Du lịch di sản không thể khai thác kiểu tận thu

Cập nhật: 20/07/2012
Đưa di sản vào khai thác, phát triển du lịch không phải là cách làm mới nhưng chúng ta vẫn chưa thực hiện chuyên nghiệp và có cơ sở khoa học khiến việc bảo tồn giá trị di sản bị ảnh hưởng.

 

 

Sau khi được thế giới bầu chọn là Kỳ quan thiên nhiên mới, du lịch Hạ Long đang phấn đấu để trở thành điểm đến có thương hiệu quốc tế. Một cuộc hội thảo quốc tế sẽ được Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức vào ngày 24/7 nhằm tìm hướng đi đột phá cho du lịch của Di sản thiên nhiên thế giới, kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, làm thế nào để di sản có thể thu hút được du khách, làm sao để du lịch không làm ảnh hưởng tới di sản, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu, phát triển du lịch (đơn vị tham vấn của hội thảo) về vấn đề này.

 

+ Thưa ông, đưa di sản vào phát triển du lịch không phải là vấn đề mới ở nước ta cũng như trên thế giới. Vậy, cuộc hội thảo với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long- Tầm nhìn mới” sẽ có ý nghĩa thế nào?

 

- Đúng vậy. Đưa di sản vào khai thác du lịch không phải là việc lần đầu chúng ta làm, nhưng vẫn cần những bài học mới để phát huy giá trị của di sản trong đời sống thực tế. Bởi vậy, ngoài việc chúng ta đã làm để được công nhận là di sản tầm cỡ thế giới, nhiệm vụ của chúng ta là phải đưa di sản vào thu hút, phát triển du lịch.

 

Còn nhiều việc  phải làm để Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới Vịnh Hạ Long vươn tới một thương hiệu về du lịch di sản, là điểm đến quốc tế (Ảnh: Ngọc Thành)

 

Tham vọng lớn nhất của chúng tôi khi tổ chức hội thảo này là tìm ra sự đột phá, theo đúng nghĩa của nó để cho du lịch Hạ Long phát triển ở tầm mới. Nói như vậy không có nghĩa là du lịch Hạ Long không phát triển, nhưng nếu chúng ta vẫn tiếp tục làm như trước đây, thì du lịch Hạ Long có phát triển nhưng không có đột phá. Đây là cơ hội để chúng ta tranh thủ trí tuệ của các chuyên gia, các nhà quản lý, trong nước và quốc tế nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể, cùng với chương trình hành động để tạo ra đột phá, tầm nhìn mới.

 

+ Như vậy có thể tin tưởng, sau hội thảo, du lịch Hạ Long sẽ có chuyển biến, sẽ trở thành thương hiệu quốc tế như chúng ta vẫn mong muốn không, thưa ông?

 

- Giữa những cái chúng ta mong muốn và thực tế còn có khoảnh cách. Chúng ta có mong muốn, có ý chí nhưng để thành hành động cụ thể thì phải chuyển biến ý thức. Điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phải làm sao để người dân Hạ Long, Quảng Ninh nói riêng và người Việt Nam thấy được vị trí của Vịnh Hạ Long trong du lịch Việt Nam. Hạ Long là điểm đến của Việt Nam, của quốc tế. Nó không chỉ là niềm tự hào, mà còn mang lại cho chúng ta lợi ích vật chất để phát triển kinh tế, xã hội. Nếu nhận thức đầy đủ thì môi trường xã hội phát triển, giúp cho Hạ Long “bứt” lên được. Đây là góc độ nhận thức xã hội. Ngoài ra còn nhiều yếu tố chúng ta cần làm nữa. Chúng ta phải nhìn thẳng để rút kinh nghiệm, để du lịch Hạ Long thực sự trở thành điểm đến của thế giới.

 

+ Chúng ta đã đưa di sản vào khai thác và phát triển du lịch từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại du lịch làm ảnh hưởng đến giá trị di sản nên không phải di sản nào cũng phải đưa vào phát triển du lịch. Đánh giá của ông về vấn đề này như thế nào?

 

- Tôi không đồng tình quan điểm này. Không phải chúng ta đóng di sản lại là giữ được nó. Theo tư duy vận động, nếu chúng ta đóng lại thì không phát huy được nó, không ai biết đến nó. Từ đó sự tôn trọng với di sản sẽ hạn chế. Mà sự tôn trọng mất đi thì di sản sẽ mai một.

 

Vấn đề không phải là đưa di sản vào khai thác du lịch hay không mà là làm sao quản lý được tác động đối của du lịch với di sản, kể cả vật thể và phi vật thể. Chúng ta cần tổ chức tốt chứ không phải có du lịch là làm tác động xấu đến di sản. Nhìn ra thế giới, nhiều lễ hội có sự tham gia của hàng triệu khách du lịch mà người ta vẫn tổ chức được, người dân hài lòng, khách quốc tế hài lòng như lễ hội Canaval ở Brazil, khi sự tham gia của du khách quốc tế là hàng triệu người mà sao họ vẫn tổ chức tốt.

 

Chúng ta phải suy nghĩ trong cơ chế động, thế giới luôn vận động, không có gì có thể bó lại và giữ yên nó được. Di sản không ai biết đến thì không thể phát huy được. Chưa kể, du lịch là đem lại nguồn lực tài chính để quay lại bảo tồn di sản. Quan trọng là chúng ta làm như thế nào, đấy là những vấn đề mà hội thảo sẽ bàn tới.

 

+ Tuy nhiên, trên thực tế, những lo ngại du lịch làm di sản bị ảnh hưởng là có căn cứ. Bởi du lịch di sản của chúng ta vẫn chưa phát huy được hiệu quả phát triển du lịch?

 

- Đó là vì chúng ta chưa làm chuyên nghiệp, thiếu cơ sở khoa học. Chúng ta mong muốn phát triển du lịch để tác động lại đến phát huy và bảo tồn di sản, nhưng chúng ta vẫn chưa làm được như mong muốn, đó là thực tế chúng ta phải nhìn nhận.

 

Tới đây, với trách nhiệm rõ ràng hơn của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, với cách phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu tính đến hiệu quả, bao gồm cả hiệu quả phát huy giá trị di sản, chúng ta sẽ có phương án khai thác gắn với bảo tồn, phát huy.

 

+ Vậy làm cách nào để trách nhiệm được rõ ràng hơn trong câu chuyện này, thưa ông?

 

- Thực tế, các doanh nghiệp chỉ quan tâm lợi nhuận. Chúng ta không trách họ được. Vấn đề là chúng ta chưa đề ra cơ chế, quy định, để làm sao khi doanh nghiệp làm du lịch dù muốn hay không muốn cũng phải có trách nhiệm với công tác bảo tồn và phát huy di sản. Đó là vì các nhà quản lý của chúng ta chưa có cơ chế để quản lý. Kinh doanh trên di sản thì phải có trách nhiệm với di sản. Khi chưa có nhận thức đầy đủ thì phải có cơ chế ràng buộc, nhưng khi nhận thức phát triển, thì tôi tin là họ sẽ tình nguyện tham gia vào bảo tồn di sản. Bởi chỉ có bảo tồn thì di sản mới đem lại cho họ nguồn lợi du lịch bền vững, chứ không phải là khai thác tận thu.

 

+ Xin cám ơn ông!

Nguồn: Toquoc.vn