Lập hồ sơ công nhận di sản, vinh danh và những định hướng bảo tồn di sản.

Cập nhật: 26/12/2012
Trong vòng 2 năm 2011, 2012 Việt Nam có thêm 04 di sản được Unesco công nhận nâng tổng số di sản thế giới tại Việt Nam lên con số 17 di sản. Mới đây, với hồ sơ của quần thể Tràng An đã hoàn tất và đệ trình lên Unesco, quần đảo Cát Bà hiện đang được khảo sát để lập hồ sơ… có thể thấy danh sách di sản thế giới của chúng ta sẽ tiếp tục tăng trong năm tới.

Di sản thế giới của Việt Nam đã được bảo tồn tốt?

“Di sản thế giới” là danh hiệu của Unesco trao cho các di tích của các quốc gia trên thế giới có giá trị nổi bật toàn cầu theo các tiêu chí nhất định nhằm tôn vinh các di sản văn hóa của nhân loại và kêu gọi, khuyến khích những nỗ lực bảo tồn chúng.

Việc công nhận di sản của Unesco không chỉ đơn giản là việc gắn huân chương cho một di tích, và việc lập hồ sơ cho bất kỳ di sản nào từ di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, hay di sản cần bảo vệ khẩn cấp của một quốc gia cũng không phải chỉ để lấy danh hiệu. Thực chất những hoạt động xét duyệt hồ sơ của Unesco đều dựa trên một Công ước quốc tế về Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Công ước ra đời năm 1972 và hiện đã có 189 quốc gia thành viên, Việt Nam tham gia vào Công ước này năm 1987. Mục tiêu của công ước nằm ở tính hành động chứ không chỉ dừng lại ở việc tôn vinh. Khi tham gia vào Công ước 1972, các quốc gia tự gánh lấy một trách nhiệm quốc tế hết sức nặng nề. Đó là tự nguyện đầu tư tiền bạc, trí tuệ, công sức để giữ gìn và bảo tồn các di tích tại quốc gia mình trước mọi mối đe dọa. Nguyên tắc và tiêu chí sống còn của Công ước là tính trung thực và khoa học, trong đó bảo tồn giá trị nguyên trạng của lịch sử, văn hóa và thiên nhiên là một điều kiện sống còn.

Nhưng trên thực tế nhiều di sản không được bảo tồn theo nguyên tắc và tiêu chí này mà đang được biến thành một thứ danh hiệu để quảng bá và kinh doanh du lịch. Đối với công tác bảo tồn thì Văn hóa và Du lịch là hai khái niệm thường đi ngươc với nhau về xu hướng, cách thực hiện. Một bên phải đầu tư để gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa, vẻ đẹp độc đáo của tạo hóa hay tính lịch sử của di sản, còn bên kia là khai thác thậm chí là “bóc lột” để thực hiện những mục đích kinh tế.

