còn khoảng cách lớn giữa nhu cầu, đáp ứng nhu cầu tăng cường năng lực tại các quốc gia đang phát triển; đồng thời, kêu gọi các quốc gia đang phát triển xác định, đưa vào báo cáo minh bạch 2 năm 1 lần về nhu cầu tăng cường năng lực của mình. GST yêu cầu cơ quan vận hành Cơ chế tài chính và Quỹ Thích ứng xem xét đáp ứng nhu cầu tăng cường năng lực của các nước đang phát triển.

4. Về tổn thất và thiệt hại: GST thừa nhận tầm quan trọng của việc ngăn chặn, giảm thiểu và giải quyết tổn thất và thiệt hại do những tác động bất lợi của BĐKH, bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan, các hiện tượng khởi phát chậm, cũng như vai trò của phát triển bền vững trong việc giảm nguy cơ gây tổn thất và thiệt hại. GST nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy gắn kết, bổ sung của các hành động, hỗ trợ thích ứng nhằm ngăn chặn, giảm thiểu, giải quyết tổn thất và thiệt hại liên quan đến tác động của BĐKH; kêu gọi các bên và các tổ chức liên quan tăng cường gắn kết, phối hợp trong các hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai, hỗ trợ nhân đạo, phục hồi và tái thiết, di dời, tái định cư, di cư nhằm ngăn chặn, giảm thiểu, giải quyết tổn thất và thiệt hại do tác động của BĐKH một cách minh bạch, hiệu quả.

5. Tác động của các biện pháp ứng phó: GST cho thấy, tầm quan trọng của việc tối đa hóa tác động tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực về kinh tế và xã hội của thực hiện các biện pháp ứng phó; khuyến khích các bên xem xét xây dựng phương pháp và công cụ đánh giá, phân tích tác động nhằm giảm thiểu tiêu cực, tối đa hóa tác động tích cực khi thực hiện các biện pháp ứng phó.

6. Định hướng trong thời gian tới: GST kêu gọi các bên tiếp tục cập nhật NDC1 đã gửi cho giai đoạn 2020 - 2030, xây dựng NDC mới cho giai đoạn 2025 -2035 (NDC2) và gửi cho Ban Thư ký UNFCCC trước COP30 (tháng 11/2025); các quốc gia sắp xếp tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và thực hiện NDC. NDC2 cần xem xét kết quả Đánh giá nỗ lực toàn cầu lần đầu tiên để tăng cường hành động và hỗ trợ thực hiện hành động ứng phó với BĐKH; triển khai “Lộ trình đạt Mục tiêu 1.5” để tăng cường hợp tác quốc tế, tạo môi trường thuận lợi nhằm nâng mức tham vọng trong NDC2 sao cho phù hợp với mục tiêu 1,5°C; quyết định thực hiện Đánh giá nỗ lực toàn cầu lần 2 vào năm 2028.

Đại diện các quốc gia tham gia Lễ Tuyên bố “Cam kết làm mát toàn cầu” ngày 5/12/2023 trong khuôn khổ Hội nghị COP28 tại Dubai

Sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các sáng kiến tại COP28

Tại COP28, Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến quốc tế và triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển đất nước, tiến hành nhiều hoạt động song phương, tổ chức một số sự kiện, qua đó thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với các nước, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước trong cuộc chiến chống BĐKH. Nổi bật là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động vì khí hậu, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G77 và Trung Quốc về BĐKH. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu ở Dubai (UAE) ngày 2/12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mỗi quốc gia phải có trách nhiệm quản lý thực hiện hiệu quả, khai thác tối đa sức mạnh nội sinh của dân tộc mình là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; kết hợp với sức mạnh đoàn kết quốc tế là quan trọng và đề cao chủ nghĩa đa phương; lấy người dân, lợi ích chung toàn cầu là trung tâm, chủ thể, không để bất cứ quốc gia nào, người dân nào bị bỏ lại phía sau. Đa dạng hóa huy động nguồn lực, kết hợp công, tư, kết hợp trong và ngoài nước; song phương, đa phương và các nguồn lực hợp pháp khác, nhất là nguồn lực từ tư nhân. Từ sau COP26 ở Glasgow, Việt Nam đã thực hiện toàn diện các nội dung: 

Thứ nhất: Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện: (1) Chiến lược BĐKH; (2) Chiến lược Tăng trưởng xanh; (3) Quy hoạch Điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo (NLTT) là chủ đạo; (4) Phát triển công nghiệp NLTT và xây dựng hệ sinh thái NLTT (nhân lực, nguồn lực, quy hoạch, cơ sở vật chất...). 

Thứ hai: (1) Xây dựng và thực hiện NDC; (2) Thành lập Ban Thư ký; công bố Kế hoạch thực hiện và Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP; (3) Ban hành và thực hiện Kế hoạch phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp (nhất là khí mê-tan). 

Thứ ba: Xây dựng thể chế, gồm xây dựng Luật Dầu khí, hoàn thiện Luật Đất đai, Luật Điện lực theo hướng hỗ trợ kiến tạo phát triển năng lượng tái tạo; đang xây dựng, hoàn thiện Nghị định mua bán điện trực tiếp, xử lý các dự án điện tái tạo và các vấn đề tồn đọng, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi năng lượng. 

