Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long – Tầm nhìn mới

Cập nhật: 30/07/2012
Ngày 24/7/2012, tại khách sạn Saigon Hạ Long, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội thảo quốc tế bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long – Tầm nhìn mới.

Tham dự hội thảo có nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, cùng đại diện các Bộ, Ngành, các đơn vị của tỉnh Quảng Ninh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định: Với những giá trị nổi bật về tự nhiên và văn hóa của di sản vịnh Hạ Long, những năm qua, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh và đến Hạ Long không ngừng tăng. Năm 2011, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh đạt hơn 5,5 triệu lượt khách, trong đó 2,3 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch đạt gần 4.000 tỷ đồng, tạo ra hàng chục ngàn việc làm chọ người lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng số khách đến Quảng Ninh đạt 4,2 triệu lượt, trong đó, 1,2 triệu lượt khách quốc tế. Hoạt động du lịch tại Hạ Long đã và đang lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực đời sống xã hội và khẳng định vị thế quan trọng trong cơ cấu kinh tế xã hội Quảng Ninh và trở thành điểm đến nổi bật của Du lịch Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nêu rõ: Chúng ta từng chứng kiến những thời điểm lịch sử khi vịnh Hạ Long được vinh quang đón nhận danh hiệu Di sản Thiên nhiên thế giới tháng 12/1994 với giá trị ngoại hạng về cảnh quan đá vôi Kast và tháng 11/2000 với giá trị ngoại hạng về địa chất, địa mạo do tổ chức UNESCO đầy uy tín vinh danh. Nhưng niềm vinh quang dành cho vịnh Hạ Long chưa dừng lại ở đó. Cách đây ba tháng, chúng ta lại được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử mới khi vịnh Hạ Long chính thức được công nhận là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Đây thực sự là một điều kỳ diệu. Chúng ta đã kiên trì và nỗ lực không mệt mỏi cùng với sự ủng hộ, góp sức của bạn bè bốn biển năm châu, tổ chức và duy trì một cuộc bầu chọn cho Hạ Long, một cuộc chạy đua cùng hàng trăm địa danh khác trên khắp hành tinh, một chiến dịch kéo dài suốt 4 năm, một chiến dịch không dành cho những ai hụt hơi, yếu sức, thiếu kiên định. Sự kiện này một lần nữa mở ra một trang mới rạng rỡ cho Hạ Long…

Những thành tựu trên là to lớn và rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, bất kỳ ai tâm huyết với Hạ Long đều không thể không trăn trở, mong muốn chúng ta cần phải và có thể làm nhiều hơn như thế để đảm bảo cho Hạ Long một tương lai phát triển bền vững, tính toàn vẹn và giá trị của Hạ Long được bảo vệ, hiệu quả đầu tư và phát triển được nâng cao. Lúc này là thời điểm thích hợp để chúng ta điềm tĩnh nhìn lại chặng đường đã đi qua; đánh giá đúng mức những thành tựu và tồn tại, hạn chế; nhận diện rõ cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn để từ đó định vị tầm nhìn, đưa ra kế hoạch hành động và những giải pháp thực sự phù hợp để Hạ Long xứng đáng với vị thế và hình ảnh của di sản thiên nhiên và kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Các đại biểu tham gia hội thảo đã thảo luận xoay quanh các chủ đề: thực trạng, cơ hội và thách thức đối với di sản thế giới vịnh Hạ Long; vị thế mới và tầm nhìn, giải pháp phát huy giá trị kỳ quan thiên nhiên thế giới mới vịnh Hạ Long; định hướng phát triển thương hiệu du lịch vịnh Hạ Long giai đoạn mới.

Về quan điểm bảo tồn, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan cho rằng không nên xây dựng những công trình trên vịnh như đã có ý tưởng về cáp treo, hay nhưng công trình bê tông hóa, nếu xây chỉ xây những công trình phải hài hòa. Không nên xây dựng phá vỡ cảnh quan. Ở trên bờ vịnh, nên di chuyển những nơi ô nhiễm ra khỏi vịnh, không nên tiếp tục sẻ núi, xây dựng các công trình, khi nhìn từ ngoài vình vào bờ thấy nham nhở… Nên phát triển các hoạt động du lịch, cơ sở lưu trú ra khu vực Bái Tử Long. Hiện tại, trên bờ vịnh chưa có khu nghỉ dưỡng đúng nghĩa để kéo dài thời gian lưu trú. Ngay cả Tuần Châu cũng chưa xứng tầm khu nghỉ dưỡng vì thiếu không gian, dịch vụ…

Theo Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam TS. Phạm Từ, việc xây dựng ở khu vực Bãi Cháy đã phá hỏng cảnh quan ở đây. Hiện nay, Quảng Ninh đang tiếp tục phát triển du lịch khu vực Vân Đồn. Đây là một bài học đắt giá cần được Quảng  Ninh rút kinh nghiệm. Không nên tổ chức tour trực thăng bay trên vịnh, vì hoạt động này sẽ gây nên tiếng ồn.

Về phát triển nguồn nhân lực, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch TS. Nguyễn Văn Lưu chia sẻ: nhân lực là yếu tố quan trọng để phát triển điểm đến Hạ Long. Về đào tạo, hiện nguồn nhân lực phục vụ du lịch đã qua đào tạo ở Quảng Ninh đạt trên 40%, do đó trên 50% còn lại cần được đào tạo. Cần tập trung đào tạo cán bộ, công chức quản lý về du lịch và những cán bộ quản lý hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn.

Các diễn giả quốc tế đến từ Singapore, Hàn Quốc, Dự án phát triển nguồn nhân lực có trách nhiệm với môi trường và xã hội cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm hay về bảo tồn và phát triển điểm đến tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nêu rõ: Để phát triển Hạ Long bền vững cần tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó bảo tồn là quyết định, cần giữ giá trị di sản và giữ các nguồn lực (vật chất và tinh thần); nêu cao trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với Hạ Long. Đẩy mạnh quy hoạch khu, tuyến, điểm; đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại Hạ Long, Quảng Ninh…

Nguồn: VTR