Du lịch 'mùa nước nổi' miền Tây: Khai thác tận thu, lợi bất cập hại

Cập nhật: 25/11/2009
Đến hẹn lại lên, bắt đầu từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 10 âm lịch hàng năm, các tỉnh miền Tây lại bước vào mùa nước nổi. Đánh thức tiềm năng du lịch vùng đất "Chín Rồng", nhiều tour "mùa nước nổi" được các đơn vị du lịch đưa vào hoạt động, giúp người dân địa phương có thêm thu nhập từ nhiều dịch vụ tận dụng ngư cụ, lao động nhàn rỗi.

Tuy nhiên, nguy cơ ô nhiễm môi trường, sự phát triển không bền vững cho chính địa phương khi đưa vào khai thác du lịch gần như vẫn là vấn đề hoàn toàn bị bỏ ngỏ.

Hấp dẫn và nhiều thuận lợi để khai thác du lịch

Nếu xuất phát từ An Giang, mỗi người chỉ tốn 400.000 đồng/tour du lịch mùa nước nổi 2 ngày 1 đêm. Nếu xuất phát điểm từ TP HCM thì chi phí gần 800.000 đồng. Những câu chuyện pha chút huyễn hoặc của dân gian với bức tượng Phật Di Lặc cao đến 33m ngự trên Núi Cấm, những câu chuyện lịch sử đã trở thành huyền thoại của những chùa Vạn Ninh, Dinh Sơn Trung, khu căn cứ Bảy Thưa cho đến những phút giây thư giãn thú vị, vừa có thể trực tiếp tham gia bắt cua, cá ốc, vừa nhâm nhi thưởng thức những món ăn dân dã ngay trên con thuyền neo tạm dưới bóng cây giữa cánh đồng nước mênh mông sẽ hứa hẹn du lịch mùa nước nổi An Giang trở thành địa chỉ hấp dẫn nhiều du khách nếu biết khai thác đúng.

Tại Láng Linh, ông Trịnh Văn Điệp, Phó Chủ tịch xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, Tiền Giang, một trong những người dành khá nhiều tâm huyết để phối hợp đưa du lịch mùa nước nổi về địa phương mình tự hào "khoe" rằng: Chỉ riêng khu Láng Linh rộng đến hơn 4.000ha, thuộc ba huyện Châu Thành, Châu Phú và Tri Tôn. Người dân chỉ trồng lúa 1 vụ.

Từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, nước ngập trắng đồng. Thời điểm nước dâng cao nhất có khi lên đến hơn 1m. Quen sống chung với nước nên thực tế, từ bao đời nay, mùa nước nổi này lại trở thành mùa thuận lợi cho việc kiếm sống của người dân địa phương.

Ngoài giăng câu, bắt cá họ còn lặn ốc, bắt cua. Từ năm 2009, An Giang chủ trương khai thác thêm du lịch, vừa tận dụng nhân công, ngư cụ nhàn rỗi trong nhân dân, vừa quảng bá hình ảnh địa phương và phát triển kinh tế.…

Để phục vụ khách, xã phối hợp với đơn vị lữ hành mượn dân địa phương mang ghe nhàn rỗi đến cho thuê. Cá, cua, ốc khách có thể tham gia bắt, bông điên điển có thể tham gia hái nhưng để chế biến thành các món đặc sản địa phương để thưởng thức ngay trong cuộc hành trình thì hầu hết khách chưa tự chế biến được. Đây cũng là cơ hội để các bà, các chị người địa phương trổ tài để có thêm thu nhập.

Trước khi tới thưởng ngoạn tại các điểm đến Láng Linh, Dinh Sơn Trung, khu căn cứ Bảy Thưa, tại Núi Cấm, khách du lịch cũng được thưởng thức rất nhiều đặc sản khác: Cua núi rang me, cháo tắc kè, gỏi tắc kè…

Tuy nhiên, theo lời bà Lê Thị Kiều, Phó Giám đốc Công ty Du lịch An Giang thì toàn bộ đặc sản này là của núi rừng Thất Sơn (7 ngọn núi của An Giang). Đến thời điểm này, tùy theo từng thời điểm trong năm mà việc khai thác từng "món" đặc sản từ thiên nhiên vẫn khá thuận lợi, đủ cung cấp cho nhu cầu của khách.

Thiếu kế hoạch bảo tồn, địa phương đối mặt với nhiều hệ lụy đi kèm

Không biết cua núi và tắc kè có sẵn nhiều thực không nhưng cá, cua, ốc trên Láng Linh mà chúng tôi có dịp mục sở thị thì quả là phong phú. Chỉ một loáng men theo rặng cây và lặn ngụp giữa đồng, hai chiếc chậu đựng ốc của hai đứa trẻ được thuê theo đoàn để lặn ốc đã lưng lửng. Phạm Văn Mặng, một trong hai đứa trẻ được thuê đến để lặn, mò ốc cho khách du lịch cho biết: Mặng mới 13 tuổi, đang học lớp 6.

Khi tour du lịch "mùa nước nổi" được đưa vào hoạt động nên Mặng có thêm nhiệm vụ kể trên. Mỗi buổi như thế này, các em được chủ cho 20.000 đồng. Bữa nào Mặng có khách "bo" thêm vài chục ngàn thì coi như bội thu.

Thời điểm chúng tôi đến trùng với thời gian Mặng đến lớp nên em xin cô giáo cho nghỉ tạm. Em bảo có thể học bù chứ không thể bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền… Nói rồi cậu bé thoăn thoắt trèo lên tán cây, ngay phía trên nơi con thuyền chở đoàn du khách neo tạm. Thời gian vùn vụt trôi. Khi khách ấm bụng, nhà thuyền dẹp đồ nghề đưa đoàn trở về, toàn bộ phế phẩm từ cuộc vui đều được chủ thuyền hồn nhiên đổ tuốt xuống mặt nước.

Nhìn những nilon, phế phẩm lềnh phềnh trên mặt nước, chúng tôi chợt lo rằng, một thuyền, mười thuyền, trăm thuyền đều một cách làm như thế, có lẽ, chả mấy thời gian nữa, cá, cua ốc và cả cái sự trù phú của đồng bằng sông nước này cũng "sợ" mà kéo nhau đi mất.

Đem nỗi băn khoăn ấy cùng với câu chuyện bỏ học đi theo thuyền của cậu bé Phạm Văn Mặng chia sẻ với hướng dẫn viên tên Châu, một trong số những người con của An Giang, anh cười buồn và kể thêm rằng, để nhận thức của người dân được như hiện nay đã là cả một quá trình dài.

Không nói đâu xa, chỉ cách nay khoảng dăm năm, nhiều giáo viên trong vùng còn phải đến năn nỉ cả cha mẹ lẫn học sinh mới kéo được các em tới trường. Hy vọng sự mở mang giao tiếp sẽ giúp người dân tiến bộ hơn.

Tuy nhiên, theo thiển ý của chúng tôi, nếu các tour du lịch mùa nước nổi được tiếp tục phát triển, người dân có cơ hội kiếm thêm thu nhập nhưng nếu cứ theo đà khai thác mà không có kế hoạch bảo vệ môi trường, hoạch định phát triển lâu dài và bền vững thì chắc chắn, người gánh chịu những hệ lụy sau này không ai khác vẫn chính là những người dân địa phương lam lũ.


Nguồn: Công an nhân dân