Chất thải rắn ngày càng nhiều tại đô thị du lịch

Cập nhật: 10/08/2012
Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2011 đã chọn chủ đề chất thải rắn làm nội dung chính để công bố hôm qua tại Hà Nội. Thời gian qua, chất thải rắn (CTR) phát sinh tại các đô thị, khu công nghiệp và cả ở các vùng nông thôn ngày càng gia tăng với thành phần phức tạp. Lượng CTR phát sinh tăng trung bình khoảng 10% mỗi năm, trong đó chủ yếu phát sinh từ đô thị, từ hoạt động công nghiệp, nông thôn, làng nghề và y tế chiếm phần còn lại.

Giai đoạn 2006-2007 lượng CTR tập trung chủ yếu ở đô thị loại đặc biệt như Hà Nội và TP HCM nhưng tới 2011, CTR đô thị đã tăng lên cả ở đô thị loại I.

Chỉ số phát sinh CTR sinh hoạt tính bình quân trên đầu người lớn nhất xảy ra ở các đô thị phát triển du lịch như các TP Hạ Long, Hội An, Đà Lạt, Ninh Bình.

Trong thành phần rác thải đưa tới các bãi chôn lấp, thành phần rác có thể sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ rất cao từ 54-77%, tiếp theo là các thành phần nhựa: 8-16%...

Báo cáo cũng cho hay, các loại túi nilon được sử dụng tràn lan chủ yếu là loại túi siêu mỏng, khi thải bỏ rất khó thu gom toàn bộ. Đây cũng là loại chiếm khá lớn trong thành phần nhựa thải.

Nếu tính trung bình, mỗi hộ gia đình ở đô thị thải khoảng 3-10 túi nilon các loại/ngày thì lượng nhựa là túi nilon thải ra mỗi ngày vào khoảng hơn 10 tấn tới 52 tấn nhựa/ngày. Chính vì nhỏ, mỏng ít có giá trị với người thu gom, tái chế nên tồn tại khá nhiều trong các bãi chôn lấp và hầu như không bị phân hủy.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Nguyễn Minh Quang, việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy CTR đã và đang trở thành bài toán khó đối với với Việt Nam. Trong khi dự báo đến năm 2015, CTR đô thị và công nghiệp sẽ tăng lên mức 51% và 22%.

Trong khi đó, việc quản lý và xử lý không hợp lý không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người đặc biệt là người dân sống gần khu vực làng nghề, khu công nghiệp, bãi chôn lấp rác thải… Điều này cũng khiến các cộng đồng dân cư xung đột nhau và xung đột với chính quyền như tại Đà Nẵng, Hà Nội, Nghệ An, Đồng Nai…

Người dân sống gần bãi rác không hợp vệ sinh có tỷ lệ mắc các bệnh da liễu, viêm phế quản, đau xương khớp cao hơn hẳn những nơi khác. Nghiên cứu cho hay, tại Lạng Sơn tỷ lệ người dân ốm và mắc các chứng bệnh như tiêu chảy, da liễu, hô hấp… tại khu vực chiu ảnh hưởng của bãi rác cao hơn hẳn so với khu vực không bị ảnh hưởng.

Báo cáo cho biết, hiện chưa có số liệu đánh giá đầy đủ về sự ảnh hưởng của các bãi chôn lấp rác thải tới sức khỏe của những người làm nghề nhặt rác thải. Nhưng những người này thường xuyên phải chịu ảnh hưởng ở mức cao do bụi, mầm bệnh, chất độc hại, các loại hơi khí độc hại trong suốt quá trình làm việc. Vì vậy, các chứng bệnh thường gặp ở đối tượng này là các bệnh về cúm, lỵ, giun, dạ dày, tiêu chảy…

Ngoài ra, hai thành phần của chất thải rắn được liệt kê vào loại cực kỳ nguy hiểm là kim loại nặng và chất hữu cơ khó phân hủy. Các chất này có khả năng tích lũy sinh học trong nông sản, thực phẩm cũng như mô tế bào động vật, nguồn nước và tồn tại bền vững trong môi trường gây ra loạt bệnh nguy hiểm đối với con người như vô sinh, quái thai, dị tật ở trẻ sơ sinh, tác động lên hệ miễn dịch gây ra các bệnh tim mạch, tê liệt hệ thần kinh, giảm khả năng trao đổi chất trong máu, ung thư và có thể di chứng, di tật sang thế hệ thứ 3.

Tại các vùng nông thôn, chất thải nông nghiệp đặc biệt là chất thải chăn nuôi cũng đang là vấn đề bức xúc của người dân.

Với nhiều vấn đề còn nan giải như vậy nhưng tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ các khu đô thị, khu công nghiệp, chế xuất chỉ khoảng 80-82%. Trong đó phần lớn chưa phân loại tại nguồn mà thu gom lẫn lộn, vận chuyển đến bãi chôn lấp.

Được biết, tới thời điểm này, hầu hết các địa phương chưa xây dựng quy hoạch quản lý CTR. Hiện mới chỉ có một vài địa phương lập quy hoạch quản lý CTR như TP HCM, Bình Định, Đắk Lắk, Quảng Ninh.

Báo cáo Môi trường Quốc gia 2011 kiến nghị Quốc hội và Chính phủ rà soát điều chỉnh, định hướng chiến lược bảo vệ môi trường trong đó có chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR phù hợp với điều kiện thực tế theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2020 và sau năm 2020.

Tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về CTR; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn giữa các Bộ, ngành; xác định rõ cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với CTR ở cấp Trung ương và địa phương. Ban hành các cơ chế thích hợp để đẩy mạnh chính sách công nghệ xử lý CTR theo hướng giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng...

Nguồn: Toquoc