Bảo tồn di sản: Chỉ nhiệt tình là chưa đủ

Cập nhật: 03/05/2013
Việt Nam là quốc gia có nhiều Di sản thế giới được UNESCO công nhận nhất trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản đúng cách đang ngày càng trở nên bức thiết khi nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân được cấp phép hoặc tự nhận bảo tồn di sản nhưng lại thiếu chuyên môn và hiểu biết đầy đủ.

Theo TS. Nguyễn Tấn Anh, Trưởng Văn phòng đại diện Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tại TPHCM, giá trị lịch sử, văn hóa mà di sản đem lại cho nhân loại là vô giá.

Công nhận di sản để làm kinh tế

Tuy nhiên, thời gian qua, một số ngành và địa phương đã hiểu chưa đúng đến việc đề nghị UNESCO công nhận các di sản thuộc lĩnh vực của ngành hay của địa phương mình.

“Thay vì phải ý thức được trách nhiệm thiêng liêng của việc gìn giữ và bảo tồn di sản thì một số ngành và địa phương gần như mong muốn khai thác “triệt để” các di sản thế giới này nhằm mục đích phát triển kinh tế”, TS. Nguyễn Tấn Anh nói.

Thực tế cho thấy, tình hình ô nhiễm môi trường và nhiều hoạt động kinh tế đã phá vỡ hình ảnh kỳ quan của một số di sản thiên nhiên như Vịnh Hạ  Long, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn. Việc mở các nhà hàng nổi, khai thác thủy sản hay sử dụng vô tội vạ các thuyền máy trên Vịnh Hạ Long, kể cả các tàu thuyền qua lại vịnh để đến các cảng biển gần vịnh, việc phát triển các khu công nghiệp quanh vịnh… tiềm ẩn nhiều rủi ro cho việc gìn giữ và bảo tồn cảnh quan và hệ sinh thái biển ở đây.

Thậm chí giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam giảm sút có khi lại do chính các nhà quản lý, nghệ nhân, nghệ sĩ gây ra do tình trạng thương mại hóa.

Bên cạn đó là hiện tượng một số di sản văn hoá bị biến tướng thành các hoạt động mang tính tín ngưỡng, làm mất đi giá trị lịch sử, văn hóa vốn có.

Điển hình như di tích Bia Tiến sĩ Văn Miếu-Quốc Tử Giám, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Cứ mỗi mùa thi, các sĩ tử lại đến “xoa đầu rùa” vì cho rằng làm vậy sẽ gặp may mắn để vượt qua các kỳ thi. Hay nhiều hoạt động lễ hội ở các di tích văn hóa như xin ấn, xin lộc hay cố gắng tìm cách sờ, chạm vào các bức tượng thờ thần, thánh… đôi khi dẫn đến cảnh chen lấn, giẫm đạp rất lộn xộn. Mới đây nhất là việc thần thánh hóa hay tín ngưỡng hóa "hòn đá lạ" ở Đền Hùng không chỉ làm giảm sự thiêng liêng của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt Nam mà còn làm giảm giá trị lịch sử và văn hóa của di sản văn hóa thế giới mới vừa được UNESCO công nhận.

Xây dựng văn hoá ứng xử với di sản

Các nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng trong quá trình xã hội hóa việc bảo tồn các di sản của thế giới, quan trọng nhất là phải có hiểu biết cũng như văn hoá ứng xử đối với các di sản cần được bảo vệ, bảo tồn.

Trong đó, cần xác định trách nhiệm của địa phương, nơi có di sản thế giới, phải xây dựng chương trình quy hoạch tổng thể cho việc bảo vệ và bảo tồn các di sản; có đội ngũ nhân sự và phương tiện đầy đủ để thực hiện nghĩa vụ bảo vệ và bảo tồn các di sản trong đời sống cộng đồng.

Ngoài ra, cần xây dựng những biện pháp thích hợp về luật pháp, khoa học, kỹ thuật, hành chính và tài chính cần thiết cho việc xác định, bảo vệ, bảo tồn, giới thiệu và phục hồi di sản. Khuyến khích thiết lập hoặc phát triển các trung tâm đào tạo, quốc gia hoặc địa phương, về bảo vệ, bảo tồn và giới thiệu di sản và khuyến khích nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này. Đồng thời, nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ và bảo tồn di sản thế giới. Có như vậy mới có thể hài hoà giữa mục đích phát triển kinh tế và việc bảo tồn các di sản và ngược lại.

Thanh Thủy

Nguồn: : Chinhphu.vn