Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Cập nhật: 27/02/2013
Các nhà khoa học đã đóng góp những ý kiến, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu, thiết thực để các hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được hiệu quả hơn trong tương lai.

Nhiều nhà  khoa học, quản lý văn hóa đã tham gia Tọa đàm về bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 tấm bia Tiến sĩ - Ảnh: VGP/Huy Anh

Sáng 25/2, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã diễn ra Toạ đàm khoa học về Công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 tấm bia Tiến sĩ.

Những năm gần đây, việc bảo tồn, tôn tạo di tích đã được Trung tâm hoạt động văn hoá, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám thực hiện một số hạng mục như: Dựng nhà che bia, giải toả một phần không gian hồ Văn, cải tạo sân vườn, hệ thống thoát nước, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, mở rộng đường đi nội bộ, tường bao, sửa mái điện Đại Thành, xây dựng Nhà Thái Học trên nền cũ của trường Quốc Tử Giám… theo đúng các nguyên tắc về phục hồi di tích kiến trúc.

GS. KTS Hoàng Đạo Kính, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, uỷ viên Hội đồng di sản Văn hoá Quốc gia, cho biết so với các bức ảnh chụp vào những năm đầu thế kỷ 20 và so với tình trạng cách đây 30 năm thì di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được nâng cấp một cách cơ bản, bền vững, kiện toàn về phương diện quần thể kiến trúc. Tất cả các hạng mục công trình kiến trúc có niên đại khác nhau đều được bảo quản và trùng tu tương thích với cách du trì kiến trúc gỗ cũ, tránh được vấn nạn “trùng tu triệt để” đi ngược lại với bản chất gốc của bảo tồn di tích.

Về việc bảo tồn và phát huy giá trị, PGS. TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTTDL), cho rằng cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu về quá trình xuống cấp của các tấm bia đá bằng các phương tiện khoa học hiện đại và có các biện pháp cụ thể, hiệu quả để ngăn chặn hoàn toàn việc du khách tác động trực tiếp vào các tấm bia đá. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu các nội dung giá trị của khu di tích nói chung và các tấm bia nói riêng.

PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, nêu đề xuấtcần có kế hoạch làm bản sao 82 bia Tiến sĩ giống như bản gốc về hình dáng, kích thước, chất liệu, màu sắc, trang trí và những đặc điểm khác để đề phòng các trường hợp bất trắc xảy ra.

Tối 25/2, TP Hà Nội tổ chức đón nhận Bằng công nhận 82 bia đá các khoa thi tiến sỹ triều Lê - Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thế giới và Bằng công nhận di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Được thành lập từ thế kỷ XI, Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn giữ vai trò là Trung tâm thờ tự, giáo dục Nho học lớn nhất, nơi đào tạo ra hàng nghìn bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước. Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn giữ được kiến trúc cổ kính và nhiều hiện vật quý – chứng tích của nền văn hoá – khoa cử Nho học như: Gác Khuê Văn, Bia Tiến sĩ, điện Đại Thành, tượng thờ, hệ thống hoành phi đại tự với nội dung ngợi ca, biểu dương truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài.

Đặc biệt, 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là Di sản quý giá, quan trọng không chỉ với quốc gia mà còn với cả nhân loại. 82 tấm bia Tiến sĩ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: Có giá trị lịch sử - văn hoá cao, tính quốc tế, tính xác thực, độc đáo, quý hiếm.

Nguồn: Chinhphu.vn