Sa Pa – sức hút của du lịch và BĐS nghỉ dưỡng

Cập nhật: 01/10/2012
Nhắc đến Sa Pa là người ta nghĩ ngay đến địa danh du lịch nổi tiếng với những lợi thế về khí hậu, cảnh quan cùng với nền văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc.

Khu du lịch Sa Pa thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai là một thị trấn nghỉ mát đẹp và thơ mộng nằm ở độ cao trung bình từ 1.500m - 1.800m so với mực nước biển, cách Hà Nội khoảng 400 km về phía Tây Bắc và cách biên giới Việt - Trung 40 km. Sa Pa nằm ở sườn phía Đông của dãy núi Hoàng Liên Sơn, thuộc phần cuối của dải Hymalaya với những đặc tính riêng biệt.

Trong địa phận huyện Sa Pa có đỉnh Phan Xi Păng là đỉnh núi cao nhất Đông Dương cách mực nước biển 3.143m. Phía Tây của huyện có Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hoàng Liên Sơn đã được xây dựng từ năm 1994 nhằm gìn giữ phần rừng còn lại trên triền núi Phan Xi Păng. Sa Pa được thành lập từ năm 1918 với mục đích là nơi du lịch nghỉ dưỡng và là nơi để người dân tộc thiểu số tiến hành các hoạt động giao lưu văn hoá và hàng hoá.

Nằm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển nên Sa Pa có khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình trong năm từ 15ºC đến 18ºC, nhiều khi xuống dưới 0ºC và có năm có tuyết rơi.

Với sự ưu đãi của thiên nhiên, Sa Pa đã trở thành một điểm hút du lịch nghỉ dưỡng khá cao cùng với các loại hình khác như Du lịch tham quan nghiên cứu, du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm…

Theo thống kê của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Sa Pa lượng khách nội địa đến Sa Pa du lịch trong năm 2011 đạt gần 408.000 lượt, tăng 88.310 lượt so với năm 2010. Bên cạnh đó, lượng khách quốc tế đến Sa Pa du lịch trong năm 2011 đạt 112.887 lượt. Như vậy, trong năm 2011, Sa Pa đã đón 520.808 lượt khách, đạt 115% kế hoạch, trong đó đã cấp thẻ đi tham quan các tuyến cho 23.550 đoàn, doanh thu phí tham quan đạt 7 tỷ đồng.

Tiềm năng về bất động sản nghỉ dưỡng

Với số lượng khách lưu trú trong năm rất lớn, Sa Pa thực sự là một địa chỉ hấp dẫn cho các nhà đầu tư về bất động sản nghỉ dưỡng trên địa bàn. Chỉ tính riêng Sa Pa đang hiện có gần 200 cơ sở lưu trú nhưng số lượng khách sạn có chất lượng chưa nhiều. Đa phần là các nhà nghỉ tư nhân loại nhỏ; chỉ có khoảng 50 khách sạn và nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn hạng A; 5 khách sạn 2 sao; 1 khách sạn 3 sao và 1 khách sạn 4 sao và nhà nghỉ.

Để tăng cường cho việc phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng tốt nhu cầu của du khách UBND tỉnh Lài Cai đã công bố quy hoạch đô thị du lịch Sa Pa với diện tích gấp đôi hiện nay (khoảng 4.637 ha), chưa kể vùng phụ cận mở rộng tới 9 xã ngoại vi (khoảng 35.000 ha). Theo đó, đô thị du lịch Sa Pa sẽ gồm 9 phân khu chức năng. Đô thị Sa Pa mới có 5 vùng du lịch, phát triển trên cơ sở các không gian du lịch đặc trưng gồm: vùng du lịch đô thị cổ; vùng du lịch di sản gắn với cảnh quan sinh thái nông nghiệp; vùng du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc; vùng du lịch khám phá cảnh quan sinh thái nguyên sinh. Ngoài ra, còn phát triển mạng lưới điểm, tuyến du lịch liên kết, bổ trợ lẫn nhau, tạo sự đa dạng, phong phú, hấp dẫn của vùng du lịch đặc hữu, đạt tiêu chuẩn tầm cỡ quốc tế

Mới đây dự án trọng điểm của tỉnh Lào Cai : Mercure Sapa Resort & Spa do Công ty CP Trường Giang Sa Pa làm chủ đầu tư có quy mô 47,45ha với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng cũng đã bắt đầu khởi động và dự kiến hoàn thành vào quý IV năm 2015. Dự án là tổ hợp nhà phố và trung tâm thương mại kết hợp với khu nghỉ dưỡng, khách sạn, trung tâm biểu diễn nghệ thuật hiện đại, gần gũi với thiên nhiên và đậm đà sắc thái bản địa, đáp ứng nhu cầu giải trí, nghỉ dưỡng, kinh doanh và sở hữu bất động sản tại Sa Pa

Một số dự án đầu tư lớn cũng đã và đang được triển khai như: dự án Cải tạo và nâng cấp chợ phố cổ Sa Pa; dự án Nâng cấp Khu du lịch Cát Cát; dự án Nâng cấp Khu du lịch Thác Bạc; dự án Nâng cấp Khu du lịch núi Hàm Rồng; dự án tôn tạo Bãi đá cổ Sa Pa; dự án Xây dựng trung tâm bảo tồn văn hóa dân tộc Dao đỏ ở Tả Phìn...

Sự đồng bộ đang được hoàn thiện như giao thông, lưu trú, các cơ chế chính sách thu hút đầu tư đang dần biến Sa Pa thành điểm đến của các nhà đầu tư và du khách./.

Nguồn: Dothi.net