Quảng Nam khai thác lợi thế, tiến tới thành lập các Khu bảo tồn đa dạng sinh học

Cập nhật: 16/04/2024
Nhằm khai thác, phát huy hiệu quả những lợi thế về giá trị tài nguyên, UBND TP.Tam Kỳ, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) đang phối hợp với các cơ quan để xúc tiến thiết lập Khu bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học sông Đầm (Tam Kỳ), Khu bảo tồn biển Tam Hải (Núi Thành).

Theo Quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Đầm đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đô thị sinh thái Tam Kỳ và đầy tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái. Sông Đầm thuộc địa phận xã Tam Thăng và phường An Phú (TP.Tam Kỳ), có hệ sinh thái nước ngọt đa dạng, phong phú đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ. Nơi đây có diện tích mặt nước khoảng 200ha; tổng lưu vực hồ, bao gồm cả những làng xung quanh khoảng 650ha. Vị trí sông Đầm cách Biển Đông khoảng 1km, gắn với địa đạo Kỳ Anh - Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, tại sông Đầm có các loài động thực vật rất phong phú, đa dạng. Các loài động vật có xương sống ghi nhận được 81 loài thuộc 53 họ và 20 bộ; 33 loài cá khác nhau thuộc 21 họ, 11 bộ và 1 loài lươn đồng; 16 loài bò sát, ếch nhái, 31 loài chim, đáng chú ý có loài cò nhạn nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007. Các loài động vật không xương sống gồm 214 loài và 211 loài côn trùng khác.

Các loài thực vật bậc cao có 170 loài thuộc 74 họ khác nhau… Được biết, TP.Tam Kỳ đã và đang triển khai đầu tư hạ tầng và trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị Di tích quốc gia địa đạo Kỳ Anh gắn với phục vụ du lịch bãi Sậy - sông Đầm. Địa phương trồng cây, trồng rừng tại các đồi, ven sông với loại bán ngập nước như tràm ta, dừa nước; đồng thời trồng cây xanh như lộc vừng, mù u, cừa, sưa... dọc hai bên bờ sông Đầm.

Sông Đầm có hệ sinh thái nước ngọt đa dạng, phong phú đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ. Ảnh: HP. 

Với ý nghĩa to lớn về môi trường, cảnh quan, vẻ đẹp sinh thái nguyên sơ, UBND TP.Tam Kỳ cho biết, địa phương đang khẩn trương chuẩn bị nội dung, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để hoàn thiện hồ sơ tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ công nhận Khu bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học sông Đầm.

Mục đích của việc thiết lập khu bảo tồn này là bảo vệ, phục hồi các loài thủy sản, động thực vật quý hiếm có giá trị bảo tồn và giá trị kinh tế đặc trưng. Duy trì các chức năng sinh thái, liên kết giữa các sinh cảnh của thiên nhiên đất ngập nước. Giảm thiểu những tác động làm suy giảm chất lượng môi trường sống, cấu trúc của hệ sinh thái, đa dạng sinh học, tăng khả năng chống chịu của các hệ sinh thái, thích ứng với những biến động của biến đổi khí hậu.

Khu bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học sông Đầm được xúc tiến thành lập sẽ là đòn bẩy để Tam Kỳ đưa sông Đầm thành điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm có thương hiệu của Quảng Nam. Khi đó, tiếp tục phục hồi cây xanh bản địa, xây dựng bến thuyền, nhà đón tiếp khách. Đầu tư khu ngắm cảnh và sinh hoạt trải nghiệm sông Đầm; củng cố các tổ hội nghề nghiệp; phát triển các dịch vụ tạo sinh kế ven bờ. Hình thành các dịch vụ du lịch trải nghiệm độc đáo, đặc sắc theo hướng xanh, sinh thái, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, hướng đến sinh kế bền vững cho các hộ dân sinh sống xung quanh sông Đầm.

Tại huyện Núi Thành, Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất thiết lập Khu bảo tồn biển xã Tam Hải, Núi Thành” đang được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Viện Hải dương học tổ chức thực hiện. Đề tài sắp được nghiệm thu, bàn giao để có nền tảng khoa học thực hiện sản phẩm cụ thể là thiết lập Khu bảo tồn biển xã Tam Hải. Tại tỉnh Quảng Nam, trong các hệ sinh thái tự nhiên của tỉnh phải kể đến hệ sinh thái biển và ven bờ. Hệ sinh thái này đóng vai trò rất quan trọng về phương diện cung cấp nguồn thực phẩm, nơi cư trú, bãi đẻ và ươm giống cho rất nhiều đối tượng sinh vật, duy trì cân bằng sinh thái. Trong đó, khu vực xã đảo Tam Hải là một trong những nơi có đa dạng sinh học cao của Quảng Nam.