Đây là một câu chuyện nghiêm túc, không phải là chuyện nói cho vui hay biết rồi để đấy. Tổ chức Unesco Thế giới đã từng đánh giá công tác bảo tồn di sản của Việt Nam là thiếu và yếu. Năm 2008 và 2009, Tổ chức Unesco Thế giới đã có cảnh báo về tình trạng ô nhiễm tại Vịnh Hạ Long. Đồng thời cố đô Huế, phố cổ Hội An cũng đã bị nhận những cảnh báo do tham vọng khai thác với một tầm nhìn ngắn hạn…Tuy mới chỉ là cảnh báo nhưng đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh của Unesco gióng lên với các nước đang sở hữu những di sản vô giá mà không biết giữ gìn, khai thác. Cuối năm 2010, Ngân hàng Phát triển Đức KFW đã yêu cầu tỉnh Quảng Bình hoàn trả lại số tiền 200.000 euro trên tổng số 360.000 euro mà Ngân hàng đã tài trợ cho dự án Bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bảng. Lý do ngân hàng KFW đòi tiền tài trợ là bởi địa phương quản lý chưa tốt, việc cháy rừng vẫn thường xuyên xảy ra, những vạt rừng phòng hộ thì nham nhở bởi nạn khai thác trái phép, nguồn nước của động ngày càng ô nhiễm và có rác thải du lịch. Mặc dù ngân hàng Đức không thuộc tổ chức Unesco xong đây cũng là một bài học về công tác bảo vệ di sản của Việt Nam.  Mà không chỉ có những di sản đã bị Unesco nhắc nhở mới cần xem xét lại, trước hàng loạt sự việc xâm hại di sản thời gian vừa qua khiến công chúng không khỏi bức xúc, rất nhiều người đã tỏ ra nghi ngại trước công tác bảo tồn . Đó là chưa kể đến đa phần các di sản sau khi được công nhân đều bị đem ra khai thác theo kiểu tận thu chứ chưa có được những kế hoạch dài hạn cho việc bảo tồn, phát triển. Có thể nhắc đến như: Không gian cồng chiêng Tây Nguyên, sau khi được công nhận đã có rất nhiều những “dị bản” phục vụ khách du lịch; Quan họ với Hội Lim đang ngày càng bị lạm dụng trở nên lộn xộn  với nạn “xin tiền”, tổ chức cẩu thả lấy thành tích; Ca trù không những không được bảo vệ mà ngày càng cần phải được bảo vệ khẩn cấp hơn…Mặc dù mới đây, Liên hoan ca trù Hà Nội lần thứ 2 được tổ chức nhằm kiểm kê, định hướng và tìm giải pháp cho việc bảo tồn ca trù song chính các nhà nghiên cứu, những nghệ sĩ của loại hình nghệ thuật này cũng phải thẳng thắn thừa nhận sự nguy cấp của di sản văn hóa “ca trù”.

Việc lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản

Theo văn bản số 1141/BVHTTDL- DSVH về việc lập danh sách Di sản văn hóa phi vật thể dự kiến lập hồ sơ trình Unesco giai đoạn 2012 – 2016 có 10 loại hình nghệ thuật sẽ được lập hồ sơ đề nghị Unesco công nhận Di sản từ nay tới năm 2016. Bên cạnh đó, còn có 02 di sản thiên nhiên là Quần thể danh thắng Tràng An đã hoàn tất hồ sơ, quần đảo Cát Bà đang trong giai đoạn lập hồ sơ sẽ được trình Unesco trong năm tới. Trước thực trạng vấn đề bảo tồn di sản của Việt Nam, cũng có những ý kiến cho rằng chúng ta không nên lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản một cách ồ ạt mà nên tập trung vào những di sản đã được công nhận để bảo tồn, phát huy giá trị cho tốt.

Thành nhà Hồ, nghệ thuật hát Xoan, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là những di sản thế giới mới tại Việt Nam đươc công nhận trong 2 năm 2011, 2012

Việt Nam là một đất nước có hơn 4000 năm lịch sử với văn hóa truyền thống vô cùng phong phú, cùng với sự đa dạng của các nền văn hóa của đồng bào 54 dân tộc, như vậy Việt Nam có nhiều di sản, nhiều loại hình nghệ thuật là một điều dễ hiểu. Việc đề nghị Unesco công nhận di sản không phải là việc làm chỉ để lấy thành tích bởi để được công nhận là cả một quá trình rất khắt khe. Một hồ sơ theo quy định của công ước 1972, phải được xem xét trước hai năm để vượt qua đủ các vòng. Đầu tiên mỗi bộ hồ sơ khi được hoàn tất là bao tâm sức của các nhà khoa học, nhà quản lý. Thời gian hoàn thành mỗi bộ hồ sơ ít nhất là cả năm, ví dụ như hồ sơ Hoàng Thành phải mất 02 năm bởi quá nhiều tư liệu, Hội Gióng cũng tương tự…Hồ sơ sau khi gửi đi phải chờ Hội đồng khoa học của Unesco thẩm định. Sau khi thẩm định hồ sơ , Hội đồng khoa học sẽ tới quốc gia và địa phương có di sản để khảo sát, thẩm định.

