Thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội

Cập nhật: 22/02/2013
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 diễn ra vui tươi, an toàn và tiết kiệm.

Các hoạt động văn hoá-nghệ thuật chuyên nghiệp, văn nghệ quần chúng, trò chơi dân gian, thể thao truyền thống được tổ chức rộng khắp, nội dung phong phú, chú trọng nâng cao chất lượng nghệ thuật.

Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trực thuộc Bộ và các tỉnh, thành đã tổ chức hơn 500 buổi biểu diễn phục vụ nhân dân đêm Giao thừa, dịp trước, trong và sau Tết; ưu tiên biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sỹ vùng biên giới, hải đảo, vùng chiến khu căn cứ cách mạng, nông thôn vùng sâu, vùng xa với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân”...

Các điểm tổ chức bắn pháo hoa tại các địa phương được quản lý tốt, bảo đảm an toàn. Các hoạt động hướng tới người nghèo, trẻ em đường phố, người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa được nhiều tỉnh, thành tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán.

Trong dịp này, các hoạt động thể dục thể thao, nhất là các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian diễn ra an toàn, tạo sân chơi lành mạnh, khí thế vui tươi sôi nổi trong quần chúng nhân dân.

Dịp Tết, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch nội địa đi theo các tour du lịch tăng 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều khách du lịch quốc tế chọn Việt Nam làm điểm dừng chân để đón năm mới; đồng thời, bà con Việt kiều về quê ăn Tết, tham dự các Lễ hội đều tăng. Kỳ nghỉ Tết kéo dài đã tạo thuận lợi cho các chuyến đi chơi xa của người dân, lượng khách du lịch nội địa đến các điểm du lịch khá đông và khách đi nước ngoài cũng tăng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động lễ hội dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 vẫn còn một số hạn chế như một số địa phương, tại các điểm di tích, nơi thực hành tín ngưỡng, việc tổ chức dịch vụ trông giữ ôtô, xe máy của du khách chưa được tốt (Văn Miếu-Hà Nội; Lễ hội Chợ Viềng-Nam Định); việc tổ chức phương tiện vận chuyển khách tham dự lễ hội còn nhiều hạn chế, gây ùn tắc, chen lấn (Chùa Bái Đính-Ninh Bình, Chùa Hương-Hà Nội, Hội núi Bà Đen-Tây Ninh)...

Ý thức người dân khi tham dự lễ hội tuy đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực so với năm trước nhưng chưa thực sự nền nếp; tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn, làm ảnh hưởng đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường.

Công tác tuyên truyền ý nghĩa, nội dung lễ hội gắn kết chặt chẽ giữa lịch sử di tích với việc giáo dục văn hoá cộng đồng một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Nội dung tuyên truyền chưa thực sự hấp dẫn, người dự hội nhiều, nhưng hiểu biết về các giá trị văn hoá của lễ hội còn hạn chế. Hầu hết tại các điểm di tích, lễ hội lớn, hiện tượng tăng giá dịch vụ tiếp tục tái diễn; các lực lượng chức năng chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, xử lý.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội; tổ chức các đoàn công tác do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động lễ hội tại một số địa phương, tạo sự chuyển biến căn bản, bền vững trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, chấn chỉnh môi trường du lịch, giải quyết triệt để tình trạng chèo kéo, chèn ép, lợi dụng, lừa đảo khách du lịch tại các trung tâm du lịch./.

Công Hải 

Nguồn: TTXVN