Áp dụng hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường gắn với phát triển làng nghề

Cập nhật: 09/11/2012
Ngày 6/11, tại Bắc Giang, Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN & MT) tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo “Áp dụng hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường gắn với phát triển làng nghề của cộng đồng lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy”. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy như: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Bắc Giang.

Theo Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường: Toàn quốc hiện có gần 50% số làng nghề và làng có nghề tập trung ở lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, khiến cho nguồn nước lưu vực này đã và đang bị ô nhiễm ngày càng nặng nề do phải tiếp nhận chất thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề… Thời gian qua, nhiều mô hình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng như: Mô hình cam kết bảo vệ môi trường; mô hình tự chủ, tự quản kiểm soát ô nhiễm môi trường; mô hình lồng ghép yếu tố môi trường trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; mô hình làng năng suất xanh và phát triển cộng đồng... ở khu vực này đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm thiểu tác động tới chất lượng môi trường lưu vực các con sông.

Hiện nay, toàn quốc có hơn 200 mô hình bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng, trong đó lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy chiếm 17,8%. Điển hình như mô hình cam kết bảo vệ môi trường ở xã Bồ Đề, Lục Bình, Hà Nam; mô hình tự chủ, tự quản kiểm soát ô nhiễm môi trường của Hợp tác xã Nước sạch và vệ sinh môi trường ở Hiệp Hòa, Bắc Giang; mô hình Làng kinh tế sinh thái người Dao ở Ba Vì, Hà Nội…

Tỉnh Bắc Giang có nhiều mô hình bảo vệ môi trường tại cộng đồng như: Câu lạc bộ Vệ sinh môi trường, tổ vệ sinh môi trường... Quy mô và mức độ thành công của các mô hình khác nhau, song đều có một điểm chung là nếu được huy động và tổ chức tốt, cộng đồng sẽ là một lực lượng hùng hậu trong bảo vệ môi trường.

Tại Vĩnh Phúc, để từng bước tháo gỡ, giải quyết vấn đề môi trường nông thôn, tỉnh đã xây dựng điểm các mô hình bảo vệ môi trường như: Mô hình thu gom, xử lý rác thải, mô hình xây hầm biogas… đã đạt được những kết quả nhất định, hình thành mô hình xã hội hóa trong việc thu gom rác thải, giúp người dân nâng cao năng lực, nhận thức và có ý thức, thật sự quan tâm việc giữ gìn vệ sinh môi trường…

Tuy nhiên, những kết quả đạt được của mô hình chỉ là bước đầu, chưa thực sự ổn định, chưa bền vững. Để duy trì sự hoạt động và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường làng nghề dựa vào cộng đồng, các đại biểu cho rằng: Phải xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì việc nhân rộng mô hình; tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm việc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường tiên tiến với sự tham gia của cộng đồng trên phạm vi toàn quốc. Cùng với đó, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển các mô hình bảo vệ môi trường với sự tham gia của cộng đồng; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước tới cộng đồng dân cư làng nghề. Nhà nước cần tiếp tục tăng thêm vốn cho các dự án bảo vệ môi trường; triển khai các hoạt động nghiên cứu và áp dụng vào thực tế các mô hình kĩ thuật thu gom và xử lý nước thải theo cụm gia đình. Đồng thời, tiêu chí thực hiện tốt bảo vệ môi trường làng nghề cần được đưa vào tiêu chí công nhận làng nghề.

Nguồn: monre.gov.vn