Bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch ở Thừa Thiên Huế

Cập nhật: 23/02/2024
Tỉnh Thừa Thiên Huế có hệ thống cảnh quan thiên nhiên sông, biển, núi, rừng rất kỳ thú và hấp dẫn, có truyền thống văn hoá lâu đời...là nền tảng cho phát triển du lịch. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, địa phương này triển khai đồng bộ các giải pháp trong đó chú trọng giải pháp bảo vệ môi trường du lịch.

Thiên nhiên ưu đãi cho Thừa Thiên Huế hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, nhiều bãi biển đẹp như Lăng Cô, Thuận An, Cảnh Dương và đặc biệt là hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất khu vực Đông Nam Á, cùng một hệ thống sông ngòi, kênh rạch trải dài toàn tỉnh như sông Hương, sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Truồi… có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch văn hóa chất lượng cao kết hợp du lịch biển, du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng.

Phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng, phong phú, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch với mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bảo tồn nguyên vẹn về cảnh quan tự nhiên, môi trường sống. Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã và đang phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng mới của du khách; phát huy được giá trị di sản, văn hóa, lịch sử, xây dựng các khu, điểm du lịch tại các khu vực biển và đầm phá, sông, hồ, suối thác, các nghề, làng nghề truyền thống; phát triển dịch vụ du lịch tại Quần thể di tích Cố đô Huế, xây dựng Đề án phát triển kinh tế đêm tại Thừa Thiên Huế.

Năm 2023, Thừa Thiên Huế đón 3,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 56% so với năm 2022; trong đó có 1,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 361% so với năm 2022. Doanh thu từ du lịch ước đạt 6.606 tỷ đồng. Cũng trong năm 2023, Thừa Thiên Huế đón nhận một loạt giải thưởng, danh hiệu từ một số tổ chức, tạp chí, kênh thông tin du lịch quốc tế. Đầu tháng 2/2024, Huế nhận giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN. Đây là một hiệu ứng tốt, góp phần quảng bá mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Các giải thưởng du lịch đã giúp Huế tạo được nét đặc trưng nổi bật với các điểm đến khác trong nước và khu vực, là cơ hội để thu hút du khách trong thời gian tới.

Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, dịp Tết Giáp Thìn từ ngày 7.2 đến 14.2.2024 (từ ngày 28 tháng Chạp đến ngày mồng 5 Tết Âm lịch Giáp Thìn), khoảng 102.000 lượt du khách đến tham quan; tăng 20% so với cùng kỳ dịp nghỉ Tết năm 2023. Doanh thu từ du lịch ước đạt 160 tỉ đồng, tăng 4,82% so với dịp Tết Nguyên đán năm 2023.

Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế đồng thời chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường du lịch. Đáng chú ý, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề cấp bách ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Nhằm kiểm soát lượng rác thải nhựa phát triển trong hoạt động du lịch, Sở Du lịch tỉnh đã ban hành kế hoạch về giảm thiểu rác thải nhựa của ngành du lịch tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị Huế với đặc trưng “Di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”.

Địa phương triển khai các giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường du lịch trong đó có khu vực sông Hương. 

Thời gian qua, để nỗ lực giảm rác thải nhựa trong các hoạt động du lịch, cũng như góp phần xây dựng hình ảnh TP. Huế với môi trường xanh - sạch - sáng, là điểm đến du lịch lý tưởng, Sở đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch và Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (WWF) triển khai nhiều nội dung, như các hội thảo về giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch; tổ chức các lớp tập huấn giảm thiểu rác thải nhựa ngành du lịch dành cho cán bộ quản lý các cơ sở lưu trú. Khảo sát và lắp đặt nhà chờ miễn phí tại Phố cổ Bao Vinh và Cầu ngói Thanh Toàn.

Du khách có thể sử dụng nước uống trực tiếp tại vòi, hoặc mang theo bình nước để lấy nước ở vòi thay vì mua các chai nước có sử dụng nhựa dùng một lần. Hiện nay, thành phố đã triển khai xây dựng 4 khu nhà chờ và trạm cấp nước tại các di tích lăng Gia Long, lăng Minh Mạng và lăng Đồng Khánh. Từ đó, có thể tuyên truyền và lan tỏa ý thức giảm thải nhựa trong cộng đồng và du khách khi đến các điểm tham quan ở Huế. 

Chương trình Chung tay xây dựng môi trường du lịch Huế "Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc" đã được triển khai trong thời gian qua. Một trong những hoạt động của chương trình là tái khởi động mô hình “Điểm vệ sinh miễn phí” dành cho du khách trên các tuyến đường trung tâm. Đặc biệt, điểm đến du lịch Thủy Biều tại TP. Huế là mô hình đầu tiên thí điểm điểm du lịch giảm thiểu rác thải nhựa. Ngoài ra, trong thời gian qua, hoạt động, hành động của ngành du lịch đều hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường sống, môi trường du lịch xanh, sạch; trở thành đô thị du lịch sinh thái, như phong trào Ngày Chủ nhật xanh; 60 phút sạch nhà, đẹp ngõ; cam kết chung tay bảo vệ động vật hoang dã…

Du khách trải nghiệm điểm đến du lịch giảm rác thải nhựa tại TP. Huế. Ảnh: VD. 

Kế hoạch về giảm thiểu rác thải nhựa của ngành du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023 - 2025 được xây dựng và triển khai nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) đại dương trong kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030 của Chính phủ Việt Nam. Kế hoạch đã đề ra các chỉ tiêu như 100% quản lý khách sạn, đơn vị lữ hành và dịch vụ vận chuyển khách du lịch, điểm du lịch và 90% hướng dẫn viên được tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa và chương trình giảm rác thải nhựa của quốc gia và địa phương.

Bên cạnh đó 100% đơn vị lữ hành và dịch vụ vận chuyển khách du lịch, điểm du lịch có cam kết giảm rác thải nhựa và triển khai ít nhất 1 biện pháp hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. 100 quản lý khách sạn và 33 đơn vị lữ hành và dịch vụ vận chuyển khách du lịch, 13 điểm du lịch được đào tạo về xây dựng kế hoạch năm và được hướng dẫn về cách thức theo dõi, kiểm tra, đánh giá về giảm nhựa; 80 khách sạn và 50 đơn vị kinh doanh lữ hành và 4 điểm du lịch có bản kế hoạch giảm nhựa năm 2024. Ngành Du lịch Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng 5 - 6 tour du lịch và 5 - 6 điểm du lịch cộng đồng không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Tỉ lệ khách sạn 3 - 5 sao không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại thành phố Huế lần lượt là 50% năm 2024 và 80% năm 2025.

Mạnh Cường

Nguồn: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Ngày 22/02/2024