Tăng trưởng xanh cần sự trợ giúp từ Chính phủ

Cập nhật: 01/04/2013
Những trở ngại chính về tăng trưởng xanh nằm ở nhận thức, công nghệ, khung pháp lý và nguồn vốn. Thực tế này cho thấy, nếu thiếu đi sự trợ giúp từ Chính phủ, con đường tăng trưởng xanh của doanh nghiệp sẽ rất gian nan.

Tăng trưởng xanh đang là một xu thế trên thế giới và được xem là một chiến lược hướng tới phát triển bền vững; trong đó phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường được bảo đảm cân đối, hài hòa với nhau. Lộ trình tăng trưởng xanh của nước ta cũng dần được khẳng định khi Việt Nam tham gia tuyên bố Manila về công nghiệp xanh tại châu Á năm 2009, đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ dự án cải thiện ô nhiễm, bảo vệ môi trường, khuyến khích sản xuất sạch hơn. Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (được phê duyệt tháng 9.2012) đã chỉ ra rằng, chính việc khai thác quá mức tài nguyên trong quá khứ đã gây nên nhiều vấn đề nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguyên liệu, nhiên liệu và hệ lụy là biến đổi khí hậu.

 

 Các chuyên gia môi trường cho biết, dưới tác động của biến đổi khí hậu, doanh nghiệp (DN) thường phải chịu ảnh hưởng như rủi ro về thiên tai, thương hiệu, uy tín, tác động toàn cầu hóa… Theo Báo cáo của Bộ TN-MT, số DN vừa và nhỏ của nước ta năm 2011 xấp xỉ hơn 500 ngàn, chiếm khoảng 96-98% tổng số DN song đây cũng là những thành phần rất dễ tổn thương với các rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra do những hạn chế về nguồn lực tài chính. Vì vậy, đặt xóa đói giảm nghèo lên hàng đầu, đồng thời đẩy mạnh xanh hóa sản xuất và xanh hóa lối sống là nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược.

 

 Trong bối cảnh toàn cầu hóa cùng với xu thế xuất khẩu mặt hàng chủ lực ra nước ngoài, thương hiệu DN xanh không chỉ mang tới lợi thế nhằm cải thiện các mối quan hệ giữa DN với cộng đồng và gia tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư mà còn góp phần quan trọng đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường tại nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì lẽ đó mà việc khuyến khích và kêu gọi các DN phát triển xanh cần được chú trọng, tạo động lực nhân rộng mô hình này, góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững.   

      

 Những trở ngại chính về tăng trưởng xanh nằm ở nhận thức, công nghệ, nguồn vốn và khung pháp lý. Việc các DN ngày càng nhận thức tốt hơn về bảo vệ môi trường là một hiệu ứng tích cực để nước ta hướng đến một nền kinh tế xanh. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Danh Sơn, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, “khó khăn lớn nhất hiện nay khi thực hiện tăng trưởng xanh là phần lớn các DN cho rằng, chi cho bảo vệ TN-MT chủ yếu là chi phí tiêu tốn mà chưa phải là loại chi phí sinh lợi. Nhiều DN vẫn quan niệm, bảo vệ môi trường là mất đi đáng kể phần lợi nhuận thu được”. Ông nhấn mạnh, đây chính là rào cản và trở ngại lớn nhất để DN tham gia chương trình tăng trưởng xanh một cách sâu rộng.

 

 Ngược lại, cũng không thể phủ nhận những khó khăn DN phải đối mặt khi chuyển đổi thành DN xanh. Bản thân DN sẽ phải giải quyết hàng loạt vấn đề như lợi nhuận suy giảm (trước mắt) khi đầu tư vào phát triển xanh; sự cạnh tranh thiếu công bằng với những DN chưa thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường. Chi phí để đầu tư xử lý môi trường, đổi mới công nghệ là rất lớn, không phải DN nào cũng thực hiện được. Một rào cản nữa là người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm và ưu tiên cho sản phẩm thân thiện với môi trường, cũng một phần bởi các sản phẩm xanh thường có giá cao hơn các sản phẩm thông thường. Việc thực hiện tăng trưởng xanh cũng không dễ khi nước ta chưa có văn bản pháp luật quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của DN đối với vấn đề bảo vệ môi trường cũng như phát triển bền vững. Các công cụ pháp luật để quản lý các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường còn chưa đầy đủ, rõ ràng đơn cử như nhãn sinh thái, phí và thuế môi trường.

 

Những rào cản trên đây cho thấy, nếu thiếu đi sự trợ giúp từ Chính phủ, rất khó để tăng trưởng xanh. Theo các chuyên gia, Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý cho DN đầu tư vào phát triển xanh và hệ thống công cụ quản lý môi trường, đẩy mạnh cấp và dán nhãn sinh thái. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần vốn, như từ ngân hàng, các tổ chức,… do đó, Chính phủ cũng phải đảm bảo doanh nghiệp tiếp cận được vốn, ưu tiên hỗ trợ vốn không lãi suất hoặc lãi suất thấp. Chính phủ cần triển khai chương trình giúp DN sản xuất sạch hơn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chuyển đổi tâm lý người tiêu dùng sang sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Ts Nguyễn Hữu Ninh - Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục môi trường và phát triển (CERED) lưu ý thêm, “xuất phát điểm KHCN của Việt Nam thấp so với các nước trên thế giới vì vậy tăng trưởng xanh cần sự đổi mới toàn diện về công nghệ cũng như đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ mới”.

Nguồn: daibieunhandan.vn