Trong khuôn khổ COP28, Đoàn Việt Nam đã tổ chức và tham gia nhiều sự kiện đa phương cấp cao như: Lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Diễn đàn cấp cao huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về ứng phó với BĐKH. Đây là những sự kiện quan trọng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, qua đó thúc đẩy hợp tác đa phương trong ứng phó với BĐKH và chuyển dịch năng lượng, hướng tới tương lai phát thải ròng bằng “0” và phát triển bền vững. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến quan trọng, gồm: Tuyên bố Emirates về nông nghiệp bền vững, hệ thống lương thực có khả năng chống chịu và hành động khí hậu; Tuyên bố Cam kết làm mát toàn cầu; sáng kiến quốc tế “Đối tác triển khai Điều 6 Thỏa thuận Paris” và ủng hộ Tuyên bố cấp Bộ trưởng về khí hậu và sức khỏe. Những sáng kiến, cam kết mà Việt Nam tham gia là cơ sở để đề xuất những giải pháp thiết thực, toàn diện ứng phó với BĐKH và là tiền đề để cùng các quốc gia, đối tác khác giải quyết những thách thức toàn cầu và xây dựng một tương lai bền vững cho thế hệ mai sau. Bên cạnh đó, việc tham gia chủ động, tích cực và chọn lọc các sáng kiến đa phương của nước chủ nhà và các đối tác lớn cũng là một cơ hội để Việt Nam thể hiện trách nhiệm và sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Bên lề Hội nghị COP28, Đoàn Việt Nam đã tổ chức hơn 30 hội thảo, sự kiện nhằm quảng bá những nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH và mở rộng hợp tác với các quốc gia, đối tác quốc tế. Các hoạt động tham gia của Việt Nam không chỉ giúp tăng cường hình ảnh quốc tế về đất nước, mà còn mở ra những cơ hội mới trong việc hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng quốc tế về ứng phó với BĐKH. Đáng chú ý, từ ngày 1 - 10/12/2003, tại Phòng sự kiện bên lề (Việt Nam Pavilion), Đoàn Việt Nam đã tổ chức các hội thảo, tọa đàm: (1) Thúc đẩy triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn đến năm 2030 của Việt Nam hướng tới mục tiêu thích ứng toàn cầu; (2) Đối thoại kinh nghiệm về quản lý phát thải KNK cấp cơ sở; (3) Giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH - phương pháp các quốc gia sử dụng nhằm đánh giá và tăng cường năng lực triển khai Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP); (4) Vai trò của các tổ chức tài chính trong việc thúc đẩy tài chính tăng tốc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” ở Việt Nam; (5) Huy động tài chính cho các giải pháp dựa vào thiên nhiên; (6) Tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon của EU đối với quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam và những tác động trong khu vực; (7) Thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam: Vai trò của thị trường các-bon và cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ; (8) Xây dựng hệ thống y tế chống chịu với khí hậu ở Việt Nam; (9) Chuyển đổi xanh trong giao thông vận tải đường bộ; (10) Nông nghiệp bền vững và chuyển đổi hệ thống thực phẩm; (11) Huy động nguồn lực tài chính khí hậu, nâng cao năng lực và chuyển giao đổi mới công nghệ để thích ứng với BĐKH; (12) Chuyển đổi năng lượng hướng tới net-zero: Nỗ lực và hành động của các bên; (13) Đối thoại chuyển đổi xanh và sự tham gia doanh nghiệp thực hiện cam kết net-zero của Việt Nam; (14) Xây dựng báo cáo Triển vọng năng lượng mới của Việt Nam; (15) Vai trò của thanh niên trong chuyển đổi năng lượng công bằng và giáo dục khí hậu tại Việt Nam; (16) Tương lai năng lượng ở Đông Nam Á: Phát huy tiềm năng điện gió; (17) Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á: Xây dựng năng lực và phát triển quan hệ đối tác vì năng lượng sạch; (18) Vai trò của sử dụng hiệu quả năng lượng trong làm mát để đẩy mạnh việc khử các-bon tại Việt Nam; (19) Tác động của BĐKH tại các đồng bằng châu Á: Tìm kiếm những giải pháp chung; (20) Tăng cường thu giữ các-bon xanh từ quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên biển và ven biển; (21) Thích ứng dựa vào tự nhiên: Hướng đến các mục tiêu khí hậu và nông nghiệp bền vững ở Việt Nam; (22) Nhu cầu huy động tài chính cho năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Tại các sự kiện và cuộc họp song phương, đa phương, Việt Nam đã nhiều lần được các nước, tổ chức quốc tế đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, cũng như nỗ lực trong cuộc chiến chống BĐKH. Trên cơ sở đó, cộng đồng quốc tế cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, chuyển đổi năng lượng, nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH, thúc đẩy phát triển kinh tế các-bon thấp tại Việt Nam.

Chu Thanh Hương - Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TNMT

Nguồn: Tạp chí môi trường - tapchimoitruong.vn - Đăng ngày 19/02/2024