Các vùng đất ngập nước ở khu vực xã Tam Hải và lân cận được chia thành 3 nhóm: đất ngập nước ven biển, ven đảo; đất ngập nước nội địa; đất ngập nước nhân tạo. Vùng đất ngập nước ven biển, ven đảo tại Tam Hải và khu vực lân cận. Đây là vùng biển ven bờ, ven vũng, vịnh và chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ hải văn, được giới hạn đến độ sâu 6m tính từ đường mép nước biển thấp nhất trong vùng nhiều năm, diện tích khoảng 1.741ha. Về thảm cỏ biển: bãi triều thấp có cỏ biển nằm thấp dưới mực nước trung bình. Cỏ biển phân bố tập trung ở ven bờ xã Tam Quang, Tam Giang, Cồn Si (Tam Hải)... với tổng diện tích khoảng 78,4ha. Rạn san hô tại khu vực biển Bàn Than thuộc kiểu rạn nền trên các bãi cạn trước cửa vịnh An Hòa và bãi Rạn Lớn.

Theo kết quả điều tra, khảo sát của Viện Hải dương học, vùng biển Tam Hải hiện có gần 78,4ha thảm cỏ biển, 196,7ha san hô và rừng ngập mặn có diện tích 110ha với 173 loài san hô cứng, 174 loài cá rạn san hô, 44 loài thuộc nhóm động vật không xương sống kích thước lớn và 66 loài rong biển; trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao và là nguồn kinh tế chính của cư dân xã đảo.

Khu vực xã đảo Tam Hải là một trong những nơi có đa dạng sinh học cao của Quảng Nam. Ảnh: PV.  

UBND huyện Núi Thành cho biết, cùng với mặt trái phát triển kinh tế - xã hội và sự tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, đa dạng các hệ sinh thái biển Tam Hải. Vì vậy thiết lập Khu bảo tồn biển Tam Hải sẽ là công cụ quản lý tài nguyên, đa dạng sinh học, sinh thái biển hữu hiệu, bảo toàn tính bền vững của vùng biển và các ngành kinh tế biển dựa vào nguồn lợi tự nhiên. 

Quảng Nam là khu vực có nhiều hệ sinh thái rừng và biển rất đặc trưng, mang lại nhiều giá trị cảnh quan và kinh tế; là nơi phân bố của các loài quý hiếm, đặc hữu như sao la, hổ và voi châu Á, voọc chà vá chân xám, khướu Ngọc Linh, mang Trường Sơn, sâm Ngọc Linh, san hô, cỏ biển… Hiện tỉnh Quảng Nam có 7 khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập, bao gồm một phần Vườn quốc gia Bạch Mã, Vườn quốc gia Sông Thanh, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi, Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh, Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hoá Mỹ Sơn, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Trong thời gian qua, Quảng Nam là một trong những tỉnh tiên phong trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, là một trong các tỉnh sớm ban hành Chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng phía tây (năm 2005); phê duyệt kế hoạch hành động đa dạng sinh học đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Đặc biệt, tỉnh đã tranh thủ được nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, xúc tiến thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi tại huyện Nông Sơn (2018); Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh (2019) và thiết lập hành lang đa dạng sinh học tỉnh (2019).

Quảng Nam được chọn là địa phương tiên phong khởi động Năm khôi phục đa dạng sinh học quốc gia 2024 trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn tích cực triển khai các cam kết quốc tế quan trọng như các mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) tại COP15 năm 2022 và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 tại COP26. Trong khuôn khổ Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia, Quảng Nam sẽ tổ chức nhiều chuỗi sự kiện quan trọng như: Các diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học về đa dạng sinh học từ tháng 3 đến tháng 11/2024; các hoạt động nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học; tổ chức các đoàn cho báo chí đi khảo sát và quảng bá đa dạng sinh học; tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến bảo vệ đa dạng sinh học.

Minh Trang

Nguồn: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn -Đăng ngày 15/04/2024