Quần thể Tràng An và Quần đảo Cát Bà...02 di sản đang được lập hồ sơ để trình lên Unesco đề nghị được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Bà Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá (Bộ VHTTDL), người đã trực tiếp tham gia nhiều chương trình lập hồ sơ Di sản trình Unesco và có mặt ở hầu hết các chương trình đệ trình hồ sơ của Việt Nam cho biết: Quy trình đánh giá các hồ sơ di sản đề cử có 3 bước, mỗi bước đều có yêu cầu riêng và đều quan trọng, phải qua bước này rồi mới đến bước khác. Bước 1 do Ban Thư ký Unesco xem xét;  bước 2 thẩm định chuyên môn có Ban tư vấn của Ủy ban Unesco và chuyên gia của các tổ chức khoa học phi chính phủ của quốc tế được mời đánh giá độc lập; Ủy ban Liên chính phủ gồm đại diện của 24 nước sẽ có quyết định cuối cùng và công bố danh sách ở bước thứ 3. Hằng năm, có hàng trăm hồ sơ từ các nước trên thế giới gửi đến Unesco đệ trình là danh sách Di sản và gần 1/3 số hồ sơ không được vào xem xét ở bước cuối cùng này.

Theo quy định của Unesco, mỗi quốc gia lưu giữ di sản của nhân loại phải đưa ra được một chương trình hành động thiết thực, liên tục để gìn giữ, kế thừa và phát huy di sản theo hướng ổn định, bền vững. Nếu sau một thời gian nhất định, những tiêu chí giúp công nhận không còn và chương trình hành động không còn đi theo hướng đã cam kết ban đầu, Uỷ ban giám sát đã đưa ra lời cảnh báo, nếu lời cảnh báo được gửi đi mà không được hồi đáp theo hướng tích cực, Unesco có thể đưa ra quyết dịnh tước đi danh hiệu đó, quyết định có thể có thời hạn cũng có thể là vĩnh viễn.

Với rất nhiều tiêu chuẩn và sự khắt khe trong công đoạn xét duyệt thì giá trị của mỗi di sản sau khi được công nhận thực sư là niềm tự hào của quốc gia và việc đề nghị công nhận di sản là một việc làm hết sức cần thiết. Bởi có lập hồ sơ, chúng ta mới thấy một cách tổng quát giá trị di sản, có đệ trình lên Unesco chúng ta mới biết được giá trị di sản quan trọng đến mức nào và có được Unesco công nhận chúng ta mới biết trân trọng hơn những di sản của cha ông ta đã để lại. Bên cạnh đó việc được công nhận di sản thế giới cũng giúp chúng ta nâng tầm “thương hiệu quốc gia”.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam mới được Unesco công nhận ngày 06 tháng 12, nâng tổng số di sản được công nhận của Việt nam lên con số 17 di sản.

Ngày 06 tháng 12 vừa qua, cùng với 16 di sản khác của thế giới, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam chính thức được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nâng tổng số di sản được công nhận của Việt nam lên con số 17. Với một đất nước có bề dày lịch sử hàng nghìn năm thì 17 di sản chưa phải là nhiều, chỉ cần nhìn ngay các quốc gia Châu Á gần chúng ta như Trung Quốc đã có tới 43 di sản, Nhật Bản 16, Ấn Độ 29 thì con số 17 của chúng ta vẫn còn khiêm tốn. Song, danh hiệu nếu không được đặt đúng chỗ thì cũng chỉ là hư danh. Việc tiếp tục lập hồ sơ khoa học cho các di sản để đệ trình lên Unesco công nhận là việc cần thiết bởi Việt Nam còn rất nhiều loại hình nghệ thuật đạt đủ tiêu chí để được thế giới công nhận. Tuy nhiên việc quan trọng là chúng ta phải làm gì để di sản được công nhận không đơn giản chỉ tồn tại mà còn được phát huy hết các giá trị trong đời sống. Để di sản không chỉ dừng lại ở việc được tôn vinh mà còn khẳng định được thương hiệu Việt, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam.

Nguyễn Hương

 

Nguồn: CINET